Những mối lo an toàn thông tin trên Facebook

Đánh cắp mật khẩu, lộ thông tin thẻ tín dụng, bị cài phần mềm độc hại là những nguy cơ có thể gặp phải khi lướt Facebook.

Ông Võ Quang Vinh, Giám Đốc Điều Hành SBRO Việt Nam cho biết mối nguy phổ biến nhất trên Facebook hiện nay ở Việt Nam chính là các đường link độc hại có mặt trên mạng xã hội này. Các link độc hại có thể xuất hiện trong các bình luận, hoặc do người dùng vô tình hay cố ý chia sẻ chúng lên mạng…

Những mối lo an toàn thông tin trên Facebook ảnh 1

Ông Võ Quang Vinh - CEO SBRO Việt Nam - đang nói về các hình thức đánh cắp thông tin trên mạng - Ảnh: H.Đ

Các đường link độc hại thường dẫn đến những phishing website (website giả mạo), nhằm đánh cắp thông tin người dùng, tên và mật khẩu đăng nhập, thông tin thẻ tín dụng… hoặc link độc hại cũng có thể dẫn đến việc người dùng vô tình cài đặt các loại virus, malware… Một khi đã bị nhiễm các loại phần mềm độc hại thì dữ liệu và các thông tin khác của người dùng nhiều khả năng sẽ nằm trong tay tội phạm mạng.

Nói trong buổi họp báo giới thiệu phần mềm mở rộng (extension) SBRO, cài đặt trên trình duyệt Google Chrome để chặn link độc hại, quảng cáo xấu, tài khoản giả trên Facebook… vào hôm 13/11/2015, ông Võ Quang Vinh dẫn số liệu gần đây của Kaspersky Security Bulletin cho biết, 67% máy tính ở Việt Nam bị nhiễm các phần mềm độc hại (cao nhất thế giới) và 45% người dùng đối mặt với các mối đe dọa trên mạng (đứng thứ 4 thế giới).

Dẫn nguồn từ Bitfender, ông Vinh cho biết trong các loại thông tin spam trên mạng thì có 5% trong số đó chứa malware. Các trường hợp bị đánh cắp danh tính phố biến là thông tin thẻ tín dụng, dùng để mua sắm online; hoặc thông tin tài khoản game, kẻ tấn công sẽ dùng nó để mua sắm đồ đạc cho các tài khoản game khác.

Khi tham gia trên các mạng xã hội, người sử dụng rất dễ bị đánh lừa do trí tò mò của mình. Những trò lừa phổ biến như Ai ghé xem Facebook của bạn nhiều nhất, rò rỉ video scandal của những người nổi tiếng, tặng quà, yêu cầu cập nhật ứng dụng… sẽ khiến nhiều người tò mò click vào đường dẫn độc hại, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Ông Vinh cho biết có đến 70% các đường link độc hại là do những người bị lừa chia sẻ.

Trong phần trình bày của mình, CEO của SBRO Việt Nam dẫn các trường hợp lừa đảo cụ thể tại Việt Nam. Chẳng hạn một đường link độc hại có thể dẫn đến một trang web giả mạo trang đăng nhập của ngân hàng Vietcombank, nếu người dùng không để ý có thể nhập các thông tin vào đó, và chắc chắn sẽ bị đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng. Một trường hợp khác, website giả mạo mô phỏng trang đăng nhập của Facebook, mà nếu người dùng đăng nhập vào thì kẻ xấu chắc chắn sẽ nắm được tên tài khoản và mật khẩu của người dùng. Kẻ xấu cũng có thể dùng cách đăng quảng cáo về một phần mềm miễn phí và kêu gọi người dùng tải về, nhưng thực chất phần mềm tải về có chứa malware, nếu người dùng cài đặt phần mềm độc hại này thì máy tính xem như đã “dính” phần mềm gây hại. Một trường hợp khác khá phổ biến hiện nay trên Facebook chính là các đường link có nội dung rất gây tò mò được đăng trên tường của nhiều người, những người tò mò khi click vào thì nội dung hiển thị lại khác với tiêu đề “nóng hổi” kia, và tùy thuộc vào mục đích của kẻ xấu mà đường link người dùng click vào nguy hiểm ra sao.

Rõ ràng Facebook nói riêng và internet nói chung là nguồn thông tin, kênh giải trí, làm việc rất hiệu quả; là xu hướng tất yếu thu hút nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, người dùng cần trang bị đầy đủ kiến thức và có những phòng bị cần thiết để tránh mắc phải những mối nguy trên mạng.

Theo Hải Đăng/ICTnews

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast