Samsung hé lộ chiến lược nhà thông minh tại CES 2015

Sản phẩm quan trọng nhất tại CES 2015 có thể không thực sự là một sản phẩm, mà đó chính là chính sách. Samsung là minh chứng cho điều này.

Tại CES 2015, Samsung Electronics cho biết đến năm 2017, 90% thiết bị mà hãng sản xuất sẽ kết nối Internet, 10% còn lại hoàn tất vào năm 2020. Xét đến thực tế trong năm 2014, Samsung đã chuyển hơn 665 triệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tác động của động thái này đến việc phổ biến Internet of Things là không thể xem nhẹ.

Công ty Hàn Quốc sẽ mở cửa các hệ điều hành và “trải thảm đỏ” mời các lập trình viên, nhà sản xuất phần cứng, phần mềm khác tham gia. Từ lâu, Samsung luôn muốn thúc đẩy nhà thông minh, đặc biệt sau khi mua lại nền tảng SmartThings vào tháng 8/2014, song ít người tin rằng Samsung cởi mở đến mức độ này. Samsung hoàn toàn có thể tạo ra khu vườn đóng, buộc người dùng lựa chọn thiết bị của hãng hoặc đối tác để lập nên mạng lưới của riêng mình.

Chủ tịch Samsung Electronics Yoon Boo Keun trong buổi họp báo tại CES 2015 hôm 5/1/2015. Ảnh: Bloomberg

Chủ tịch Samsung Electronics Yoon Boo Keun trong buổi họp báo tại CES 2015 hôm 5/1/2015. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, như Chủ tịch Samsung Electronics, Yoon Boo Keun, đã nhắc đến trong bài phát biểu: “Internet of Things không phải về đồ vật mà là về con người”, nếu Internet of Things không giúp cải thiện cuộc sống của mọi người, nó sẽ trở thành câu chuyện nhàm chán.

Không phải ai cũng theo đuổi cách tiếp cận như Samsung. Hôm 5/1, Nest, công ty vừa được Google mua lại, giới thiệu hệ sinh thái nhà thông minh mới nhưng giao thức Work with Nest đặt ra giới hạn cho các loại dữ liệu được chia sẻ, thời gian lưu trữ và cách thức sử dụng chúng.

Với Samsung, ông Yoon cho rằng cách tiếp cận ngược lại sẽ có lợi hơn: Họ hi vọng hệ sinh thái mở có thể dẫn dắt nhu cầu người dùng và mong muốn tối ưu hóa sản phẩm Samsung theo cách chưa bao giờ được nghĩ đến tại Seoul. Samsung còn cam kết đầu tư 100 triệu USD phát triển hệ sinh thái kết nối, từ xây dựng cơ sở hạ tầng, gây vốn startup.

Kế hoạch của Samsung được đưa ra trong bối cảnh mảng kinh doanh smartphone đang chịu áp lực lớn, đặc biệt từ các đối thủ giá rẻ của Trung Quốc, đúng như nhà báo Sam Grobart của hãng tin tài chính Bloomberg từng tiên đoán gần 2 năm trước: “Khi mảng di động ngừng sinh lãi, Samsung buộc phải tìm lối đi trong các ngành khác đòi hỏi nguồn vốn lớn và sự chuyên nghiệp trong sản xuất đại trà”. Khi ấy, Samsung công bố ý định tập trung vào thiết bị y tế, năng lượng mặt trời, đèn LED, pin cho xe hơi chạy điện. Internet of Things là bước đi hợp lý tiếp theo. Samsung, với sự kết hợp độc đáo giữa chiều sâu và độ rộng công nghệ, có thể tạo ra hệ sinh thái Internet of Things quy mô: Họ đã chế tạo linh kiện điện tử tinh vi, bảng mạch và nhiều đồ gia dụng. Năng lực thiết kế, sản xuất và tiếp thị của Samsung ở đẳng cấp thế giới.

SmartThings vẫn là trọng tâm trong chiến lược của Samsung. Hub – trung tâm điều khiển trong nhà – vừa ra mắt phiên bản thứ hai cùng với một số cập nhật về phần cứng. CEO SmartThings Alex Hawkinson nhấn mạnh “Trái tim của SmartThings là phần mềm”. Cụ thể, đó là phần mềm cho phép mọi thứ hoạt động cùng nhau, từ smartphone đến ổ khóa. Hub về cơ bản tiếp nhận dữ liệu từ mọi nguồn rồi cho chúng “nói chuyện” với nhau: thiết bị theo dõi giấc ngủ nhắc bạn không nên xem tivi trước khi ngủ; khóa nhà “nói” với bóng đèn khi bạn ra khỏi nhà.

Các hệ thống mở cũng có nhược điểm riêng như xung đột về giao thức và ngôn ngữ lập trình. Tuy nhiên, ông Hawkinson tin rằng theo thời gian, cách tiếp cận của Samsung và SmartThings sẽ cho phép các giao thức đi lên cùng nhau và hợp nhất các tiêu chuẩn đang có. Nếu quá trình diễn ra suôn sẻ, nó sẽ giảm chi phí và va chạm trong quá trình phát triển. Nếu không, nó trở thành mớ bòng bong cho Samsung.

Dịch vụ cũng đóng vai trò lớn trong thị trường Internet of Things. Trước hết, SmartThings sẽ cung cấp dịch vụ thuê bao, cho phép người dùng cấu hình thông báo tin nhắn và cuộc gọi để chuyển tới bạn bè, người thân. Nếu bạn quên không tắt lò vi sóng, bạn sẽ được nhận cảnh báo; nếu chuông báo thức tắt, hàng xóm của bạn sẽ biết.

Vẫn còn một thời gian dài trước khi mọi thứ trở thành hiện thực. Samsung còn 2 năm nữa để làm được những gì tuyên bố hôm nay, và cần thêm từng ấy thời gian để chủ nhà mua thêm thiết bị vì mua một chiếc smartphone mới bao giờ cũng dễ hơn nhiều thay thế toàn bộ đồ gia dụng trong nhà. Hiện tại, thế giới Internet of Things “mở” của Samsung bắt đầu bằng SmartThings Hub, một số đối tác doanh nghiệp có tên tuổi và nhiều người thực sự muốn trông thấy nó thành công.

Theo ictnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast