Sony phát triển công nghệ giúp tăng 40% thời lượng pin

Thời lượng pin là vấn đề muôn thuở của smartphone và các thiết bị cầm tay khác nhưng Sony đang hứa hẹn có thể cải thiện vấn đề này trong thời gian tới.

Pin Lithium-ion (hay còn gọi là Li-on) đã được dùng trên các sản phẩm điện tử khá lâu và chưa có nhiều đột phát. Nguồn pin luôn là một trong những nút thắt cổ chai lớn nhất để đổi mới nhiều hơn nữa cho các thiết bị di động. Trong khi đã có những bước tiến lớn trong việc sạc nhanh thì có một vấn đề nan giải là chưa thể kéo dài thời lượng pin lâu hơn mà không gia tăng kích cỡ viên pin. Việc hạn chế về kích cỡ cho các smartphone khiến cho các nhà sản xuất phải thỏa hiệp giữa độ dày smartphone và dung lượng pin.

Pin trên smartphone vẫn chỉ đang cố gắng đáp ứng ở mức 1 ngày sử dụng thoải mái với cường độ cao.
Pin trên smartphone vẫn chỉ đang cố gắng đáp ứng ở mức 1 ngày sử dụng thoải mái với cường độ cao.

Một thực tế, công nghệ pin li-ion hiện tại đã được dùng từ năm 1991. Đến nay, khả năng của nó chỉ tăng nhẹ, phần nhiều thời lượng tăng lên là vì các phần cứng và phần mềm đã dùng năng lượng hiệu quả hơn.

Dù đã có nhiều giải pháp thay thế, chưa có chất liệu nào thực sự trở nên hữu dụng và đủ khả năng thương mại hóa. Tiến sỹ Jay Whiteacre từ Đại học Carnegie-Mellon, Pittsburgh nói với The Verge: "Pin Li-ion vẫn sẽ thống trị, các giải pháp hiện tại không đủ để các công ty chi thêm tiền đầu tư cho pin".

Phát minh ra loại pin hiệu quả hơn không đơn giản như tăng tốc thiết bị bằng cách nhét thêm vi xử lý vào kích thước nhỏ hơn. Pin là công nghệ lý hóa rất cơ bản, "chất liệu để làm pin bị giới hạn trong bảng tuần hoàn nguyên tố", theo Tiến sỹ Doron Myerdorf, CEO của StoreDot, công ty chuyên giải quyết các vấn đề về pin.

Do đó, người dùng còn phải chịu đựng việc sạc pin khá lâu nữa, nhất là đối với công nghệ sử dụng pin hiện tại. Nhưng các công ty cũng sẽ khổ sở, bởi họ phải tính toán rất nhiều trước khi áp dụng công nghệ mới mà vẫn đảm bảo thời lượng pin, trí tuệ nhân tạo hay thực tế ảo cũng đang bị giới hạn bởi điều này.

Giờ đây, hãng Sony đang làm việc với thế hệ pin dựa trên thành phần chính là lưu huỳnh cho khả năng tích tụ năng lượng cao hơn tới 40% so với thế hệ trước. Thông thường, các điện cực trong pin lưu huỳnh dựa trên cơ chế hòa tan vào chất điện quá nhanh trong mỗi chu kỳ sạc, làm giảm công suất của pin. Nhưng, Sony tuyên bố, họ đã tìm thấy giải pháp cho vấn đề này. Như vậy, thời lượng sử dụng các thiết bị cũng kéo dài thêm tương đương 40%.

Điều này có nghĩa rằng, trong trường hợp tốt nhất, một chiếc điện thoại như Nexus 6P có thể có nguồn pin 4500mAh nhưng có cùng kích thước vật lý giống như pin 3220mAh hiện nay; Samsung Galaxy S6 có thể có một pin 3750mAh thay vì 2550mAh; và Apple iPhone 6 có thể có pin 2530mAh thay vì 1810mAh như hiện nay.

Song, công nghệ mới đầy hứa hẹn, nhưng cũng có những trở ngại nhất định. Thế hệ pin Li-S đầu tiên được thử nghiệm vào cuối thập nhiên 2000, nhưng hầu như không có phiên bản nào được đưa vào sản xuất đại trà, đơn giản vì pin lưu huỳnh dễ bị thoái hóa.

Chưa rõ, Sony đã làm cách nào để giải quyết bài toán kể trên. Nhưng một báo cáo mới đây nói rằng, công ty đã kết hợp magie và lưu huỳnh nhằm mang lại tính hiệu quả và giảm giá thành.

Gã khổng lồ Nhật Bản cho biết, thế hệ pin mới sẽ được sản xuất rộng rãi vào năm 2020 và người dùng smartphone có quyền mơ về một tương lai không xa có thể dùng thoải mái thiết bị của mình trong cả ngày mà không lo cắm sạc.

Theo ICTnews/VnReview

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast