Tương tác giữa báo chí và mạng xã hội: Cần thiết nhưng cẩn trọng!

(Baohatinh.vn) - ‘Tương tác giữa mạng xã hội và báo chí là xu thế tất yếu. Vấn đề là cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí làm thế nào để tận dụng được ưu thế của sự tương tác ấy, hạn chế tối đa những mặt tiêu cực của mạng xã hội, nâng cao hiệu quả tuyên truyền của báo chí” - ông Phan Tấn Linh, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Tĩnh chia sẻ quan điểm với PV Báo Hà Tĩnh trong cuộc phỏng vấn dưới đây.

Tương tác giữa báo chí và mạng xã hội: Cần thiết nhưng cẩn trọng! ảnh 1

Ảnh minh họa từ internet

- Sự tương tác giữa mạng xã hội và báo chí là một xu thế tất yếu trong thời đại internet. Ông nhìn nhận như thế nào về việc phóng viên báo chí khai thác thông tin trên mạng xã hội để làm chất liệu cho tác phẩm báo chí?

- Mạng xã hội ngày càng thể hiện vai trò trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự tương tác mạnh mẽ giữa mạng xã hội với báo chí vì vậy cũng đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ. Việc nhà báo khai thác, nắm bắt thông tin từ mạng xã hội hoàn toàn không phải là việc xấu, thậm chí là cần thiết và mạng xã hội thực sự sẽ là nơi mỗi người cầm bút có thể thu thập, phát hiện những vấn đề, phát hiện nhu cầu thông tin của công chúng một cách nhanh nhất.

Mạng xã hội là “kho” thông tin cho báo chí, là nơi thúc đẩy tương tác giữa báo chí và công chúng nhưng cũng là nơi chứa đựng nhiều trò đùa ác ý, thông tin bịa đặt, thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin thô mộc từ đời sống mà nếu thiếu sự kiểm chứng, thiếu sự làm chủ ngòi bút của người viết sẽ dẫn đến những tác hại khó lường.

Thông tin chia sẻ trên mạng xã hội phần lớn đơn thuần chỉ là thông tin mang tính cá nhân. Đó có thể là thông tin chính xác, có giá trị nhưng cũng có thể chỉ là tin “rác”, tin “vịt”. Đó có thể là thông tin hết sức khách quan, chân thực nhưng có thể chỉ là thông tin ở góc nhìn hẹp, một chiều, suy diễn cá nhân. Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng internet, xây dựng các trang web, đặt máy chủ ở nước ngoài, đăng tải các thông tin, luận điệu bịa đặt, phản động, sai trái, kích động hận thù dân tộc, tôn giáo, trái thuần phong mỹ tục… hòng gây nhiễu loạn thông tin, bôi nhọ hình ảnh, chống phá Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Do đó, đòi hỏi người làm báo phải hết sức thận trọng, tỉnh táo và bản lĩnh trong việc tiếp xúc, khai thác thông tin trên mạng xã hội.

Tương tác giữa báo chí và mạng xã hội: Cần thiết nhưng cẩn trọng! ảnh 2

Không chỉ báo in mà ngay cả PTTH cũng bị mạng xã hội thách thức trước yêu cầu nhanh nhạy về thông tin

- Theo ông, cần những biện pháp nào để phát huy mặt mạnh và hạn chế tối đa hệ lụy của sự tương tác ấy?

- Phải thừa nhận rằng, với khả năng liên kết mạnh mẽ, mạng xã hội góp phần quảng bá thông tin từ báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên báo chí. Trong thời đại công nghệ số và bùng nổ thông tin như hiện nay, một bài báo được dư luận quan tâm, khi cập nhật, chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội sẽ tạo ra sức lan tỏa rộng lớn hơn rất nhiều lần so với việc phát hành truyền thống. Bên cạnh đó, có thể chỉ là một khuôn hình hoặc 5 dòng tin thôi, nhưng nếu không có cái nhìn tỉnh táo, không qua “bộ lọc thông thái” sẽ là điều kiện để phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ, làm phức tạp thêm tình hình, gây bất ổn xã hội.

Tương tác giữa mạng xã hội và báo chí là cần thiết và là xu thế tất yếu. Vấn đề là cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí làm thế nào để tận dụng được ưu thế của sự tương tác ấy, hạn chế tối đa những mặt tiêu cực của mạng xã hội, nâng cao hiệu quả tuyên truyền của báo chí.

Theo tôi, ở tầm quản lý vĩ mô, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, nhất là báo chí điện tử, trang tin điện tử và trang mạng xã hội trên internet; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng internet, trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử đăng tải tài liệu, truyện, tranh, phim, ảnh có nội dung xấu, chống đối chế độ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là các báo mạng điện tử. Cần có chế tài, có quy định đối với phóng viên, biên tập viên khi tham gia mạng xã hội, có quy chế kiểm chứng nguồn tin...

Nếu người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí “thả nổi”, buông lỏng sự quản lý đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên, không có chiến lược phát triển lâu dài, thiếu các chế tài quản lý thì tất yếu tờ báo đó sẽ dần bị bạn đọc tẩy chay.

Trách nhiệm, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của mỗi phóng viên, biên tập viên chính là mấu chốt vấn đề. Nếu họ, những người trực tiếp “chế biến” không đi đến nơi cần đến, không tìm hiểu, xác định thông tin nhiều chiều, nếu họ chỉ “salon” lướt mạng, cắt ghép... Và, những người thẩm định thiếu ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp, không có “bộ lọc” thông tin chuẩn thì hệ lụy xã hội sẽ rất lớn.

- PV: Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast