Ứng dụng tia laser giúp phát hiện ma túy, thuốc nổ từ xa

Nhóm chuyên gia của Học viện Trắc địa Quốc gia Siberia (SSGA) tại Novosibirsk, Nga, đã sáng chế ra phương pháp sử dụng bức xạ laser (tia hồng ngoại) để phát hiện ma túy và thuốc nổ ở khoảng cách từ 10-100 m, cũng như nhận biết nồng độ khí methane ở cách xa 10 km với độ chính xác cao mà không hề gây động hoặc làm thay đổi trạng thái của đối tượng bị phát hiện.

Ảnh minh họa. (Nguồn: digitaltrends.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: digitaltrends.com)

Ông Valeri Khairapetyan, Chủ nhiệm Bộ môn thiết bị và công nghệ chuyên biệt thuộc SSGA, cho biết bản chất của phát minh này là sử dụng lưới tia laser quét trên diện rộng cho phép điều chỉnh tần số bức xạ khi phân tích đối tượng để tìm kiếm chất và vật thể lạ.

Ông Valeri giải thích do lưới tia laser có thể điều chỉnh và thay đổi tần số bức xạ, trong khi tương tác với các chất tiềm ẩn có thể điều chỉnh tần số của chất hay vật thế đó.

Khi diễn ra sự trùng hợp ngẫu nhiên cộng hưởng tần số, tín hiệu thu được từ chất này sẽ tăng đột ngột. Như vậy thông qua theo dõi và nhận biết sự gia tăng tín hiệu, từ khoảng cách xa có thể xác định được nồng độ và những thông số khác của chất lạ.

Theo các chuyên gia, khâu tìm kiếm chất nổ được định hướng bởi các tần số của vật liệu gây nổ. Có thể phóng các chùm tia laser đến đối tượng nghi vấn chính với tần số cụ thể; nếu tín hiệu phản hồi có cùng tần số, rõ ràng có thể kết luận là đối tượng này có mang theo chất nổ.

Điều tương tự cũng xảy ra khi tìm kiếm các loại ma túy, vì laser có khả năng tái lập dải tần ở nơi các loại ma túy có vạch hấp thụ mạnh. Đặc tính tìm kiếm từ xa các loại ma túy và chất nổ giúp giảm đáng kể những rủi ro mạo hiểm đối với con người.

Ngoài ra, giới chuyên gia nhấn mạnh phạm vi ứng dụng công nghệ này là khá rộng. Việc sử dụng tia laser không chỉ giúp tìm kiếm vật liệu nổ và các loại ma túy ở sân bay, phân tích nồng độ khí methane trong hầm mỏ, mà còn góp phần giám sát thực trạng môi trường, thậm chí có thể giúp xét nghiệm máu trong trường hợp khẩn cấp.

Nhóm chuyên gia của SSGA cho biết sáng chế của họ đã được ứng dụng ở thủ đô Athens của Hy Lạp để đánh giá mức độ ô nhiễm khí quyển./.

Nguồn: TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast