Vì sao phải đổi mã vùng điện thoại cố định?

Bộ TT&TT cho biết, hiện số lượng thuê bao di động ngày càng tăng, ngược lại số lượng thuê bao cố định ngày càng giảm. Điều này bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong quy hoạch, sử dụng kho số giữa mạng cố định và mạng di động nên đổi mã vùng điện thoại cố định để dồn đầu số cho di động.

Vì sao phải đổi mã vùng điện thoại cố định? ảnh 1

Thuê bao cố định sẽ phải thay đổi mã vùng, nhưng không thay đổi số. Ảnh minh họa từ internet

Dồn đầu số cố định cho di động

Bộ TT&TT cho biết, Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT về quy hoạch kho số viễn thông được xây dựng và ban hành với mục tiêu quy hoạch hợp lý đảm bảo việc sử dụng kho số tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển bền vững. Việc quy hoạch này phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế, các tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Bộ TT&TT cũng khẳng định việc quy hoạch này nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch đối với doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ; hạn chế tối đa ảnh hưởng không tích cực có thể phát sinh đối với doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ.

Theo Quy hoạch, số thuê bao mạng viễn thông cố định mặt đất có độ dài 7, 8 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông cố định vệ tinh có độ dài 7 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng cho thuê bao viễn thông là số có độ dài 7 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng cho thuê bao viễn thông là thiết bị có độ dài 8 chữ số; Số thuê bao điện thoại Internet có độ dài 10 chữ số bao gồm cả mã mạng điện thoại Internet.

Đáng chú ý, theo Quy hoạch mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/3 tới, mã vùng điện thoại cố định của 59 tỉnh, thành phố sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, Hà Nội đổi từ 4 thành 24; TP.HCM đổi từ 8 thành 28; Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236; Hải Phòng từ 31 thành 225; Quảng Ninh từ 33 thành 203; Thanh Hóa từ 37 thành 237; Nghệ An từ 38 thành 238; Thừa Thiên - Huế từ 54 thành 234; Cần Thơ từ 710 thành 292; Phú Yên từ 57 thành 257; Khánh Hòa từ 58 thành 258...

Có 4 tỉnh gồm Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Hà Giang vẫn giữ nguyên mã vùng lần lượt là 210, 211, 218 và 219. Ngoài ra, Quy hoạch cũng quy định thêm 19 mã vùng dự phòng như: 200, 201, 202, 217, 223, 224, 230, 231…

Lý giải về việc quy hoạch này, Bộ TT&TT cho biết, theo thống kê, trong những năm vừa qua số lượng thuê bao điện thoại di động ngày càng tăng, ngược lại số lượng thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm. Xu hướng suy giảm số thuê bao điện thoại cố định có thể vẫn diễn ra trong những năm tới. Hiện tại, tổng số thuê bao điện thoại cố định và di động của Việt Nam khoảng 130 triệu. Trong đó số lượng thuê bao điện thoại cố định khoảng gần 7 triệu (chiếm khoảng 5,4% tổng số thuê bao), số lượng thuê bao điện thoại di động khoảng hơn 120 triệu (chiếm khoảng 94,6% tổng số thuê bao). Theo quy hoạch cũ thì số đầu mã làm mã vùng cho mạng cố định là 7 và làm mã mạng cho mạng di động là 2. Điều này bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong quy hoạch, sử dụng kho số giữa mạng cố định và mạng di động. Về lâu dài, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông di động sẽ dẫn đến thiếu số cho di động trong khi thừa số cho cố định.

Bộ TT&TT khẳng định, với quy hoạch mới sẽ giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch 1 đầu mã làm mã vùng; 8 đầu mã làm mã mạng, trong đó 6 đầu mã làm mã mạng cho mạng di động, 1 đầu mã làm mã mạng sử dụng cho thuê bao di động là thiết bị và 1 đầu mã làm mã mạng cho các mạng viễn thông khác như mạng viễn thông cố định vệ tinh, mạng viễn thông dùng riêng, mạng điện thoại Internet và dự phòng.

Không thay đổi số điện thoại cố định

Bộ TT&TT cho biết, theo quy hoạch cũ và thực tế đang sử dụng, độ dài mã vùng là 1, 2 hoặc 3 chữ số, độ dài số thuê bao là 7 hoặc 8 chữ số. Cụ thể là độ dài mã vùng, 2 thành phố (thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) có độ dài 1 chữ số; 37 tỉnh, thành phố khác có độ dài 2 chữ số và 24 tỉnh, thành phố còn lại có độ dài 3 chữ số. Về độ dài số thuê bao điện thoại cố định, 2 thành phố (thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) có độ dài 8 chữ số; 61 tỉnh, thành phố có độ dài 7 chữ số. Điều này dẫn đến độ dài quay số khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến thuê bao điện thoại cố định là không thống nhất, tùy theo tỉnh, thành phố mà độ dài quay số là 10 hoặc 11 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia ‘0’. Với việc không có sự thống nhất trong độ dài quay số dẫn đến dễ gây nhầm lẫn và khó nhớ đối với người sử dụng dịch vụ.

Vì vậy, với quy hoạch mới đã giải quyết bất cập này bằng việc quy hoạch độ dài mã vùng là 2 hoặc 3 chữ số, độ dài số thuê bao điện thoại cố định giữ nguyên là 7 hoặc 8 chữ số phụ thuộc vào vùng đánh số cụ thể. Cụ thể độ dài mã vùng, 2 thành phố (thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) có độ dài 2 chữ số; 61 tỉnh, thành phố có độ dài 3 chữ số. Bộ TT&TT khẳng định, độ dài số thuê bao điện thoại cố định thì vẫn giữ nguyên như hiện tại. Như vậy, độ dài quay số khi gọi đường dài trong nước hoặc gọi từ mạng di động đến thuê bao điện thoại cố định là thống nhất trên toàn quốc, đều là 11 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia ‘0’. Như vậy, hầu hết các biển báo, các số xe taxi sẽ không bị ảnh hưởng bởi không có mã vùng. Quy hoạch mới này sẽ ảnh hưởng đối với những liên hệ có ghi mã vùng điện thoại.

Tính đến thời điểm này, VNPT sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất vì doanh nghiệp này đang chiếm thị phần lớn nhất. Trong khi đó việc kinh doanh dịch vụ điện thoại cố định đang gặp khó khăn. Tháng trước ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, tính đến hết tháng 11/2014, thuê bao cố định của VNPT đã sụt giảm 410.000 thuê bao. Trước đó, VNPT công bố đến hết tháng 9/2014 doanh nghiệp này đã bị sụt giảm 390.000 thuê bao điện thoại cố định. Như vậy, so với số liệu này thì mỗi tháng VNPT đã mất đi khoảng 10.000 thuê bao điện thoại cố định. Nếu với đà sụt giảm như vậy, mỗi năm VNPT sẽ mất khoảng 120.000 thuê bao điện thoại cố định.

Theo Thái Khang/ictnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast