Dùng smartphone đóng, mở cống thoát nước

(Baohatinh.vn) - Hệ thống giám sát, điều khiển và đóng mở tự động cho 2 cống thoát nước sông Cụt và đập Hầu do Trường Đại học Hà Tĩnh nghiên cứu, lắp đặt bước đầu hoạt động khá ổn định, được các đơn vị vận hành đánh giá cao.

Dùng smartphone đóng, mở cống thoát nước

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng ở thành phố Hà Tĩnh là do quy trình vận hành các công trình tiêu thoát chưa đáp ứng yêu cầu.

Những năm gần đây, tình trạng ngập úng thường xuyên diễn ra đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, phát triển KT-XH của TP Hà Tĩnh. Việc thoát nước của TP Hà Tĩnh thông qua 8 lưu vực. Nước thu gom từ 8 lưu vực này đổ ra 2 sông chính (sông Cày, Rào Cái) qua 40 cống ngăn triều/xả lũ.

Do đó, việc vận hành (đóng/mở) các cống này một cách hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc tiêu thoát nước, chống ngập úng cho TP Hà Tĩnh, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Dùng smartphone đóng, mở cống thoát nước

Cống đập Hầu (xã Thạch Trung) được lắp đặt hệ thống giám sát, điều khiển và đóng mở tự động.

Từ thực tế này, Trường Đại học Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin giám sát, điều khiển và tự động đóng, mở tại một số cống thoát nước chính của TP Hà Tĩnh” theo đơn đặt hàng của Sở KH&CN.

Theo kết quả điều tra khảo sát, hiện nay, TP Hà Tĩnh đang dùng hệ thống thoát nước chung cho cả nước mưa và nước thải sinh hoạt. Nước thoát được thu gom vào các kênh, mương, hồ rồi đổ ra sông chính qua 5 cống chính là: đập Cót, sông Cụt, đập Bợt, đập Vịt, đập Hầu và 35 cống nhỏ. Phần lớn cống thoát nằm trên các tuyến đê bao quanh thành phố.

Qua phân tích hiện trạng cho thấy, trong tất cả các cống thoát nước của thành phố thì hiện chỉ có 2 cống có hệ thống vận hành bằng mô tơ điện, chiếm khoảng 5% tổng số cống. Việc vận hành các cống còn lại rất khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa lũ, khi áp lực nước lên cống rất lớn thì việc đóng/mở bằng sức người rất khó, thậm chí không thể.

Dùng smartphone đóng, mở cống thoát nước

Mô hình vận hành tự động cho các cống thoát nước chính của thành phố Hà Tĩnh.

Ngoài ra, trong mùa mưa bão, việc trực để giám sát mực nước trong và ngoài cống từ đó kịp thời vận hành đóng/mở phù hợp nhằm tiêu thoát nước cho thành phố là rất khó khăn, vất vả, người vận hành phải theo dõi cống gần như 24/24h trong điều kiện thời tiết mưa bão.

Đồng thời, việc chỉ đạo, quản lý và vận hành các cống của UBND thành phố phải qua 2 cấp/mức (UBND các xã, phường và cá nhân vận hành) nên có thể gây ra sự chậm trễ, gián đoạn.

Dùng smartphone đóng, mở cống thoát nước

Hệ thống được ngành chuyên môn đánh giá cao.

Nhóm nghiên cứu đã triển khai lắp đặt hệ thống giám sát, điều khiển và đóng mở tự động cho hai cống (cống sông Cụt và cống đập Hầu). Theo Tiến sỹ Đoàn Hoài Sơn – Chủ nhiệm đề tài (Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh) thì việc sử dụng công nghệ khá đơn giản khi đơn vị vận hành chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có cài sẵn ứng dụng riêng để thao tác đóng, mở các cống theo nhu cầu thực tế.

Cụ thể, hệ thống hoạt động theo nguyên tắc dựa trên các cảm biến đo mực nước trong và ngoài cống liên tục 24/24h. Sau đó, thông tin được truyền về bộ điều khiển trung tâm. Qua thiết bị mã hoá, giải mã, thông tin được hiển thị trên ứng dụng điện thoại (hoặc trang web riêng). Quá trình này, người vận hành sử dụng phần mềm trên điện thoại đã được cài đặt để điều khiển, mô tơ điện sẽ tự động thao tác đóng, mở các cống mà không cần phải có mặt tại hiện trường. Ngoài ra, hệ thống này còn cho phép công nhân giám sát một số sự cố trong quá trình vận hành các cống.

“Kết quả phân tích, đánh giá bước đầu cho thấy, hệ thống hoạt động khá ổn định và đã được các đơn vị vận hành tiếp nhận sử dụng. Chúng tôi đang đề xuất nghiên cứu lắp đặt hệ thống vận hành bằng mô tơ điện cho các cống còn lại trên điều kiện thực tế, nhằm giảm bớt sức lao động cho công nhân vận hành cống, đặc biệt trong mùa mưa bão” - Tiến sỹ Đoàn Hoài Sơn nói thêm.

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast