Thiết bị đo nồng độ CO2 có thể cảnh báo nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2

Ngày 16/6, một nhóm nhà khoa học Chile thông báo đã chế tạo một bộ thiết bị đo lượng carbon dioxide (CO2) nhằm đánh giá và cảnh báo nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong không gian kín.

Thiết bị đo nồng độ CO2 có thể cảnh báo nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2

Virus SARS-CoV-2 (màu xanh) trên bề mặt các tế bào lấy từ mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân nhiễm COVID-2 tại Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Giáo sư Ricardo Finger tại Đại học Chile - trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết thiết bị cảnh báo COVID-19 sử dụng cảm biến hồng ngoại để đo nồng độ CO2 trong không khí.

Thiết bị này có thể đánh giá chất lượng không khí có ở ngưỡng an toàn hay không, đồng nghĩa nồng độ CO2 trong không khí phải ở mức trung bình 400 - 500 ppm. Trong trường hợp thiết bị ghi nhận nồng độ CO2 vượt quá ngưỡng 700 ppm, thiết bị sẽ kích hoạt tín hiệu báo động.

Giáo sư Finger giải thích, virus SARS-CoV-2 lây truyền qua các hạt khí dung - những hạt nước rất nhỏ có thể trôi nổi trong không khí trong một khoảng cách xa. Trong khi đó, con người thở ra CO2 và dành phần lớn thời gian trong những không gian kín, nơi chất lượng không khí thường kém hơn ngoài trời nhiều lần.

Nồng độ CO2 trong không khí tương quan với hàm lượng khí dung mà con người thở ra, mà các hạt khí dung ở những người mang bệnh sẽ chứa virus SARS-CoV-2. Do đó, thiết bị đo nồng độ CO2 này là một công cụ hữu ích và có thể triển khai nhanh chóng nhằm nỗ lực cảnh báo không tụ tập đông người và giữ khoảng cách để giảm nguy cơ lây lan dịch COVID-19.

Giáo sư Finger khẳng định việc lắp đặt thiết bị đo CO2 ở những địa điểm có không gian kín và tập trung đông người như các tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện, phương tiện giao thông công cộng... là một giải pháp khả thi để theo dõi nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Trong khi đó, nhà khoa học Francisco Forster tại Trung tâm Toán học (CMM) của Đại học Chile nhấn mạnh thiết bị đo CO2 này đặc biệt ở chỗ nó sử dụng một mô hình giống như liên lạc vô tuyến điện giữa một mạng lưới các cảm biến. Các dữ liệu đo được sau đó sẽ được tải lên hệ thống lưu trữ đám mây thông qua kết nối Wi-Fi. Ngay cả khi bị mất kết nối Wi-Fi, các cảm biến sẽ tiếp tục hoạt động và ghi lại dữ liệu trên hệ thống lưu trữ đám mây.

Giáo sư Finger bày tỏ hy vọng các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về virus SARS-CoV-2 thông qua việc phân tích các dữ liệu thu thập được từ thiết bị đo nồng độ CO2 mới được sáng chế này.

Theo TTXVN

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast