Gần 1.000 hợp tác xã ở Hà Tĩnh “khát” vốn sản xuất

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh có hơn 1.300 hợp tác xã (HTX), nhưng chỉ có khoảng 340 HTX hoạt động có hiệu quả. Thiếu vốn là một trong những khó khăn mà hầu hết các HTX trên địa bàn Hà Tĩnh đang gặp phải hiện nay...

gan 1 000 hop tac xa o ha tinh khat von san xuat
gan 1 000 hop tac xa o ha tinh khat von san xuat

HTX Nuôi trồng thủy sản Hải Tuyết (xã Thạch Bằng, Lộc Hà) chưa hoàn thiện hạ tầng do thiếu vốn.

Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hải Tuyết là một trong những HTX lớn của xã Thạch Bằng (Lộc Hà). Để thành lập và đi vào hoạt động, các cổ đông đã góp và đầu tư với số vốn hơn 2 tỷ đồng thực hiện nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, do sự cố môi trường biển, hoạt động của HTX hiện đang gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc HTX chia sẻ: Hiện tại, nguồn vốn góp của các thành viên đã thực hiện đầu tư ban đầu nhưng chưa đủ. Để có thể tái sản xuất, HTX cần thêm khoảng 1 tỷ đồng để mua con giống và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. HTX đã được vay 500 triệu đồng từ ngân hàng, nhưng số vốn vay này vẫn còn quá ít so với chi phí đầu tư hạ tầng sản xuất”.

Khó khăn của HTX Nuôi trồng thủy sản Hải Tuyết là câu chuyện chung của rất nhiều HTX nuôi trồng thủy hải sản hiện nay. Sau sự cố môi trường biển, nhiều HTX rơi vào tình trạng khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm. Thậm chí, có trường hợp HTX (xin được giấu tên) dù đã đến hạn trả nợ vốn vay tín dụng nhưng chưa thể thực hiện (100 triệu đồng). Do đó, HTX rơi vào tình trạng hoạt động luẩn quẩn, không có lợi nhuận để trả nợ cũ - không thể tiếp tục vay vốn để tái sản xuất.

Hay như trường hợp HTX Vận tải xã Phú Gia, với 7 thành viên và gần 2 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng vẫn hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân được nhìn nhận là do HTX chỉ có vốn mua sắm thiết bị, không có đủ nguồn vốn để tổ chức hoạt động kinh doanh, thu hút khách hàng. Đáng nói hơn, do thiếu vốn nên HTX không thể đầu tư chiến lược hay kế hoạch cụ thể cho tương lai. Theo đó, lợi nhuận hàng năm của HTX Vận tải xã Phú Gia chỉ đạt 12,4 triệu đồng, không cạnh tranh được với các tổ chức vận tải hàng hóa khác tại địa phương, dẫn đến việc xe “nằm đắp chiếu” và không đủ chi phí trả lãi vay ngân hàng.

Theo thông tin từ Liên minh HTX tỉnh, phần nhiều các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp khó khăn do thiếu vốn. Trong đó, khó khăn nhất phải kể đến là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư - diêm nghiệp (chiếm 70% tổng số HTX toàn tỉnh). Các HTX này hoạt động chủ yếu ở các khâu dịch vụ như: Thủy lợi, bảo vệ đồng ruộng, bảo vệ thực vật và dịch vụ giống cây trồng; hoạt động mang tính chất phục vụ lợi ích cho thành viên, các hộ sản xuất nên nguồn thu còn thấp. Bên cạnh việc khó huy động nguồn vốn từ xã viên do đa số thành viên HTX là những người nghèo thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất thì tài sản chung của các HTX cũng không có nhiều giá trị, khó để đưa ra thế chấp vay vốn ngân hàng.

Còn các HTX trong lĩnh vực CN-TTCN, phần lớn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ. Đồng thời, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới mẫu mã, liên kết tìm thêm thị trường tiêu thụ để duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động. Tuy nhiên, quy mô hoạt động của các HTX hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN nhìn chung vẫn còn nhỏ, vốn điều lệ ít. Và, vấn đề thiếu vốn, khó tiếp cận với các nguồn vốn vay cũng không phải là ngoại lệ với các HTX trong lĩnh vực này.

Đơn cử như trường hợp HTX Hải Hà (xã Thạch Kim, Lộc Hà) hiện đang thực hiện xây dựng hệ thống triền đà (hệ thống hạ thủy tàu thuyền) nhưng phải tạm dừng thi công vì thiếu vốn. Ông Lê Tiến Hải - Giám đốc HTX cho hay, HTX hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu, gia công cơ khí nên cần số vốn lớn, riêng số tiền để HTX trả lương cho công nhân đã lên tới trên 200 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, các nguồn vốn vay thương mại hiện nay còn nhỏ và ngắn hạn nên HTX khó phát huy hiệu quả. Hiện chúng tôi cần tối thiểu 2 tỷ đồng để đầu tư mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ nhưng chưa tìm được nguồn đầu tư.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast