Bán đấu giá đất… trên giấy!

“Sau phiên đấu giá, nếu trong vòng 15 ngày không nộp đủ tiền vào Kho bạc Nhà nước (KBNN), kết quả đó không còn giá trị. Nhưng gần 2 năm trôi qua, bìa đỏ cầm trong tay thì chính quyền lại khất lần việc đo đất” - ông Lê Đình Tự, một trong 5 hộ bị cấp đất “treo” ở thôn Nhật Tân, xã Mỹ Lộc (Can Lộc) cho biết.

Theo đơn tố cáo của các hộ dân, năm 2010, Hội đồng đấu giá đất huyện Can Lộc thông báo bán hồ sơ đấu giá đất tại trục QL 15A xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc. Đến tháng 11/2010, Hội đồng đấu giá đất mở phiên đấu giá. Có 5 hộ trúng 6 lô đất có cùng một diện tích 220 m2 là: Lê Đình Tự, Trần Đặng, Đặng Hộ, Trần Đình Đàn, Lê Đồng với mức giá từ 93 - 175 triệu đồng (hộ ông Trần Đặng trúng 2 lô).

Chưa giải phóng mặt bằng nhưng xã Mỹ Lộc vẫn tổ chức bán đấu giá đất.
Chưa giải phóng mặt bằng nhưng xã Mỹ Lộc vẫn tổ chức bán đấu giá đất.

Sau phiên đấu giá, hội đồng thông báo đến các hộ trúng đất “trong vòng 15 ngày, nếu không nộp đủ số tiền vào KBNN thì kết quả đó cũng không còn giá trị”. 5 gia đình đã lo đủ số tiền nộp vào KBNN đúng thời hạn và tháng 11/2011, 6 bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đã được trao tận tay cho các hộ. Trớ trêu là, từ đó đến nay, sau nhiều lần thúc giục, chính quyền xã Mỹ Lộc vẫn khất lần việc đo đất cho họ với rất nhiều lý do khác nhau. Câu hỏi được đặt ra là làm sao có sự vô lý này?

Năm 1993, ông Trần Túc (chủ nhân cũ của 6 lô đất được bán đấu giá) có đơn xin đăng ký giao đất làm vườn đồi. Đến ngày 1/4/1993 được UBND xã Mỹ Lộc chấp thuận và ngày 25/11/1993 ông Túc đã được cấp sổ lâm bạ với diện tích thuê 50 năm. “Quá trình thuê đất, tôi đều nộp thuế đầy đủ” - ông Túc khẳng định.

Năm 1996, sau khi cắt giảm, phần diện tích ông Túc được quyền sử dụng chỉ còn là 47.150 m2 và đã được cấp bìa đỏ vào ngày 30/12/1996. Theo sơ đồ thì sau khi bị thu hồi phần giáp QL 15A phải dịch chuyển về phía Tây 40m để quy hoạch làm khu dân cư. Trước ngày tổ chức đấu giá (18/11/2010), ông Túc cũng đã ký vào biên bản đồng ý chỉ nhận tiền hỗ trợ hơn 56 triệu đồng đền bù cây lâm nghiệp và hơn 4.000m2 đất bị thu hồi để triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Cửa Thờ - Trại Tiểu huyện Can Lộc trước đó vào ngày 11/5/2010.

Đồng thời, ông cũng cam kết không nhận tiền đền bù cây cối trên phần diện tích còn lại (biên bản làm việc ngày 24/10/2010). Bù lại, ông Túc cũng đã được chính quyền xã ưu ái bán cho lô đất tại khu vực đấu giá với mức giá sàn 55 triệu đồng.

Nhiều người dân bức xúc về việc làm “tréo ngoe” của chính quyền xã Mỹ Lộc.
Nhiều người dân bức xúc về việc làm “tréo ngoe” của chính quyền xã Mỹ Lộc.

Theo trình bày của những hộ đã được cấp bìa đỏ, thì sau phiên đấu giá, ông Túc ngang nhiên ra trồng cây keo và dựng hàng rào bao quanh phần đất của các hộ. Lý do ông đưa ra là “công lao của tôi bỏ ra, tôi phải được đền bù. Nếu muốn đo đất phải cấp cho tôi thêm một mảnh nữa”.

Tháng 2/2013, UBND huyện Can Lộc đã ra quyết định cưỡng chế đối với hộ ông Trần Túc để giải tỏa mặt bằng giao cho các hộ sử dụng. Nhưng điều khó hiểu là quyết định này vẫn chưa được thực hiện!

Song, điểm vướng không chỉ ở đó mà quan trọng hơn là khu đất được tổ chức bán đấu giá lại nằm dưới chân đồi. “Trước đây, khi dự án nâng cấp xây dựng hồ chứa nước Cửa Thờ - Trại Tiểu đang triển khai, xã đã bán phần đất này cho đơn vị thi công để tạo mặt bằng. Nhưng chỉ “móc” được phần đất ngoài, đơn vị thi công cũng đành bó tay vì phía trong lại toàn đá rắn” - ông Lê Đình Tự cho biết. Bởi vậy, khi mặt bằng chưa có, chính quyền xã không thể đo đất… trên núi và cũng chẳng hộ dân nào dám nhận những lô đất này.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc Trần Đình Trung thừa nhận: Chính quyền có lỗi khi chưa có mặt bằng đã tiến hành tổ chức bán đấu giá cho các hộ. Bây giờ nan giải nhất là làm thế nào để có mặt bằng khi các lô đất lại nằm ở chân núi? Phương án mà chính quyền xã đưa ra là xin các ngành chức năng cho… nổ mìn phá đá lấy mặt bằng. Song, chẳng cơ quan chức năng nào lại cấp phép khi mỏ đá lại nằm cạnh tuyến QL 15A. Một giải pháp cũng được lựa chọn là tìm kiếm một doanh nghiệp hay cá nhân dùng máy móc chuyên dụng để khoan cắt đá. Tuy nhiên, khó nhận được sự đồng thuận về phương án này bởi dự án có mức chi phí “khủng” và việc đảm bảo vệ sinh môi trường khó đảm bảo!

Không biết đến bao giờ 6 hộ dân nói trên mới “đòi” được quyền lợi chính đáng của mình?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast