Bản lĩnh và bề dày kinh nghiệm làm nên thành công

Đã qua rồi cơn “bĩ cực”, tín hiệu vui đã xuất hiện ở Công ty CP XNK Thủy sản Nam Kỳ Anh. Nếu nói “thiên thời địa lợi” có tác động tích cực đến tình hình phát triển của Công ty cũng đúng, nhưng quan trọng hơn là các giải pháp được đưa ra kịp thời đã chặn đứng nguy cơ mấp mé “bờ vực phá sản”...

Là một thương hiệu mạnh với 20 năm chuyên sản xuất thủy sản xuất khẩu nhưng với tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu khiến sản lượng Công ty 2 năm trước sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2011, sản lượng hàng hóa sản xuất chỉ đạt 536 tấn, bằng 60% kế hoạch đặt ra, lực lượng lao động từ 320 người giảm chỉ còn 250 người…

Bước vào năm 2012, với sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả từ các cấp, ngành phần nào giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, trong đó có 500 triệu đồng hỗ trợ lãi suất, 150 triệu đồng hỗ trợ xuất khẩu, 150 triệu đồng hỗ trợ đào tạo nghề. Đặc biệt, đối tác chiến lược (Nhật Bản) trong cơn “bĩ cực” vẫn thủy chung “kề vai sát cánh” cùng Công ty tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Sau những nỗ lực từ 2 phía, cuối cùng “ánh sáng cuối đường hầm” cũng lộ ra. Bằng uy tín, thương hiệu và cả tác động của bạn hàng Nhật Bản đã thuyết phục được các nước: Mianma, Indonesia, Thái Lan cung cấp nguồn nguyên liệu cho Công ty. Năm 2012, Công ty thực hiện được 875 tấn sản phẩm, đạt 99% kế hoạch, trong đó xuất khẩu đạt 470 tấn, bằng 117% kế hoạch. Thành công ở năm 2012 đã khai thông bế tắc về bài toán nguồn nguyên liệu, đồng thời củng cố lòng tin để những người đặt ra mức phấn đấu sản xuất 900 tấn trong năm 2013.

Chế biến thủy sản XK tại Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh. Ảnh: Hoài Nam
Chế biến thủy sản XK tại Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh. Ảnh: Hoài Nam

“Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã sản xuất được trên 170 tấn sản phẩm. Nếu không xảy ra tình trạng “bất khả kháng” thì kế hoạch 900 tấn trong năm nay là trong tầm tay và tham vọng hơn là 1.000 tấn, con số đó cũng không phải là phi thực tế” - Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Nam Kỳ Anh Trần Đình Nam khẳng định.

Nói như vậy không có nghĩa là bức tranh phát triển của Công ty đã “xuôi chèo mát mái”. Điều băn khoăn lớn nhất ở thời điểm hiện tại, theo ông Nam, đó là một “khó khăn kép”. Mặc dù giá cả nguyên liệu chính không tăng nhưng nguyên liệu phụ trợ phục vụ cho sản xuất như điện, nước… lại tăng chóng mặt. Trong khi đó, tỷ giá JPY (đồng yên Nhật Bản) lại giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu và lợi nhuận của Công ty.

Bởi vậy, những giải pháp “thắt lưng buộc” trong giai đoạn khó khăn nhất vẫn tiếp tục được Công ty duy trì. Đó là tiết kiệm tối đa những chi phí không cần thiết; tiết kiệm điện bằng cách không sản xuất vào giờ cao điểm. Đồng thời, quản lý vật tư ở các công đoạn một cách chặt chẽ, có hiệu quả. Các loại vật tư như bao nilon, bao bì các tông được sử dụng nhiều lần nhưng vẫn đảm bảo đúng chất lượng theo yêu cầu của đối tác. Không phải chỉ bây giờ mà giải pháp nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian làm việc cũng đã được Công ty đặc biệt chú trọng. Cùng với đó là xây dựng mối liên kết với người dân theo phương thức “đôi bên cùng có lợi”, những sản phẩm dư thừa thay vì phải xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường tốn rất nhiều chi phí lại được người dân thu gom và làm “sạch” bằng cách mang về làm thức ăn nuôi cá, vịt cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Những giải pháp đồng bộ cuối cùng cũng đã cho kết quả đáng phấn khởi. Ấn tượng nhất là, mức thu nhập bình quân của người lao động từ chỗ 3,3 triệu đồng/tháng năm 2012, nay tăng lên xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, lực lượng lao động tăng từ 250 người (2011) lên 450 người và chắc chắn với mức phát triển như hiện nay thì con số này chưa dừng lại.

Nói “thiên thời địa lợi” đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất của Công ty cũng đúng, nhưng yếu tố quan trọng nhất là các giải pháp được triển khai như thế nào trong thời điểm mấp mé “bờ vực phá sản”. Khái niệm “buông xuôi” chưa bao giờ xuất hiện ở một công ty đã khẳng định được bản lĩnh và bề dày kinh nghiệm, để rồi từ đó đi lên bằng chính nỗ lực không mệt mỏi của mình. Đó là điều không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast