Bao giờ TP Hà Tĩnh không còn những... "con đường đau khổ"?!

(Baohatinh.vn) - Thành phố Hà Tĩnh hiện có nhiều tuyến đường xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2020, thành phố còn rất nhiều việc phải làm trong chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng giao thông.

bao gio tp ha tinh khong con nhung con duong dau kho

Đường Nguyễn Công Trứ, đoạn từ ngã tư giao cắt với đường Lý Tự Trọng đến đường Hải Thượng Lãn Ông xuống cấp nghiêm trọng...

Điển hình cho sự xuống cấp là tuyến đường Nguyễn Công Trứ, đoạn nối đường Hải Thượng Lãn Ông với đường Lý Tự Trọng. Người dân sống tại thành phố lâu năm đã chán “chẳng buồn nói” đến đoạn đường này vì họ mặc nhiên coi đây là “con đường đau khổ”.

bao gio tp ha tinh khong con nhung con duong dau kho

... và trở thành nỗi khổ cho người dân cả lúc trời mưa lẫn trời nắng.

Bạn bè, người dân đi làm ăn xa, dăm ba năm về quê một lần cũng ngạc nhiên vì “ổ trâu”, “ổ voi”... trên đoạn đường này sao “tồn tại lâu đến thế...”. “Bao nhiêu năm, lần nào về quê mình cũng thấy nó như vậy, thậm chí gập ghềnh, khó đi hơn...”, Thanh - anh bạn thân 5 năm mới về thăm quê chia sẻ với tôi.

Không chỉ Thanh, nhiều người dân đi lại trên đoạn đường này, khi được hỏi đều tỏ ra bực bội vì hằng ngày phải chịu cảnh ngập nước vào mùa mưa và bụi mù mịt vào mùa nắng. Chị Nguyễn Thị Anh (phường Thạch Quý) bức xúc: “Đoạn đường này xuống cấp nghiêm trọng từ mười mấy năm rồi, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, thậm chí nhiều người bị ngã, tôi là một trong số đó”.

Nối đường Nguyễn Công Trứ là đường Quang Trung (chạy về cầu Hộ Độ giao đường Ngô Quyền), cũng đã xuất hiện khá dày “ổ gà”, “ổ trâu”, cần được duy tu, bảo dưỡng đúng định kỳ, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

bao gio tp ha tinh khong con nhung con duong dau kho
bao gio tp ha tinh khong con nhung con duong dau kho

Những "ổ voi" trên đường Nguyễn Xí và đường Võ Liêm Sơn cần được sửa chữa sớm nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua đây.

Đường Võ Liêm Sơn (nối đường Phan Đình Phùng - Phan Đình Giót) cũng xuống cấp từ nhiều năm nay nhưng chưa được sửa chữa. Mặt đường xuất hiện nhiều hố sâu, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao. Đường Nguyễn Xí, Nguyễn Trung Thiên, Nguyễn Du kéo dài... và nhiều tuyến đường khác trong nội thành đang ở trong tình trạng xuống cấp, cần được duy tu, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông và cảnh quan đô thị.

Theo ông Trần Đức Thiên – Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh, nguyên nhân chính khiến nhiều tuyến đường nội thành xuống cấp, chậm được sửa chữa là do không giải phóng được mặt bằng để thi công đúng với thiết kế, quy trình kỹ thuật. Đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Xí... là những ví dụ.

Ông Thiên cho biết thêm: “Đường Nguyễn Công Trứ đang trong thời gian chuẩn bị triển khai làm mới một cách bài bản. Trước mắt, thành phố cho dắm vá nhưng do không có rãnh thoát nước hai bên nên không đạt kết quả như mong muốn. Đường Quang Trung, Nguyễn Xí cũng đã nằm trong kế hoạch sửa chữa thời gian tới”.

Ngoài nguyên nhân trên thì tình trạng ngập úng kéo dài sau mỗi trận mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường xuống cấp nhanh chóng. Nếu không khắc phục được tình trạng “đường biến thành sông” chỉ sau một trận mưa thì còn nhiều tuyến đường trong nội đô TP Hà Tĩnh trở thành “con đường đau khổ” đối với người dân và gánh nặng ngân sách cho thành phố. Không chỉ những tuyến đường nhỏ, những tuyến đường lớn như: Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng và cả đường Xô viết Nghệ Tĩnh (đường 70) cũng đang xuống cấp do bị ngập nước.

Theo Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố, năm 2015, kinh phí chi cho duy tu, bảo dưỡng đường bộ của thành phố là 6,4 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh 2,9 tỷ đồng, ngân sách thành phố 3,5 tỷ đồng); năm 2016 là 6,8 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 1,4 tỷ đồng, ngân sách thành phố 5,4 tỷ đồng). Đây là sự nỗ lực của thành phố nhưng xem ra chẳng thấm vào đâu so với sự xuống cấp nhanh chóng từ các tuyến đường trên địa bàn qua mỗi năm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast