Bảo vệ rừng bằng cách bỏ trạm, cất sào

(Baohatinh.vn) - Những năm qua, dù đã có nhiều cố gắng nhưng rừng phòng hộ Sông Tiêm (Hương Khê) vẫn bị khai thác trái phép, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.

Để cải thiện tình hình trên, năm nay, BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm đã có nhiều đổi mới trong xây dựng và triển khai phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) bằng cách: bỏ sào, trạm; khoán đến từng lô, khoảnh..., với quyết tâm bảo vệ rừng tại gốc.

Thoạt nghe thấy lạ, bởi lâu nay người ta thường lập trạm, gác sào... tại các cửa rừng, lối mòn... để bảo vệ, ngăn chặn việc vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Vậy mà, nơi rừng thường xuyên bị chặt phá như rừng phòng hộ Sông Tiêm lại... bỏ trạm, bỏ sào. Thế nhưng, khi nghe ông Nguyễn Hữu Thinh - Trưởng BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm lý giải cặn kẽ mới thấy được vì sao năm nay đơn vị xây dựng và triển khai phương án khác với những năm trước.

bao ve rung bang cach bo tram cat sao

Cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Tiêm cùng lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý gỗ mục trên lâm phần quản lý.

Theo ông Thinh, BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm được giao quản lý 13.579 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 11.375 ha thuộc rừng tự nhiên phòng hộ (chiếm 83,7%). Diện tích này ngày càng có nguy cơ bị khai thác trái phép. Còn 2.204 ha rừng sản xuất lại có nguy cơ cháy cao. Những vụ chặt phá rừng trái phép trong những năm qua, đặc biệt là tại Tiểu khu 247 (năm 2012) và Tiểu khu 239 đầu năm 2016 này đã nói lên tình trạng khai thác rừng trái phép tràn lan trên các địa bàn đơn vị quản lý. Ngoài nguyên nhân chủ yếu là người dân địa phương khai thác trái phép, thì lực lượng bảo vệ của chủ rừng vừa mỏng, vừa thiếu quyền hạn, lại vừa yếu.

“Trên thực tế, không chỉ thiếu người mà lực lượng tại các sào, trạm tỏ ra thiếu hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn... Bởi vậy, đơn vị quyết định bỏ sào, trạm. Tập trung lực lượng cho việc khoán bảo vệ, PCCCR cho từng cán bộ, công chức, viên chức và các hộ nhận khoán. Thực hiện khoán bảo vệ đến từng lô, khoảnh, theo cơ chế bảo vệ cây đứng...” - ông Thinh cho biết thêm.

Được biết, hiện nay, toàn bộ diện tích rừng đơn vị quản lý đã được khoán bảo vệ và PCCCR một cách chặt chẽ, gắn với diện tích cụ thể, quy định rõ trách nhiệm, thực hiện rừng phải có chủ thực sự. Đối với các hộ hợp đồng (32 hộ), đơn vị khoán bảo vệ bình quân 400 ha/người; đối với viên chức bảo vệ rừng chuyên trách của ban, do thiếu người nên đơn vị giao khoán 1.200 - 1.500 ha/người.

Anh Nguyễn Văn Hải - một hộ nhận khoán bảo vệ rừng, PCCCR cho biết, cơ chế xử lý năm nay của ban rất nghiêm. Cụ thể: đối với công nhân và các hộ nhận hợp đồng sẽ phải bồi hoàn từ 2-5 triệu đồng/gốc cây rừng bị chặt phá trái phép. Đối với viên chức, nếu để rừng bị chặt phá trái phép trên diện tích được giao từ 1 gốc trở lên, phải tự hoàn trả giá trị thiệt hại và nếu thiếu tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ rừng tận gốc thì xem xét hình thức xử lý kỷ luật.

Sự chặt chẽ, nghiêm khắc đã cho thấy bước chuyển tích cực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, PCCCR. Cũng theo anh Nguyễn Văn Hải, để tăng tính hiệu quả trong công tác bảo vệ diện tích rừng nhận khoán, các hộ đã phối hợp, liên kết chặt chẽ, thường xuyên trong việc tuần tra, bảo vệ. Nhờ sự liên kết, chung sức nên lực lượng bảo vệ không chỉ tăng về số lượng mà còn tự tin, chủ động hơn so với những năm trước, khi mỗi hộ chỉ biết riêng lẻ giữa phần rừng nhận khoán của mình...

Để kiểm tra việc thực hiện, BQL thành lập đoàn kiểm tra trên toàn bộ lâm phần quản lý, với tần suất 3 lần/tuần. Kết quả kiểm tra phải có văn bản và báo cáo cơ quan chức năng khi cần thiết...

Theo BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm, qua điều tra khảo sát và kinh nghiệm nhiều năm, đơn vị xác định cụ thể các khu rừng trọng điểm dễ cháy hoặc có nguy cơ bị xâm hại cao để có biện pháp phù hợp, hiệu quả trong bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy; đầu tư mua sắm, tu sửa, làm mới dụng cụ, máy móc, công trình PCCCR.

Với phương châm bảo vệ rừng tận gốc, phòng chống cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời, BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nhiệm vụ bảo vệ, PCCCR; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ; kiên quyết không cho người vào rừng khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ lên cao. Bên cạnh đó, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng tận gốc, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm lâm luật...

Với những đổi mới trên, hy vọng công tác bảo vệ, PCCCR tại BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm sẽ ngăn chặn hiệu quả nạn khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn quản lý và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại khi xẩy ra cháy rừng.

Chủ đề Cháy nổ - PCCC

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast