Bảo vệ rừng khu vực giáp ranh: Hiệu quả từ sự chung tay

(Baohatinh.vn) - Tình trạng vi phạm lâm luật ở các khu vực rừng giáp ranh gần đây từng bước được kiểm soát, không còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Thay vào đó, các lực lượng bảo vệ rừng (BVR) của tỉnh ta với các tỉnh lân cận và nước bạn Lào đã và đang tăng cường công tác phối hợp, cùng chung tay bảo vệ rừng, nhất là ở các khu vực giáp ranh...

Những vùng rừng “nhạy cảm”

Hà Tĩnh có 130 km giáp ranh Quảng Bình, 88 km giáp ranh Nghệ An và 145 km giáp ranh nước bạn Lào với hàng trăm ngàn héc-ta rừng các loại. Những vùng rừng giáp ranh có tiềm năng đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật quý hiếm. Đây được xem là những lợi thế trong phát triển KT-XH, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời, cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc BVR.

Theo phản ánh của lực lượng kiểm lâm, khu vực rừng giáp ranh thường là những vùng trọng điểm, “nhạy cảm”, xẩy ra các điểm nóng về bảo vệ rừng, PCCCR. Đặc biệt, các địa danh đã bất đắc dĩ trở nên nổi tiếng vì hay xẩy ra các vụ vi phạm lâm luật như: tiểu khu 270, 258, 266, 273, 265, 275 do BQL Rừng phòng hộ Ngàn Sâu quản lý và 292, 293, 298, 399 do BQL Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh quản lý tiếp giáp với rừng của huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình); tiểu khu 6, 9 do BQL Rừng phòng hộ Ngàn Phố quản lý giáp với phần rừng của huyện Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An) cùng nhiều diện tích khác ở khu vực biên giới...

Bảo vệ rừng khu vực giáp ranh: Hiệu quả từ sự chung tay ảnh 1

Cán bộ Ban quản lý rừng phong hộ Nam Hà Tĩnh kiểm tra tọa độ khu vực rừng giáp ranh với Quảng Bình.

Tuy đã hạn chế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tại các khu vực rừng giáp ranh, tình trạng vi phạm lâm luật vẫn diễn biến phức tạp. Trong số đó, tuyến khu vực Rào Tre ở xã Hương Lâm (Hương Khê) vẫn được mệnh danh là “thiên đường của gỗ lậu”. Ông Trương Quốc Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh từng khẳng định: “Khu vực bản Rào Tre trước đây rất phức tạp và giờ vẫn còn phức tạp. Gỗ lậu ở Hương Khê nói chung và tại các xã Hương Lâm, Hương Liên nói riêng đều được đưa về từ Quảng Bình bằng bè. Thời gian qua, các lực lượng chức năng, nhất là kiểm lâm đã có nhiều biện pháp vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm nhưng vẫn chưa chấm dứt được tình trạng này”.

Trưởng phòng Quản lý, BVR - Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cũng thừa nhận: “Tiểu khu 37 và 38 do BQL Rừng phòng hộ Minh Hóa quản lý giáp ranh với khu vực rừng ở Hương Khê vẫn còn tương đối “nóng”. Trên cung đường gỗ lậu này, ngoài số được khai thác từ Quảng Bình, còn có lượng lớn gỗ được đem từ Lào về, trong đó có nhiều loại gỗ quý. Thực tế cho thấy, gỗ được khai thác trái phép từ Quảng Bình hay Lào đưa về đều chủ yếu do người dân của Hương Khê thực hiện...”.

Nâng cao hiệu quả phối hợp

Trước thực tế đó, những năm gần đây, lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với lực lượng BVR của các tỉnh lân cận và nước bạn Lào để nâng cao hiệu quả công tác BVR, tăng cường tổ chức truy quét, phối hợp xử lý các vụ việc có liên quan. Ngoài chương trình ký kết với các tỉnh vùng biên của nước bạn Lào, các hạt kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền các địa phương đồng cấp xây dựng, ký kết các kế hoạch riêng phù hợp với thực tế.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh: Từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng kiểm lâm Kỳ Anh đã phối hợp với các chủ rừng, đơn vị liên quan và các lực lượng BVR của Quảng Bình tổ chức 9.700 lượt kiểm tra tại khu vực rừng giáp ranh; xử lý 14 tin báo, phát hiện hàng chục vụ vi phạm, tịch thu trên 51 m3 gỗ các loại. Tại khu vực giáp với Nghệ An, lực lượng BVR của hai phía đã phối hợp hiệu quả, tổ chức tuần tra, kiểm soát nên từ đầu năm đến nay không phát hiện vụ lấn chiếm đất rừng, khai thác, tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép nào.

Tinh thần phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ BVR cũng được thể hiện khá rõ nét giữa các lực lượng BVR giữa ta và nước bạn Lào. Ông Nguyễn Vũ Long, cán bộ thúc đẩy CRAP (Chờ bổ sung) của Chương trình UN-REDD Hà Tĩnh cho biết: Để phối hợp BVR giáp ranh tốt hơn, trung tuần tháng 9 vừa qua, Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình phối hợp kiểm soát khai thác gỗ trái phép vùng giáp ranh, thảo luận, phân tích, đề xuất các giải pháp kiểm soát xuất nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu các tỉnh tại Bôlykhămxay, nâng cao hiệu quả phối hợp cũng như thực thi nhiệm vụ BVR...

Lực lượng kiểm Lâm của các tỉnh bạn cũng đã vào cuộc tích cực, đồng bộ. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý và BVR - Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: “Nghệ An có 17.000 ha vùng rừng tiếp giáp với Hà Tĩnh. Khu vực này có rừng trồng thông nhựa rất dễ cháy. Mặt khác, khu vực giáp ranh còn có nhiều rừng tự nhiên, trữ lượng gỗ nhiều, thường xuyên đối mặt với việc bị lâm tặc chặt phá nên công tác BVR gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, lực lượng kiểm lâm 2 tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trao đổi thông tin, tăng cường công tác PCCCR, phòng trừ sâu bệnh hại; tổ chức truy quét lâm tặc, kiểm soát lâm sản... Vì vậy, khu vực rừng giáp ranh cơ bản bình yên, tình trạng vi phạm lâm luật được hạn chế, các vụ cháy được khống chế kịp thời”...

Công tác BVR khu vực giáp ranh còn nhiều gian nan nhưng việc tăng cường phối hợp hành động giữa các lực lượng BVR đã đem đến những hiệu quả nhất định. Tin rằng, thời gian tới, lực lượng BVR các bên sẽ vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, cùng bảo vệ màu xanh cho các cánh rừng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast