Biến động kinh tế thế giới năm 2016 và triển vọng năm 2017

Kinh tế thế giới trong năm 2016 tăng trưởng yếu ớt ở tất cả các nền kinh tế riêng lẻ cũng như khu vực. Trong nửa đầu năm 2016, tình hình kinh tế thế giới có diễn biến khá trầm lắng, tuy nhiên đến nửa cuối năm nhiều sự kiện diễn ra đã làm thay đổi khuynh hướng kinh tế toàn cầu và dự báo sẽ còn duy trì tác động đến năm 2017.

Bài viết điểm lại những biến động của kinh tế thế giới năm 2016 và đưa ra dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2017.

bien dong kinh te the gioi nam 2016 va trien vong nam 2017

Kinh tế thế giới tăng trưởng yếu ớt

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu cả năm 2016 dự kiến chỉ đạt mức 3,1% (chưa tính bất ổn từ sự kiện Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (Brexit), thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2015 là 3,2%. Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới mất động lực tăng trưởng trong quý II khi GDP chỉ tăng 1,1% so với mức tăng 1,6% trong quý I/2016 và đến quý III/2016 mới quay trở lại mức tăng trưởng 1,6% so với mức 2,6% cả năm 2015.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không nằm ngoài vòng xoáy suy giảm kinh tế, song vẫn duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế khá hơn Mỹ. Trong 3 quý đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đều đạt mức 6,7% và dự kiến mức tăng trưởng kinh tế quý IV cũng đạt 6,7%.

Tại khu vực Liên minh châu Âu (EU), tăng trưởng GDP ở mức thấp (1,7%) trong 3 quý đầu năm 2016. Nguyên nhân là do nền kinh tế khu vực này chịu ảnh hưởng như: cuộc khủng hoảng di cư, việc nước Anh rời khỏi EU, hay rủi ro tài chính đang nổi lên ở nước Ý (nền kinh tế lớn thứ ba khu vực EU) với khoản nợ xấu của khu vực ngân hàng lên tới hơn 40 tỷ USD.

Tương tự, Nhật Bản cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm lời giải “bài toán” tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong 3 quý đầu năm 2016 đạt dưới 1% so với mức trung bình của cả năm 2015 trên 1,25%.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn tới kinh tế thế giới tăng trưởng thấp là do năng suất lao động thấp. Năng suất lao động của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong thời kỳ 1996 - 2004 đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 2,5%/năm, nhưng từ năm 2004 - 2014 mức tăng trưởng năng suất lao động giảm xuống chỉ khoảng 1%/năm. Cùng với đó, những tiến bộ, phát minh trong công nghệ đã chậm lại, đặc biệt là trong ngành Công nghệ thông tin; cộng với sự lạc hậu của cấu trúc kinh tế và quản lý kinh tế cũng đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới.

Những sự kiện đã và sẽ gây ảnh hưởng lớn

Ngày 23/6/2016, cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời khỏi EU (Brexit) sau hơn 40 năm “cùng chung một mái nhà chung” là một trong những sự kiện gây chấn động thế giới trong năm 2016.

Brexit sẽ gây ra hàng loạt thay đổi lớn trong nền kinh tế không chỉ của EU, Anh Quốc mà còn cả thế giới theo các hướng sau: (i) Nước Anh không còn là trung tâm tài chính thế giới. Điều này khiến hầu hết các công ty lớn phải thiết lập lại hệ thống tổ chức của mình; (ii) Nền kinh tế nước Anh sẽ mất đi vị thế là trung tâm tài chính và GDP; (iii) Sự bất ổn kinh tế do những thay đổi này gây ra làm chậm lại quá trình tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gia tăng khuynh hướng bảo hộ, cản trở tốc độ tăng trưởng thương mại đầu tư toàn cầu trong dài hạn; (iv) Sự bất ổn kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư “không còn mặn mà” với cổ phiếu và trái phiếu chính phủ.

Bên cạnh đó, Brexit sẽ làm giảm thương mại, đầu tư và năng suất lao động trên quy mô toàn cầu, kết quả là GDP trên đầu người giảm xuống. Theo tính toán của OECD, chỉ tính riêng nước Anh Brexit sẽ làm giảm thu nhập trên đầu người ở nước Anh trong khoảng từ 6,3% - 9,5%.

Cùng với sự kiện Brexit, trong năm 2016, việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 đã làm dấy lên những lo ngại về những chính sách kinh tế, thương mại đi ngược lại hoàn toàn với khuynh hướng toàn cầu hóa kể từ sau Thế chiến thứ II.

Các nhà phân tích nhận định, ông Trump sẽ làm Tổng thống theo “phong cách kinh doanh hơn là dựa trên một nền tảng triết lý tổng quát rõ ràng”. Nghĩa là, mọi quyết sách sẽ dựa vào từng trường hợp cụ thể mà suy xét. Với quyết sách này rất có thể dẫn tới những biến động khó lường đối với nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Đối với nền kinh tế Mỹ, chính sách của ông Trump sẽ có tác động tích cực sâu rộng với việc mở rộng chi tiêu Chính phủ lên tới 1.000 tỷ USD trong 4 năm tới để nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, viễn thông, giáo dục…; Giảm thuế công ty từ 35% xuống còn 15% nhằm khuyến khích các nhà đầu tư; Nới lỏng điều tiết đối với hệ thống tài chính, đồng thời tạo cơ hội sáng tạo và linh hoạt cho các công ty tài chính; Các biện pháp đánh thuế vào những công ty đưa sản xuất ra bên ngoài nhằm giữ lại việc làm cho người Mỹ.

Trong chính sách đối ngoại, ông Trump chủ trương loại bỏ các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và chỉ coi trọng các hoạt động thương mại song phương.

Theo các chuyên gia, những chính sách kinh tế nói trên của ông Trump có nhiều điểm hợp lý. Một trong những điểm hợp lý là chính sách kích thích kinh tế của ông Trump được đưa ra đúng thời điểm nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng khá chậm chạp, lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp....

Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách của ông Trump cũng sẽ gây những trở ngại lớn cho thương mại và kinh tế toàn cầu trong năm 2017, đó là:

Một là, hoạt động giao dịch thương mại và đầu tư toàn cầu năm 2017 sẽ suy giảm đáng kể so với những năm trước.

Hai là, quá trình toàn cầu hóa kể từ sau Thế chiến thứ hai đã chấm dứt và quay trở lại với khuynh hướng của chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập, vấn đề chỉ là mức độ và hình thức mới như thế nào.

Ba là, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc xảy ra trong năm 2017 như các chuyên gia dự đoán, sẽ gây không ít khó khăn cho Trung Quốc khi hiện nay nước này đang phải nỗ lực giữ cân bằng cho nền kinh tế.

Một vấn đề đáng chú ý có thể kể đến trong năm 2016 là sự kiện ngày 30/11/2016, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã ký kết thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ xuống 1,2 triệu thùng/ngày. Đây là sự kiện tác động không nhỏ đến kinh tế thế giới.

Sau khi OPEC và Nga ký kết thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ, giá dầu tăng giá (từ 45 USD/thùng lên 52 USD/thùng), tương đương với mức tăng 15,5%.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, tác động trợ giá dầu của thỏa thuận nêu trên của OPEC không ảnh hưởng nhiều đến giá dầu trong trung hạn và dài hạn. Bởi vì, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ còn tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2017. Sự kiện OPEC và Nga đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ sẽ ít có tác động làm tăng giá dầu trong năm 2017. Điều này có nghĩa, kinh tế thế giới sẽ được hưởng lợi theo nghĩa chi phí sản xuất thấp, các lĩnh vực sản xuất ô tô sẽ thuận lợi; tuy nhiên, các nền kinh tế dựa nhiều vào dầu mỏ sẽ vẫn phải chịu nhiều áp lực vì thiếu nguồn thu.

Triển vọng năm 2017

Từ những vấn đề phân tích ở trên cho thấy, kinh tế thế giới năm 2017 sẽ có nhiều biến động khó lường. Có thể đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 theo những kịch bản sau:

Thứ nhất, kinh tế Mỹ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khả quan, nhưng không gây hiệu ứng lan tỏa toàn cầu vì sự bảo hộ và biệt lập trong chính sách của ông Trump. Trong khi đó, các nền kinh tế khác sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khó lường, do chính sách mới của ông Trump gây ra.

Thứ hai, kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng thấp nếu Mỹ triển khai một cuộc chiến tranh thương mại với nước này. Đáng lo ngại hơn, nếu kinh tế Trung Quốc gặp bất ổn sẽ kéo theo các nền kinh tế khác bất ổn theo do những biến động của chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ gây ra.

Thứ ba, nhiều đồng tiền mất giá do Fed nâng lãi suất và nền kinh tế Mỹ mạnh lên nhờ kích thích tài khóa. Các ngân hàng Trung ương cần chuẩn bị đối phó với tình trạng đồng nội tệ mất giá và dòng vốn “chảy ra” bên ngoài sẽ tăng lên nhanh.

bien dong kinh te the gioi nam 2016 va trien vong nam 2017

Thứ tư, biến động từ Brexit là không lớn trong năm 2017, nhưng Brexit tác động kéo dài trong hai năm tới và mức độ tác động này sẽ tùy thuộc nhiều vào kết quả đàm phán giữa Anh và EU.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế thế giới năm 2017 được dự báo sẽ đối mặt nhiều bất ổn, do đó mức tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2017 sẽ không cao. Trong báo cáo của IMF công bố hồi tháng 1/2017, IMF ước tính tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2016 đạt mức 3,1%, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 sẽ đạt mức 3,4%.

Ở chiều hướng bi quan, theo báo cáo của Tổ chức Conference Board (công bố tháng 11/2016), tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 sẽ tiếp tục chuỗi suy giảm sang năm thứ 7 liên tiếp, do các yếu tố đầu vào, đặc biệt là đầu tư, cung lao động yếu ớt. Tổ chức này khuyến cáo giới kinh doanh cần chuẩn bị để đối đầu với những căng thẳng địa chính trị, bất ổn chính sách, thị trường tài chính biến động, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Trong khi đó, tổ chức FocusEconomics cho rằng, nền kinh tế toàn cầu năm 2017 sẽ chịu nhiều rủi ro từ những biến cố như Brexit, cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc khủng hoảng ở Syria. Dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017, tổ chức FocusEconomics nhận định, kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan nhờ chính sách kích thích tài khóa của Tổng thống Donald Trump; trong khi tăng trưởng kinh tế của Anh Quốc và châu Âu sẽ chậm hơn vì tác động trực tiếp từ Brexit; Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi tốc độ tăng trưởng chậm chạp vì cơ cấu kinh tế kém hiệu quả.

Tóm lại, năm 2017 sẽ là một năm có nhiều biến động khó lường và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức thấp hơn năm 2016, ngoại trừ kinh tế Mỹ. Các nhà đầu tư, chính phủ, các ngân hàng trung ương trong năm 2017 cần có những kịch bản để sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra.

Theo Bùi Ngọc Sơn/Tạp chí Tài chính

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast