Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và trăn trở xây dựng doanh nghiệp Việt Nam

Một nền kinh tế mạnh, tự chủ thì phải có doanh nghiệp trong nước đủ mạnh để xây dựng được thương hiệu của Việt Nam.

Đầu năm mới 2015, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh dành cho VOV.VN buổi trò chuyện về tình hình kinh tế Việt Nam, việc phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và trăn trở xây dựng doanh nghiệp Việt Nam ảnh 1

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

PV: Thưa Bộ trưởng, bước sang năm 2015, nhiều chuyên gia nhận định kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn. Với lĩnh vực mình phụ trách, Bộ trưởng nhìn nhận về năm nay như thế nào?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Năm 2015, tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiều việc hơn phải làm. Đây là năm khá đặc biệt, năm mà chúng ta bước vào hội nhập ngày càng sâu hơn, thực tiễn hơn với cái thương trường quốc tế, đầu tiên là việc tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN sau đó là thực thi một loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký. Tất cả những điều này sẽ đặt Việt Nam vào một thách thức giữa cơ hội phát triển và cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà. Nếu chúng ta không làm tốt điều này, Việt Nam không tạo thêm được lợi thế, không mở rộng được thị trường mà chúng ta còn bị thu hẹp.

Điều chúng tôi rất quan tâm nữa là vấn đề “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam. Một nền kinh tế mạnh, tự chủ thì phải có doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp tư nhân) phải rất mạnh mẽ, thì mới đem lại lợi ích cho dân tộc, cho mỗi người dân, cho đất nước. Điều đó đang thách thức chúng ta. Ngoài ra, còn những thách thức lớn hơn từ quốc tế, của khu vực, như vấn đề Biển Đông…

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn mới trong điều kiện kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn như các năm trước, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn thể hiện ưu thế khi chiếm tới gần 70% tổng giá trị xuất khẩu. Bộ trưởng có bình luận như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chính xác là DN FDI trong năm 2014 xuất khẩu chiếm 68% trong 150 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam. Nhìn ở góc độ thu hút đầu tư nước ngoài thì đây là thành quả, nhưng nếu nhìn ở góc độ sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam còn nhiều điều phải trăn trở. Bởi vì ngay bản thân các DN FDI khi vào Việt Nam cũng cần một DN nội địa mạnh để có thể hỗ trợ cho họ về công nghiệp hỗ trợ. Bởi vì họ đầu tư sang đây thì họ cũng muốn giá thành cạnh tranh hơn, nên khi tất cả đều phải nhập linh kiện từ bên nước họ về thì cũng không có ý nghĩa lắm. Cho nên, bản thân nhà đầu tư nước ngoài cũng cần có DN Việt Nam mạnh. Về phía chúng ta, cũng chỉ có DN Việt Nam mạnh thì mới tiếp thu được những tinh hoa, cộng nghệ mới của nước ngoài. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngoài việc tạo ra nguồn vốn và sản phẩm xuất khẩu thì cái mà chúng ta hướng tới quan trọng nhất là chuyển giao được công nghệ hiện đại cho Việt Nam. Vừa qua chúng ta không làm được điều này nhiều là vì không có được đội ngũ DN đủ mạnh để tiếp nhận chuyển giao KHCN.

Điều thứ 2, chỉ có DN Việt Nam mạnh mới có thể xây dựng được thương hiệu của Việt Nam. Có thể sản phẩm điện thoại Samsung xuất khẩu khắp thế giới đều ghi “Made in Vietnam” nhưng mà ai cũng biết đó là của Hàn Quốc, không ai nghĩ rằng đó là sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất, mặc dù có thể tỷ lệ nội địa hóa ngày càng tăng nhưng họ vẫn thấy rằng đó là Samsung.

Các DN của Việt Nam sẽ làm cho tự chủ kinh tế Việt Nam mạnh, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Chỉ có DN của chính nước mình mạnh thì chúng ta mới có thể tham gia hội nhập quốc tế, mới có sản phẩm tham gia thị trường quốc tế. Không làm được điều này, chúng ta phải chấp nhận là một nền kinh tế bị ràng buộc, phụ thuộc rất nhiều.

PV: Vậy đây có phải là điều khiến Bộ trưởng vẫn còn băn khoăn?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi là Bộ trưởng Bộ KHĐT, được Chính phủ giao thu hút đầu tư nước ngoài. Thành quả thu hút FDI vừa qua liên tục được đánh giá cao, nhưng trong lòng và trên phương diện về kinh tế, vẫn tự thấy rằng chúng ta chưa làm tốt được việc phát triển mạnh mẽ khối DN trong nước. Giai đoạn này chúng ta chấp nhận là mời DN nước ngoài vào để tạo cộng ăn việc làm, tạo sản phẩm để tạo tăng trưởng, để ổn định tình hình, còn về lâu dài chúng ta phải chăm lo nhiều hơn đến việc phát triển khu vực trong nước, đặc biệt là DN tư nhân.

Tôi luôn cho rằng, DN tư nhân phải trở thành động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. DN tư nhân là DN của dân, Nhà nước tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, sản xuất. Đội ngũ DN đó là con đẻ của chúng ta, là sản phẩm thuần túy 100% Việt Nam.

Ngay trong năm 2015 này, Việt Nam phải đưa ra nhiều chính sách hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn cho DN, đặc biệt là thúc đẩy DN vừa và nhỏ, DN tư nhân phát triển. DN tư nhân phải trở thành nền tảng, thành động lực quan trọng nhất để đóng góp vào tăng trưởng, ổn định nền kinh tế Việt Nam. Tôi khẳng định nếu không làm được điều này Việt Nam không bao giờ có được tăng trưởng tốt, không bao giờ có được nền kinh tế vững mạnh và tự chủ.

PV: Năm 2014, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong năm nay. Nhiều người kỳ vọng hai Luật này sẽ tạo ra làn sóng mới về đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Vậy Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về tác động lớn nhất mà hai Luật này có thể mang lại cho kinh tế Việt Nam năm 2015?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Với tư tưởng xuyên suốt là cố gắng minh bạch nhất, rõ ràng nhất và giúp cho người dân và doanh nghiệp được thực hiện quyền của mình là được đầu tư kinh doanh vào tất cả các lĩnh vực, ngành nghề mà luật pháp không cấm; doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường với chi phí rẻ nhất để làm cho các hoạt động của họ có hiệu quả hơn, chúng tôi hoàn toàn tin rằng sau khi hai luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 với những nghị định và thông tư hướng dẫn mà chúng ta làm tốt thì chắc chắn sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt cho người dân và doanh nghiệp.

Còn từ môi trường thuận lợi này làm sao để doanh nghiệp có thể tạo thành làn sóng đầu tư mới hoặc là những cơ hội để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ lên thì không chỉ phụ thuộc vào hai Luật này mà còn phụ thuộc vào một loạt những chính sách khác, như chính sách về tín dụng, giải quyết nợ xấu để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn, tạo môi trường kinh doanh tốt… thì mới có thể đồng bộ và tạo ra làn sóng tốt được. Nhưng hai luật này là hai luật gốc và với những tư tưởng như vậy đã được giới DN, nhất là DN tư nhân, DN đầu tư nước ngoài rất hoan nghênh, thì tôi nghĩ rằng nó sẽ tạo ra động lực mới.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!/.

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast