Bừng Hủa Na thắm tình hữu nghị

(Baohatinh.vn) - Bản Bừng Hủa Na, huyện Xê Băng Phai, tỉnh Khăm Muộn, nước CHDCND Lào - nơi đứng chân của Nhà máy Vilaco đón chúng tôi trong ngập tràn cờ hoa và rộn ràng tiếng cười, tiếng máy. Nhưng ít ai biết rằng, hơn 10 năm trước, khu vực này chỉ là một vùng đất hoang lạnh, vắng bóng người.

1. Vượt quãng đường dài hơn 130 km qua Cửa khẩu Chalo (Quảng Bình), nước bạn Lào dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Khác với tưởng tượng của tôi trong lần đầu tiên đặt chân đến - nước bạn nghèo và có phần hoang sơ. Dọc hai bên tuyến QL 13, phố xá thưa thớt, thi thoảng mới xuất hiện những nếp nhà gạch không tô vữa hay những nhà sàn gỗ thấp lè tè.

bung hua na tham tinh huu nghi

Thà Khẹc - thủ phủ tỉnh Khăm Muộn thu hút du khách thập phương

Dù không là chốn “phồn hoa đô hội” nhưng Thà Khẹc - trung tâm hành chính tỉnh Khăm Muộn vẫn đọng lại trong tôi những ký ức đẹp. Đó là một đô thị yên bình. Sau khoảng thời gian nghỉ ngơi ăn trưa, đoàn chúng tôi hành trình theo hướng từ Bắc vào Nam (Thà Khẹc đi Savanakhet) khoảng 40 km để đến bản Bừng Hủa Na - nơi sẽ diễn ra lễ khánh thành Nhà máy Vilaco chất lượng cao giai đoạn 2. Vẫn là những địa danh quen thuộc, chỉ có điều, so với 12 năm trước, dân cư đông đúc, phố phường sầm uất hơn nhiều.

“Khổ, khó trong những ngày khởi đầu là đương nhiên nhưng điều chúng tôi sợ nhất bấy giờ là phải đối mặt với nỗi nhớ nhà, vì đi mỏi mắt mới thấy dân” - Trưởng phòng Hành chính Tổ chức Mitraco Phan Đình Đường nhớ lại những ngày đầu “dẫn quân” sang nước bạn Lào.

2. Khu mỏ nơi Công ty TNHH Vilaco Việt - Lào đứng chân có diện tích 700 ha, trữ lượng 22 triệu tấn, thời gian khai thác 30 năm. Nơi đây từng thuộc quyền khai thác của một công ty Thái Lan nhưng chẳng rõ lý do gì sau thời gian thăm dò, những người Thái đã lặng lẽ bỏ đi.

bung hua na tham tinh huu nghi

Lãnh đạo tỉnh Khăm Muộn và các đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất, tại Nhà máy Chế biến bột thạch cao cao cấp.

Để tiếp quản cơ sở này và thực hiện thành công dự án xuyên quốc gia, phải khẳng định công lớn thuộc về các vị nguyên tổng giám đốc Mitraco: Võ Kim Cự và Dương Tất Thắng trong việc thuyết phục dự án đầu tư với Chính phủ và các bộ, ban, ngành nước bạn cũng như đặt nền móng vững chắc làm nền tảng bứt phá sau này. “Sau những ngày dài vật lộn với mưa dầm, nắng gắt, với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, 30 CBCNVC đã tiến hành mở đường vào mỏ, dựng lán trại, đào giếng bóc đất tầng phủ, mở vỉa, đầu tư trang thiết bị, tháng 7/2004, dự án chính thức đi vào hoạt động”, Phó Tổng Giám đốc Mitraco kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vilaco Việt - Lào Lê Viết Thảo nhớ lại.

Mặc dù mới khai thác trên diện tích 350 ha, nhưng sản lượng thạch cao hàng năm đạt trên 300.000 tấn. Năm 2015, sản lượng đạt 350.000 tấn; doanh thu 180 tỷ đồng (năm 2016, công ty đặt mục tiêu doanh thu 200 tỷ đồng); nộp ngân sách cho nước bạn Lào gần 1 triệu USD. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 180 lao động, chủ yếu là người Lào (140 người) với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Cũng nhờ có nhà máy nên nhiều cặp vợ chồng trẻ như Xợt - Xửng có việc làm ổn định. Hơn thế, ngoài “mức thu nhập khá cao, các cháu nhà tôi còn được học ở trường cạnh nhà nên rất thuận lợi” - Đội phó Đội khai thác Mun Thong tiếp lời anh Xợt.

bung hua na tham tinh huu nghi

Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất chế biến thạch cao cao cấp

Từ chế biến thô, năm 2005, công ty bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến bột thạch cao trị giá 3 triệu USD, công suất 30.000 tấn/năm (hoàn thành vào năm 2009), được nhiều bạn hàng đánh giá cao. Từ đó, mở ra hướng đi mới, phù hợp với chủ trương nhất quán đã được 2 chính phủ ký kết nhằm hạn chế xuất khẩu thạch cao thô. Tiếp đó, năm 2014, công ty tiến hành xây dựng nhà máy chế biến thạch cao cao cấp với tổng vốn đầu tư 2,5 triệu USD, công suất 20.000 tấn/năm, dùng để tạo khuôn đúc gốm sứ chất lượng và có độ tinh xảo cao. Cuối tháng 4/2016, nhà máy bắt đầu chạy thử và sản xuất thử nghiệm; kết quả đạt được “trên cả mong đợi”. Vì vậy, tháng 6, công ty sẽ bàn giao cho các đối tác đã ký kết hợp đồng là Công ty Victory Thái Lan, Tổng Công ty Viglacera để thay thế các sản phẩm cùng loại có giá cao hơn.

3. Bản Bừng Hủa Na heo hút, vắng dấu chân người đã trở thành khu dân cư đông đúc, hội tụ nhiều gia đình thợ mỏ và hình thành nên khu chợ nhỏ với nhiều ngành nghề “ăn theo” khác nhau như buôn bán xăng dầu, sửa chữa điện tử.

Hai bản ngày xưa chỉ có khoảng 1.000 dân, nay trở thành 2 cụm bản (mỗi cụm 4 bản) với khoảng 3.000 người. Thành công của Công ty TNHH Vilaco Việt - Lào không chỉ có lợi cho 2 nước về mặt kinh tế, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương mà còn đóng góp quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội với nước bạn Lào.

bung hua na tham tinh huu nghi

Công nhân khai thác tại mỏ thạch cao

Những năm gần đây, công ty đã đầu tư 370 triệu kíp Lào (tương đương 1 tỷ đồng) xây dựng trường mầm non cho hơn 100 cháu đến học; xây dựng hệ thống nước sinh hoạt và nhà vệ sinh tại các bản trị giá 35.000 USD. Hàng năm, công ty còn tài trợ 10 suất học bổng trị giá 300 triệu đồng cho con em các bộ tộc Lào anh em theo học tại Trường Đại học Hà Tĩnh. Ngoài ra, năm 2015, công ty còn phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh khám và điều trị cho 1.500 lượt người với tổng chi phí 200 triệu đồng.

“Sự có mặt của Vilaco đã biến một nơi hoang sơ thành vùng mỏ sôi động, sầm uất. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Công ty TNHH Vilaco Việt - Lào trong việc thay đổi cán cân kinh tế tỉnh Khăm Muộn nói riêng, CHDCND Lào nói chung. Những đóng góp của Vilaco là minh chứng rõ nét tô thắm thêm tình hữu nghị đoàn kết giữa hai Đảng, hai Chính phủ Việt Nam - Lào” - Phó Bí thư, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khăm Muộn Xổm Chay Phết Xi Muôn khẳng định.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast