Các doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm triệu đồng

Làm thủ tục xin cấp giấy phép khai thác cát xây dựng đã hơn 1 năm mà vẫn không có kết quả, trong khi máy móc, thiết bị thì đã đầu tư. Doanh nghiệp ở vào thế “đi cũng dở, ở không xong”. Thủ tục hành chính vẫn là một trong những lực cản của nhiều họat động hiện nay.

Lòng vòng 1 năm vẫn chưa xin được giấy phép:

Không còn nhộn nhịp xe cộ, bãi cát thành sân bóng của trẻ con
Không còn nhộn nhịp xe cộ, bãi cát thành sân bóng của trẻ con

Bãi cát Truông Vùn, nằm trên địa phận xã Thịnh Lộc của huyện Lộc Hà… Khi chúng tôi đến đây, không thấy cảnh nhộn nhịp xe ra vào. Thay vào đó là hình ảnh một người lái máy xúc và một ông bảo vệ đang thong thả ngồi nghe radio. Bãi cát nhộn nhịp ngày nào thì đã trở thành sân bóng của trẻ con. Từ hơn 1 năm nay, hàng tháng, công ty TNHH Hải Hà phải bỏ ra 4 triệu đồng để thuê người trông coi, bảo vệ máy móc, mà không có lấy một lợi nhuận nào từ bãi cát này. Đó là chưa kể đến những thiệt hại khi mà máy móc hao tổn do nằm phơi mưa, phơi nắng ở đây. Ông Lê Văn Danh, người quản lý của Công ty TNHH Hải Hà cho hay: Một năm nay, công việc thường ngày chỉ có bảo vệ, lau chùi máy móc, trông coi bãi, ở đây không có hoạt động gì cả.

Ông Trần Văn Hường, giám đốc DNTN Xuân Triều chỉ cho phóng viên ranh giới của 2 xã trên mỏ cát Truông Vùn
Ông Trần Văn Hường, giám đốc DNTN Xuân Triều chỉ cho phóng viên ranh giới của 2 xã trên mỏ cát Truông Vùn

Ở phía bên kia, trên địa bàn xã An Lộc, cũng bãi cát Truông Vùn này, ông Trần Văn Hường, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Xuân Triều đang đau đầu với việc mọi hoạt động khai thác bị đình chỉ vì chưa có giấy phép, trong khi ông đã bỏ vốn đầu tư trên 500 triệu đồng.

Trước đây, với sự mời gọi của xã và nguyện vọng phát triển kinh tế của cá nhân, những doanh nghiệp này đã đầu tư máy móc, thiết bị để khai thác cát mà chưa có giấy phép một cách hợp pháp. Sau khi có phản ánh của báo chí và ngành chức năng, chủ các doanh nghiệp này đã lập hồ sơ để xin được cấp phép khai thác cát xây dựng ở mỏ cát Truông Vùn. Hồ sơ với đầy đủ các văn bản, thủ tục, như: tờ trình của xã An Lộc, Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà; biên bản thẩm định địa điểm của Sở Tài nguyên & Môi trường; bản cam kết bảo vệ môi trường; rồi báo cáo nghiên cứu khả thi,.v.vv… Các văn bản, thủ tục đã đầy đủ. Vậy tại sao đã hơn 1 năm rồi, 2 doanh nghiệp vẫn chưa có giấy phép để hoạt động?

Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp, anh Lê Văn Hoà, Phó phòng Đo đạc- Bản đồ, Sở Tài nguyên & Môi trường cho biết: việc cấp giấy phép chưa thể tiến hành, vì chưa xác định được ranh giới, bởi mỏ cát này nằm kéo dài trên địa giới hành chính của 2 xã An Lộc, Thịnh Lộc. Và sở Tài nguyên Môi trường còn thiếu cơ sở để kiểm tra, chính là bản đồ kĩ thuật số địa giới hành chính mà Sở Nội vụ đang lưu giữ. Anh Lê Văn Hoà cho rằng: Cái gốc của bản đồ là dạng giấy, dạng số ở sở Nội vụ, còn ở sở Tài nguyên & Môi trường chỉ có thông số kĩ thuật. Chúng tôi muốn được cung cấp bộ địa giới hành chính dạng số, căn cứ vào đó lấy từ toạ độ bản đồ ra thực địa để xem xét đã phù hợp hay chưa. Khi đó mới xác định được ranh giới 2 xã An Lộc, Thịnh Lộc và mới cấp được giấy phép cho 2 doanh nghiệp Xuân Triều và Hải Hà .

Công nhân lái máy xúc rảnh rỗi ngồi nghe radio
Công nhân lái máy xúc rảnh rỗi ngồi nghe radio

Làm việc với sở Nội vụ, ông Nguyễn Duy Hải, trưởng phòng Xây dựng chính quyền cho rằng: về nguyên tắc, sở Nội vụ không được phép cung cấp toàn bộ bản đồ địa giới hành chính bằng kĩ thuật số, nếu chưa được sự cho phép của UBND tỉnh. Nếu sở Tài nguyên Môi trường cần xác định từng địa điểm cụ thể, sở Nội vụ sẵn sàng cung cấp nhưng với điều kiện như công văn số 467 (phúc đáp công văn số 1426 về việc xin cung cấp dữ liệu bản đồ địa giới hành chính dạng số của sở Tài Nguyên Môi trường) đã nêu rõ: “… đề nghị khi cần khai thác hồ sơ địa giới hành chính phải có kế hoạch thống nhất trước với sở Nội vụ và cử cán bộ trực tiếp làm việc”. Mặt khác, để xác định địa giới hành chính của 2 xã Thịnh Lộc và An Lộc, không nhất thiết phải căn cứ vào bản đồ kĩ thuật số này. “Bản đồ xác định đường biên giới của 2 xã, ví dụ ở đây là 2 xã An Lộc và Thịnh Lộc đều có lưu 5 bản: ở xã, huyện, tỉnh, Bộ Nội vụ và Cục lưu trữ. Muốn xác định ranh giới từ bản đồ ra thực địa không khó, nói phải căn cứ bản đồ kĩ thuật số không phải, vì bản đồ kĩ thuật số chỉ giúp tác nghiệp nhanh hơn mà thôi. Ông Nguyễn Duy Hải, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, sở Nội vụ khẳng định.

Tại sao phải là bản đồ kĩ thuật số, nếu bản đồ gốc có lưu ở xã và huyện cũng đáp ứng được yêu cầu kiểm tra ranh giới hành chính của 2 xã? Và tại sao không thể cung cấp, khi mà trong QĐ 533 của UBND tỉnh ra ngày 6/3/2009 có quy định: “Sở Nội vụ cung cấp dữ liệu bản đồ địa giới hành chính dạng số cho sở TNMT để phục vụ đo vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính theo phạm vi ranh giới xã phường, thị trấn”? Câu hỏi này xin được dành cho các cơ quan chức năng.

Theo ông Hải, bản đồ địa giới hành chính được lưu thành 5 bản, chứ không phải chỉ có ở sở Nội vụ
Theo ông Hải, bản đồ địa giới hành chính được lưu thành 5 bản, chứ không phải chỉ có ở sở Nội vụ

Trở lại với câu chuyện của ông Trần Văn Hường. Người cựu chiến binh này từng được xem là dám nghĩ, dám làm, mở doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Cũng chính bởi vậy, năm 2003, Hội cựu chiến binh huyện Can Lộc đã hỗ trợ cho ông vay vốn lên tới 120 triệu đồng. Ông không nghĩ có ngày: doanh nghiệp của mình ở vào tình thế như con cá bị mắc cạn. Ông tâm sự: Doanh nghiệp chúng tôi đã có giấy chứng nhận, cho vay vốn làm ăn, tạo điều kiện rồi, giờ chỉ có bản đồ giữa 2 xã, mãi đến giờ chưa cấp giấy phép cho chúng tôi. Không cấp thì cứ vài tháng, tỉnh, huyện lại về xoay giấy phép. Chúng tôi muốn đường đường, chính chính làm ăn, đóng góp cho Nhà nước đàng hoàng.

Một năm không họat động khai thác, máy móc, thiết bị nằm phơi nắng, phơi mưa. Có lúc, những doanh nghiệp này đã nản lòng. Mong muốn được hoạt động khai thác hợp pháp của họ không như ý nguyện, không phải vì chưa đủ điều kiện. Ở đây, rõ ràng còn thiếu một cơ chế làm việc thực sự vì dân và tinh thần phối hợp, thống nhất của một số cơ quan hành chính hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast