Căn cơ bài toán huy động vốn đầu năm

(Baohatinh.vn) - Nguồn vốn huy động và quản lý giữ được sự tăng trưởng ổn định trong năm 2014, trong khi đầu tư tín dụng chưa qua khỏi chặng đường khó. Thực tế này cộng với nhiều nguyên nhân khách quan khác đã tác động đến chiến lược huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong năm 2015.

Thị trường huy động vốn đầu năm không sôi động, rầm rộ như nhiều năm trước nhưng nguồn vốn thu hút được vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn.

“Thích nghi” với lãi suất thấp

Thông điệp về tiếp tục giảm lãi suất được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát ra từ đầu năm đã được hiện thực hóa bằng các đợt điều chỉnh lãi suất xuống thấp hơn của nhiều ngân hàng. Mức lãi suất huy động ở thời điểm nóng nhất là sau tết chỉ khoảng 5-6%/năm đối với ngắn hạn và trên 6,5-7%/năm đối với dài hạn. Và từ 10/3, đợt điều chỉnh giảm mới đã đưa mức lãi suất huy động xuống còn 4,5-5%/năm đối với ngắn hạn và 6-6,5%/năm đối với trung, dài hạn. Có ý kiến cho rằng, đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho việc gửi tiết kiệm ngân hàng không còn hấp dẫn.

Căn cơ bài toán huy động vốn đầu năm ảnh 1

Các ngân hàng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi huy động vốn đầu năm

Tuy nhiên, theo phân tích của Trưởng phòng Tổng hợp & Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bùi Thị Huệ thì so với chỉ số giá tiêu dùng đang nằm ở mức thấp như hiện nay, lãi suất huy động tiết kiệm của ngân hàng vẫn thực dương, người gửi vẫn có lợi. Huy động vốn đầu năm trầm lắng hơn có thể do một số kênh đầu tư khác có tín hiệu ấm dần đang thu hút sự quan tâm của người dân.

Thực tế hoạt động tín dụng năm 2014 cho thấy, dù lãi suất huy động trong thời gian này giảm mạnh so với năm trước nhưng nguồn vốn huy động và quản lý của toàn ngành Ngân hàng vẫn về đích với mức tăng trưởng 17,6%/năm. Theo nhận định của những người trong cuộc thì cả ngân hàng và người gửi dù đều gặp khó trước diễn biến này nhưng cũng đã thích nghi được với bối cảnh mới. Thay vì hấp dẫn khách hàng bằng lãi suất là chủ yếu, các ngân hàng đã tìm cách thu hút và giữ nguồn tiền nhàn rỗi bằng những giải pháp chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng các dịch vụ đi kèm...

Còn khách hàng, trên cơ sở phân tích chỉ số lạm phát và cân nhắc tính khả thi của các kênh đầu tư khác, đã dành sự lựa chọn an toàn bằng việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Bức tranh này vẫn chưa có sự thay đổi lớn trong những tháng đầu năm 2015, bởi vậy, nhiều tổ chức tín dụng vẫn giữ được đà tăng trưởng nguồn vốn.

Trưởng phòng Kinh doanh Agribank - Nguyễn Thị Thành cho biết: Nguồn vốn huy động chủ yếu tăng trong tháng 2 (tháng sau tết) với con số huy động mới trên 200 tỷ đồng. Mặc dù, lãi suất đã được điều chỉnh thấp hơn nhưng Agribank vẫn giữ được mức tăng tương đương cùng kỳ năm ngoái. Đến thời điểm này, chi nhánh đang nắm chắc trên 11.800 tỷ đồng nguồn vốn huy động và quản lý.

Căn cơ chiến lược nguồn

Chiến lược tín dụng chung của ngành Ngân hàng toàn quốc năm 2015 tiếp tục coi trọng mục tiêu giảm lãi suất đầu vào để giảm giá đầu ra với mục tiêu hạ thêm 1-1,5% lãi suất cho vay trung, dài hạn, tạo động lực thúc đẩy SXKD. Từ đó, các ngân hàng đã có sự tính toán căn cơ hơn trong kế hoạch huy động nguồn vốn để tránh ứ đọng nguồn vốn lãi suất cao. Theo Giám đốc Teachcombank Hà Tĩnh - Hoàng Thị Lan, để tích lũy nguồn, các tổ chức tín dụng sẽ chọn thời điểm giá đầu vào đang ở điểm đáy. Thực tế kinh doanh hiện nay đang đòi hỏi ngân hàng căn cơ hơn trong bài toán huy động vốn.

Trên địa bàn tỉnh ta, đầu tư tín dụng 2 tháng đầu năm 2015 dù đã có tín hiệu khá hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chưa nhích lên con số tăng trưởng 1%. Có thể đây là lý do để các ngân hàng không quá nóng vội trong bài toán huy động những tháng đầu năm. Bởi vì, nếu nguồn đầu vào tăng nhanh mà đầu ra vẫn nhỏ giọt thì hiệu quả kinh doanh cũng sẽ cầm chừng. Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến cuối tháng 2/2015, tổng nguồn vốn huy động và quản lý trên địa bàn đạt gần 27.000 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ chỉ đạt hơn 19.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của những người trong cuộc, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn không có chuyển biến lớn mà đang chuyển dịch từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Những khó khăn trong hoạt động huy động và cho vay đang đặt ra cho các tổ chức tín dụng yêu cầu đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ vì đây mới chính là xu hướng phát triển của tương lai, là nguồn thu bền vững của ngân hàng.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast