Can Lộc xây dựng NTM từ sức mạnh tổng hợp

Trong hai năm thực hiện chương trình MTQG dựng NTM, với sự chỉ đạo thường xuyên, tập trung bằng các giải pháp đồng bộ; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự đồng lòng chung sức của nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện Can Lộc đã đạt được những kết quả bước đầu khá quan trọng, được Ban chỉ đạo và các ban, ngành cấp tỉnh đánh giá cao.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Lãnh đạo tỉnh, huyện Can Lộc kiểm tra mô hình kinh tế tập thể HTX sản xuất, kinh doanh rượu Khánh Lộc

Lãnh đạo tỉnh, huyện Can Lộc kiểm tra mô hình kinh tế tập thể HTX sản xuất, kinh doanh rượu Khánh Lộc

Ông Bùi Huy Tam - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Can Lộc cho biết: “Xây dựng NTM là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện trên các lĩnh vực; đòi hỏi một quá trình liên tục và lâu dài. Xây dựng NTM chính là trực tiếp xây dựng cuộc sống mới cho người dân nông thôn; phát huy được tính chủ thể của người dân là "chìa khóa thành công” trong quá trình thực hiện. Chính vì vậy, Can Lộc đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện thường xuyên, quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của người dân”.

BCĐ xây dựng NTM huyện đã ban hành kế hoạch, nội dung tuyên truyền và chỉ đạo các cấp, các ngành, các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và thời kỳ. Kết quả là người dân đã nhận thức được xây dựng NTM là làm cho mình và đã tự nguyện, tự giác thực hiện; tư tưởng trông chờ, ỉ lại đã dần được đẩy lùi, thể hiện ngày càng rõ nét, nhất là trong việc thực hiện cắm mốc theo quy hoạch, hiến đất, dời dọn công trình để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay toàn huyện đã có 1.765 hộ tự nguyện hiến đất với 169.400 m2 và nhiều tài sản trên đất với giá trị hàng chục tỷ đồng. Tiêu biểu là các xã: Thường Nga 42.000 m2, Gia Hanh 32.850m2, Mỹ Lộc 16.000 m2, Đồng Lộc 17.835 m2, Quang Lộc 15.000 m2.

Sau 2 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Thiên Lộc đổi thay từng ngày, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Sau 2 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Thiên Lộc đổi thay từng ngày, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ.

“Về làng ngỡ phố” là câu nói của những người đã từng đến với xã Thiên Lộc. Bộ mặt nông thôn ở đây đang đổi thay từng ngày. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Nhân dân một lòng tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước, cùng chung tay góp sức xây dựng NTM. Để chương trình xây dựng NTM có sự tham gia trực tiếp của người dân, Ban chỉ đạo xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động làm cho người dân hiểu rõ vai trò vai trò chủ thể của mình. Cùng với đó, cấp uỷ đảng đã lựa chọn xây dựng các công trình thiết thực, phù hợp để người dân thấy được xây dựng NTM chính là xây dựng cho mình sử dụng và thụ hưởng. Chỉ sau một thời gian ngắn, Thiên Lộc đã xây dựng được 32 km đường bê tông, 30 km kênh bê tông, 10 nhà văn hóa thôn, xây dựng hàng chục km mương thoát nước trong khu dân cư... Đến thời điểm này, tổng nguồn vốn ngân sách của xã và của nhân dân đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng là hơn 30 tỷ đồng, chưa kể hàng nghìn m2 đất và hàng chục nghìn ngày công của nhân dân.

Chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

Những năm qua, Can Lộc là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về thực hiện chuyển đổi ruộng đất và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện toàn huyện có 1.900 máy làm đất, đáp ứng cơ giới hóa trên 90% khâu làm đất; 22 máy gặt đập liên hợp, đáp ứng 15- 20 % khâu thu hoạch. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động và tổ chức đưa chủ trương của huyện vào cuộc sống nhân dân. Xã Khánh Lộc là một trong những địa phương đi đầu của huyện về thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM. Là xã thuần nông với 2 sản phẩm chính: trồng trọt và chăn nuôi, Đảng bộ và nhân dân xã Khánh Lộc đã biết khắc phục khó khăn, phát huy nội lực thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Cùng với đi đầu trong việc cắm mốc quy hoạch giao thông và chuyển đổi ruộng đất, Khánh Lộc còn là địa phương đi đầu trong trong thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và phát triển sản xuất gắn với chế biến sản phẩm.

Máy gặt đập liên hợp phát huy hiệu quả trên đồng đất Can Lộc

Máy gặt đập liên hợp phát huy hiệu quả trên đồng đất Can Lộc

Với 333 ha đất canh tác 2 vụ lúa, địa phương chú trọng tập trung cơ giới hóa 3 khâu: làm đất, thu hoạch và sau thu hoạch. Hiện nay, toàn xã có 70 máy làm đất, đảm bảo thực hiện cơ giới 100%; 5 máy gặt đập liên hợp, đảm bảo khâu thu hoạch 40-50% diện tích. Điểm nhấn trong phát triển sản xuất của Khánh Lộc cũng như của huyện Can Lộc còn phải kể đến các mô hình kinh tế tập thể như: HTX Rượu Khánh Lộc, HTX chăn nuôi lợn Thống nhất, HTX sản xuất Nấm... Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mai Khắc Tám chia sẻ kinh nghiệm: “Chỉ có thay đổi phương thức sản xuất mới, khoa học, hiện đại thì mới tạo ra sản phẩm hàng hóa nhiều hơn, tốt hơn, lúc đó mới tạo ra nhiều việc làm, nâng cao được thu nhập cho người dân”.

Thực hiện chủ trương của tỉnh, Can Lộc đã ban hành Quyết định về sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực cấp huyện gồm: 5 loại cây và 3 loại con, từ đó ưu tiên các nguồn lực cho sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài chính sách của tỉnh, huyện cũng đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo nguồn lực cho xây dựng NTM như: Quyết định số 03 về chính sách chăn nuôi và công tác thú y; Nghị quyết 06 về phát triển chăn nuôi tập trung; Nghị quyết 07 về chuyển đổi cơ cấu sản xuất vụ đông xuân 2011-2012; chính sách sản xuất cho vụ xuân 2013, đầu tư trợ giá giống, ni lông, hỗ trợ chuyển đổi các loại giống cho các xã trong sản xuất lên tới hàng tỷ đồng... Vụ xuân năm 2013, toàn huyện có 20/23 xã với 94% diện tích đã chuyển hẳn sang sản xuất trà xuân muộn với các loại giống lúa xuân ngắn ngày.

Một vườn cam ở thôn An Hùng, xã Thượng Lộc đang chờ thu hoạch phục vụ Tết nguyên đán Quý Tỵ sắp tới

Một vườn cam ở thôn An Hùng, xã Thượng Lộc đang chờ thu hoạch phục vụ Tết nguyên đán Quý Tỵ sắp tới

Trong 2 năm qua, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp trên toàn huyện; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá giả ngày càng tăng. Đến nay, toàn huyện có 682 mô hình sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng NTM có quy mô, lợi nhuận khá cao. Trong đó, có 113 mô hình trồng trọt, 325 mô hình chăn nuôi, 86 mô hình thủy sản, có 32 mô hình lâm nghiệp, có 126 mô hình nông lâm kết hợp. Điển hình như: mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm hộ ông Võ Quang Hạnh, xóm Sơn Bình, xã Thượng Lộc; Mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị Hoàng Thị Bình ở xóm Trường Lộc, xã Thiên Lộc; mô hình nuôi hươu của hộ ông Hoàng Bá Tứ, xã Mỹ Lộc; mô hình chăn nuôi gà trại xã Tiến Lộc; mô hình trồng cam chất lượng cao ở xã Thượng Lộc; mô hình cánh đồng mẫu (lúa lai TH 3-3) xã Tùng Lộc; mô hình trồng rau màu xã Thiên Lộc... Các tổ hợp tác, HTX cũng được củng cố, phát triển mạnh như: HTX rượu Khánh Lộc; làng nghề mộc Yên Huy xã Yên Lộc, HTX rượu Kim Lộc, HTX nấm rơm Thượng Thăng, xã Khánh Lộc.

Năm 2012, toàn huyện thành lập mới 13 doanh nghiệp, 21 HTX môi trường, 7 HTX chăn nuôi, 1 HTX rượu, 01 Quỹ tín dụng nhân dân, nâng tổng số HTX toàn huyện lên 61 đơn vị. Thực hiện chương trình MTQG Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, toàn huyện đã có 30 công trình được đầu tư xây dựng với tổng số vốn 72 tỷ đồng; trên 90% hộ gia đình, 100% cơ sở, trường học được sử dụng nước sạch và có công trình nhà vệ sinh đảm bảo quy định theo tiêu chí NTM.

Nhờ chính sách hỗ trợ hỗ trợ (mỗi con hươu 1 triệu đồng), và vay vốn với lãi suất ưu đãi…đến nay toàn huyện Can Lộc đã có gần 1.000 con hươu.

Nhờ chính sách hỗ trợ hỗ trợ (mỗi con hươu 1 triệu đồng), và vay vốn với lãi suất ưu đãi…đến nay toàn huyện Can Lộc đã có gần 1.000 con hươu.

Ông Bùi Huy Tam - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM Can Lộc cho rằng, bài học lớn nhất trong chỉ đạo xây dựng NTM là biết khơi dậy trí tuệ, sự chủ động, sáng tạo và mọi nguồn lực trong nhân dân; lấy dân làm trung tâm, tuyên truyền cho toàn dân hiểu mục đích xây dựng NTM là nhằm nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng quê hương giàu đẹp. Đảng và Nhà nước dựa vào dân và cộng đồng để chăm lo cuộc sống cho dân. Trong quá trình thực hiện phải luôn kiểm tra, lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở sâu sát. Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trong các hoạt động. Để từ đó, người dân nhìn thấy, học theo, làm theo. Người nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tạo phong trào thi đua sôi nổi, nhân rộng mô hình điển hình điển hình để thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM ở mỗi thôn, mỗi xã và trên địa bàn toàn huyện.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM ở huyện Can Lộc, đến nay xã Thiên Lộc đạt 17/19 tiêu chí; 5 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí; 16 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí. Đặc biệt, với sự cố gắng, tập trung của toàn huyện, hiện nay không có xã nào đạt dưới 6 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2012 đạt 19,6 triệu đồng (tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,13%.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast