Cần những giải pháp đồng bộ

Chăn nuôi gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản luôn chiếm tỉ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Song sự phát triển đó bị “ kìm hãm” bởi dịch bệnh xẩy ra thường xuyên, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho nhà nước và người chăn nuôi. Việc xây dựng đề án toàn dịch bệnh trong chăn nuôi và NTTS để có những giải pháp đồng bộ là hết sức cần thiết.

Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và NTTS:

Phun tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên phòng chống dịch bệnh
Phun tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên phòng chống dịch bệnh

Dịch bệnh gây thiệt hại lớn.

Trước hết phải khẳng định chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giữ vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2011 chăn nuôi chiếm 42%, nuôi trồng thủy sản chiếm 16% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 260.000 con trâu bò; 400.000 con lợn; 28.500 con hươu và đàn gia cầm 5,25 triệu con. NTTS cũng có bước phát triển cả về lượng lẫn chất. Riêng con tôm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, được xác định là một trong những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Hàng năm sản lượng tôm đạt 23000 – 28000 tấn, thu về hàng trăm tỉ đồng cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, sự phát triển đó bị “kìm hãm” bởi dịch bệnh hoành hành. Hầu như năm nào tỉnh ta cũng xẩy ra dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi và NTTS. Theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp thì từ năm 2008 đến năm 2011 toàn tỉnh xẩy ra dịch lở mồm long móng gia súc tại các địa phương, buộc phải tiêu hủy 211 con trâu, bò và lợn. Đặc biệt, dịch lợn tai xanh với mức độ khá trầm trọng trong những năm 2008, 2010 và 2011 làm cho hơn 30.000 con lợn mắc bệnh, ốm chết và buộc phải tiêu hủy. Cúm gia cầm xẩy ra 6 đợt vào các năm 2008, 2010 và 2012 làm chết và buộc phải tiêu hủy hơn 80 nghìn con. Riêng về bệnh đốm trắng ở tôm từ năm từ năm 2008 đến nay, mỗi năm diện tích nuôi bị bệnh chiếm từ 2,9% đến 9,6% tổng diện tích nuôi. Giống tôm bị thiệt hại chiếm 4,5% - 16,3% tổng số giống thả.

Từ những con số trên cho thấy, dịch bệnh gia súc, gia cầm và tôm nuôi ở tỉnh ta xẩy ra khá thường xuyên, thiệt hại nặng về kinh tế. Chỉ tính riêng tiền hỗ trợ dịch lợn tai xanh cho người chăn nuôi vào năm 2008 cũng đã “tốn” gần 60 tỷ đồng. Dịch cúm gia cầm những tháng đầu năm 2012 buộc phải tiêu hủy hơn 70.000 con, hơn 24 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi. Theo các nhà chuyên môn thì do môi trường, khí hậu khắc nghiệt tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh và lây lan nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật. Công tác tiêm phòng còn đạt tỉ lệ thấp so với tổng đàn và kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm còn bị buông lỏng… Đi sâu vào tìm hiểu thực tế thì mới thấy công tác phòng chống dịch ở tỉnh ta còn nhiều vấn đề bất cập. Ông Đặng Quốc Hải – Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho rằng: Với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán của người dân gây khó khăn trong việc phát hiện và khống chế dịch bệnh. Vấn đề quan trọng nhất là không thể kiểm soát được con giống nhập vào địa bàn. Mặt khác, chăn nuôi hiện tại đã trở thành hàng hóa nên lưu lượng mua ra bán vào khá lớn và thường xuyên. Trong khi đó, mỗi năm tiêm vắcxin phòng dịch theo định kỳ 2 lần thì không thể đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm… Một hiện tượng đáng báo động tại một số địa phương đối với người chăn nuôi khi phát hiện gia súc, gia cầm của mình bị mắc bệnh vội vàng giấu dịch, lén lút vận chuyển bán tống, bán tháo khi phát hiện gia súc, gia cầm của mình bị mắc bệnh. Chính quyền địa phương biết nhưng vẫn làm ngơ, sau đó dịch bùng phát rồi mới báo cáo lên cơ quan chức năng xử lý… Nhiều trường hợp các hộ NTTS phát hiện tôm bị dịch bệnh liền tháo nước ra ngoài làm ảnh hưởng đến cả một vùng nuôi bị lây nhiễm, thiệt hại cho các hộ nuôi khác….

Lập chốt và phun hóa chất tiêu độc khử trung khi vào ra vùng dịch
Lập chốt và phun hóa chất tiêu độc khử trung khi vào ra vùng dịch

Hướng tới chăn nuôi an toàn, bền vững

Ông Trần Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Hiện tỉnh đang tập trung thực hiện các đề án, chính sách phát triển sản phẩm chủ lực trong sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Theo đó sẽ thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng liên doanh, liên kết, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đạt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Mục tiêu đặt ra phấn đấu năm 2015 giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 47% và 50% vào năm 2020 trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo PCD gia súc gia cầm và thủy sản đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây ra. Trong đó, quản lý chặt chẽ các quy hoạch liên quan đến công tác phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Tăng cường thanh kiểm tra việc nhập giống từ nơi khác về và sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn. Việc giám sát dịch bệnh phải được thực hiện cụ thể hóa tại các địa phương nhằm sớm loại bỏ và ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh. Tiêm phòng vắc xin triệt để, đảm bảo chất lượng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ buôn bán, vận chuyển, giết mổ tại các địa phương…; quản lý hành nghề thú y và đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện tốt vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.

Theo ông Lê Văn Nhị - Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco thì cần phải thực hiện đúng theo pháp lệnh về thú y. Mặt khác, kiểm tra ngặt nghèo về con giống khi được nhập vào tỉnh, đặc biệt là đối với giống lợn cần phải có kết quả xét nghiệm máu thì mới đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Tỉnh cần có kế hoạch xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, từ đó tổ chức cấp giấy phép về an toàn dịch bệnh cho các hộ dân tham gia chăn nuôi tại đây. Ngoài ra, phải có chế tài xử lý vi phạm trong quy hoạch chăn nuôi…Ông Dương Tất Thắng – Giám đốc cơ quan Thú y vùng III chia sẽ kinh nghiệm từ các địa phương khác trong công tác phòng chống dịch đó là: Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, thực hiện phương châm “Đến tận nơi, tới tận nhà, vào tận chuồng” để kiểm tra, giám sát phát hiện các ổ dịch gia súc, gia cầm để kịp thời xử lý. Cán bộ thú y cơ sở thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hộ chăn nuôi ký nhận bổ sung đàn để cung ứng kịp thời vắc xin tiêm phòng dịch….

Để chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, ông Lê Đình Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Trước hết phải từng bước giảm dần chăn nuôi nông hộ, phát triển chăn nuôi trang trại; quản lý đầu vào, đầu ra chặt chẽ; chống dịch khi đang còn diện hẹp, kịp thời và hiệu quả . Đặc biệt, sớm hình thành Đề án an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, các sở ngành liên quan cần tập trung xây dựng đề án trong đó chú trọng đến quy hoạch, gắn hạ tầng và môi trường; giải pháp chống dịch và công tác tuyên truyền , đào tạo là những vấn đề cơ bản để chuyến biến về nhận thức trong công tác phòng, chống dịch…cho gia súc, gia cầm và NTTS.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast