Chỉ số PMI Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 6

(Baohatinh.vn) - Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 54 điểm trong tháng 6, giảm nhẹ so với mức 54,7 điểm trong tháng 5/2022.

Chỉ số PMI Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 6

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 54 điểm trong tháng 6/2022. (Ảnh minh họa)

Theo S&P Global Market Intelligence - công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số PMI, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất Việt Nam đều tiếp tục tăng đáng kể trong tháng 6. Trong đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng ở mức cao nhất trong bốn tháng.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng khuyến khích các nhà sản xuất tiếp tục tăng lực lượng lao động trong tháng 6. Số lượng nhân viên tăng đã giúp các công ty giải quyết tốt khối lượng công việc, từ đó lượng công việc tồn đọng đã giảm lần thứ hai trong 3 tháng trở lại đây.

Trong khi đó, việc chuyển các mặt hàng thành phẩm cho khách hàng đã làm hàng tồn kho sau sản xuất tiếp tục giảm trong tháng 6.

Chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh. Theo các thành viên nhóm khảo sát, một loạt các nhân tố đã góp phần làm tăng gánh nặng chi phí, gồm: giá khí đốt, giá dầu tăng; cước phí vận chuyển tăng; giá nguyên vật liệu tăng. Chi phí năng lượng và vận chuyển là nguyên nhân khiến giá bán hàng tiếp tục tăng.

Chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn cũng là một đặc điểm của kỳ khảo sát lần này. Ở những nơi thời gian giao hàng bị kéo dài, các công ty cho rằng nguyên nhân là do tình trạng phong tỏa do COVID-19 ở Trung Quốc Đại lục, những khó khăn của khâu vận chuyển, tình trạng tăng giá và khan hiếm nguyên vật liệu.

Hoạt động mua hàng tiếp tục tăng mạnh trong tháng 6 khi các công ty phải đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Hàng hóa đầu vào đã mua thường được sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, từ đó tồn kho hàng mua tiếp tục giảm nhẹ.

Các nhà sản xuất kỳ vọng đại dịch vẫn được kiểm soát, từ đó các điều kiện thị trường và sản lượng sẽ ổn định trong 12 tháng tới. Hơn một nửa số người trả lời đã dự đoán tăng sản lượng, và mức độ lạc quan là cao hơn mức trung bình của lịch sử chỉ số.

Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nói: “Ngành sản xuất của Việt Nam kết thúc nửa đầu năm 2022 với tình trạng sức khỏe tốt và các công ty cảm thấy đại dịch đã qua đi và họ có thể có thêm nhiều số lượng đơn đặt hàng mới”.

“Điểm tích cực chính từ khảo sát PMI lần này là việc làm, khi chỉ số này đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm rưỡi. Điều này cho thấy những khó khăn mà các công ty gặp phải trong việc tuyển nhân viên hồi đầu năm đã giảm bớt, và điều này có nghĩa các nhà sản xuất có thể đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của khách hàng và giải quyết được khối lượng công việc” - ông Harker nói thêm.

(Theo S&P Global Market Intelligence)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast