Chủ động phòng tránh sâu bệnh cho cây trồng vụ xuân

Từ tiết Kinh trập, các loài côn trùng, sâu bệnh sẽ được đánh thức sau một mùa ngủ đông dài. Năm nay là vụ xuân ấm, bởi thế mà các loài địch hại cũng phát sinh gây hại. Hiện nay, trên đồng ruộng một số loài đã xuất hiện một số loại sâu bệnh hại mùa màng, đặc biệt là chuột, bệnh đạo ôn, bệnh mốc đen... Trước diễn biến phức tạp của sâu bệnh, PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết diễn biến tình hình phát sinh của sâu bệnh đến thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Tuấn Thanh (NTT): Vụ xuân 2013 thời tiết diễn biến thuận lợi cho sản xuất, đặc biệt là đối với cây lúa. Với mức nhiệt bình quân từ 200C- 240C, các trà lúa có điều kiện sinh trưởng và phát triển nhanh. Đến thời điểm này các giống Xi 23, NX30, P6 thuộc trà xuân trung đã đẻ nhánh rộ; các giống VTNA2, RVT thuộc trà xuân muộn đang bắt đầu đẻ nhánh. Trà lạc sớm đã bước vào thời kỳ phân cành. Như vậy, diện tích lá trên đồng ruộng hiện nay khá cao, tạo sinh khối chất xanh rộng lớn.

Phun thuốc hóa học kịp thời, đúng liều lượng là biện pháp hữu hiệu để diệt trừ sâu bệnh
Phun thuốc hóa học kịp thời, đúng liều lượng là biện pháp hữu hiệu để diệt trừ sâu bệnh

Song, thời tiết không có rét đậm, rét hại cũng chính là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh sinh sôi và phát sinh gây hại. Hiện nay đã xuất hiện nhóm sâu bệnh hại lá, hại cành, đặc biệt là chuột, bệnh đạo ôn hại lúa; bệnh mốc đen, mốc xám trên cây lạc. Toàn tỉnh có 333 ha lúa nhiễm đạo ôn với tỷ lệ trung bình từ 5%- 7%, nơi cao 40%- 50%. Trong đó có 16 ha nhiễm nặng, chủ yếu trên các giống IR 1820, Xi23, NX 30, IR 35366. Cũng phải nói thêm rằng nhờ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống, tập trung cho trà lúa xuân muộn mà đến thời điểm này diện tích nhiễm đạo ôn giảm so với các năm. Chúng chỉ gây hại chủ yếu trên trà lúa xuân trung và IR 1820 tại vùng cấy trước thời vụ, bón phân không cân đối, tập trung tại một số xã Nghi Xuân và Thạch Hà.

PV: Có thể dự báo gì về tình hình sâu bệnh cho vụ xuân?

Ông NTT: Tính theo dương lịch, tiết Kinh Trập sẽ bắt đầu từ ngày 5/3. Khí tiết này xuất hiện kiểu thời tiết âm u, độ ẩm không khí cao kèm theo mưa sẽ là thời điểm xung yếu nhất, hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi nhất cho sự phát sinh của sâu bệnh. Nhất là đối với các vùng lúa gieo mật độ dày, khả năng nhiễm sâu bệnh càng cao, đồng thời tạo điều kiện để tích lũy rầy sớm.

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa ở Cẩm Xuyên. Ảnh: Hữu Trung
Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa ở Cẩm Xuyên. Ảnh: Hữu Trung

Quan trọng hơn, diễn biến thời tiết đang hết sức khó lường trong khi phần lớn diện tích lúa xuân của tỉnh ta năm nay là trà xuân muộn mới chỉ bắt đầu bước vào thời kỳ sinh trưởng. Sau ngày 15- 20/3, bước vào tiết xuân phân là thời điểm xung yếu để tích lũy rầy, nêu xuất hiện mưa rào thì nguy cơ phát sinh càng cào; kèm theo đó là bệnh khô vằn ở lúa và nấm mốc cành trên cây lạc.

PV: Xin ông cho biết những biện pháp ngành đã triển khai để chủ động phòng tránh sâu bệnh trên cây trồng vụ xuân?

Rầy nâu và bệnh lùn xoắn lá trên lúa
Rầy nâu và bệnh lùn xoắn lá trên lúa

Ông NTT: Trong suốt mùa vụ, Chi cục BVTV đã thường xuyên bám sát tiến độ phát sinh, phát triển của các loại cây trồng, đồng thời có hướng dẫn công tác chăm sóc và cảnh báo kịp thời phương pháp phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật; đúng thời điểm cho từng loại sâu bệnh. Hiện nay, bệnh đạo ôn đang gây hại trên lúa, khi phát hiện bà con phải ngừng ngay việc bón đạm và các loại phân bón kích thích sinh trưởng; duy trì mực nước 3- 5cm trên ruộng và xử lý bằng các loại thuốc hóa học như: Beam 75 WP; Fujione; Fu Nhật 40WP; Vista 72.5 WP; Filia 525 SC Kabim 30 WP. Đối với những diện tích bị nặng cần tiến hành cắt bỏ lá bị bệnh vùi sâu vào đất hoặc phơi khô đem đốt để hạn chế nguồn bệnh trên đồng ruộng. Trên cây lạc, để trừ sâu xám có thể bắt bằng tay khi mật độ thấp và xử lý bằng thuốc hóa học: Ammate 150 SL; Proclaim 1.9 EC; Angul 5 WDG…và Ridomil Gold 68 WP; Mataxyl 25 WP cho bệnh lở cổ rễ, bệnh héo rũ gốc mốc đen, gốc mốc trắng. Bên cạnh đó tăng cường các biện pháp diệt chuột.

Song song với phòng trừ sâu bệnh, các địa phương tăng cường chăm sóc, theo dõi sát sao sự phát triển của các trà lúa (nhất là trà xuân muộn) để có biện pháp xử lý kịp thời. Tiếp tục tỉa dặm đảm bảo mật độ để hạn chế quá trình tích lũy sâu bệnh. Đối với cây trồng cạn, tranh thủ thời tiết tập trung xới xáo, làm cỏ, vun gốc theo đúng quy trình kỹ thuật.

PV: Xin cám ơn ông!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast