Chưa kiểm soát chất lượng hàng hóa ở thị trường nông thôn

Tình trạng SXKD hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ tồn tại ở vùng nông thôn mà ở bất cứ nơi nào.

Thị trường của hàng… không đảm bảo!

Tỉnh ta không phải là địa bàn trọng điểm về sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng tình trạng buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến khá phức tạp. Do thiếu thông tin, ít hiểu biết về chất lượng hàng hóa, điều kiện kinh tế khó khăn, lại có tâm lý dễ dãi, thích hàng đẹp, giá rẻ…, nên người tiêu dùng, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thường là nạn nhân số 1 của các đối tượng SXKD hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Hàng kém chất lượng, hàng tồn kho, không xuất xứ... thường được đưa về bán ở vùng nông thôn. Ảnh: Chính Thu
Hàng kém chất lượng, hàng tồn kho, không xuất xứ... thường được đưa về bán ở vùng nông thôn. Ảnh: Chính Thu

Ở Hương Sơn, Đức Thọ, chúng tôi tận mắt chứng kiến giá 1 cây kem “Tràng Tiền” chỉ 2.000 đồng; đôi dép nhựa người lớn chỉ 10 ngàn đồng; lọ dầu gội đầu chỉ 15 ngàn đồng… Về vùng sâu, vùng xa, gặp rất nhiều sản phẩm bày bán nhìn bằng mắt thường đã thấy ái ngại; giá rất rẻ, bao bì nhàu cũ... nhưng cả người kinh doanh và người tiêu dùng vẫn “vô tư” bán - mua, sử dụng. Tại một quán “cóc” ở thị trấn Tây Sơn, thấy mấy lon nước giải khát

Coca-Cola bụi bám dày, tôi hỏi đã hết hạn sử dụng chưa, bà chủ quán hồn nhiên đáp: “Hạn chi chú? Họ ghi ở mô. Uống vẫn ngon...!”.

Thời gian gần đây, tình trạng dùng xe tải nhỏ chở quần áo kém chất lượng về tiêu thụ ở thị trường nông thôn khá phổ biến. Mới đây, tại đường đê La Giang đoạn qua Đức Thọ, chúng tôi gặp 1 xe bán hàng này và thấy người mua rất đông. Hàng hóa được bày bán gồm đủ thứ quần, áo: sơ mi nam, đồ bộ phụ nữ, quần áo lót nam, đồ trẻ em… Quan sát thấy chất vải cứng, thô, dễ nhàu và đường chỉ đều thiếu độ tin cậy. Hỏi về xuất xứ, người bán hàng cho biết: “đều là hàng Việt Nam”. Nhưng khi tôi hỏi tại sao các sản phẩm không có nhãn mác hoặc nhãn mác không đưa lại thông tin có giá trị gì, thì người bán hàng trả lời: “Hàng này may gia công nên không có mác”! Giá thì “không thể rẻ hơn”, đắt nhất là 25.000 đồng/chiếc.

Ông Trần Đình Hồng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) Hà Tĩnh cho rằng: Đời sống người dân vùng nông thôn còn khó khăn nên yêu cầu chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng cũng đơn giản. Chính vì vậy, nhà phân phối chỉ đưa các sản phẩm chất lượng vừa phải, thậm chí, có một số đối tượng còn đưa hàng giả, hàng quá đát về bán ở đây.

Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của ngành chức năng

Mặc dù thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã nỗ lực trong việc đấu tranh truy quét hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng… nhưng tình trạng này vẫn tồn tại khá phổ biến, đặc biệt là ở thị trường nông thôn. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Thực tế hiện nay, hạ tầng thương mại của tỉnh ta rất kém nên ảnh hưởng đến việc cung cấp hàng hóa quy mô lớn cho thị trường nông thôn. Các ki-ốt, cửa hàng nhỏ, manh mún, dàn trải trên địa bàn nông thôn, miền núi nên rất khó quản lý”.

Tình trạng SXKD hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ tồn tại ở vùng nông thôn mà ở bất cứ nơi nào. Ảnh: Chính Cương
Tình trạng SXKD hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ tồn tại ở vùng nông thôn mà ở bất cứ nơi nào. Ảnh: Chính Cương

Chủ tịch Hội BVQLNTD Trần Đình Hồng cho rằng: “Các ngành chức năng và chính quyền địa phương, nhất là cấp xã và BQL các chợ, gần như thờ ơ trước tình trạng này. Mặc dù, tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 99 của Chính phủ đã nêu rõ, trách nhiệm chính về giải quyết các vấn đề này là của chính quyền xã và BQL các chợ, trung tâm thương mại, nhưng trên thực tế, họ ỷ lại cho quản lý thị trường. Thậm chí, thời gian qua, Hội BVQLNTD tổ chức cấp cân đối chứng miễn phí đặt tại các chợ cho khách hàng so sánh để tránh bị cân đong gian lận nhưng nhiều BQL chợ và xã không hào hứng tiếp nhận”.

Tình trạng SXKD hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ tồn tại ở vùng nông thôn mà ở bất cứ nơi nào. Thiết nghĩ, các ngành chức năng và chính quyền địa phương, BQL các chợ, trung tâm thương mại cần có biện pháp đấu tranh quyết liệt hơn với vấn nạn này nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất chính đáng cũng như bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast