Chuẩn bị đủ điều kiện để trạm kiểm tra tải trọng xe hoạt động hiệu quả

Sáng nay (5-11), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ chủ trì buổi làm việc với các đơn vị, địa phương về kế hoạch kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10-1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng, Bộ GTVT và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất ban hành dự thảo Quy chế phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tại các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ: Cần bố trí đủ trang thiết bị, phương tiện và con người để Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hoạt động hiệu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ: Cần bố trí đủ trang thiết bị, phương tiện và con người để Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hoạt động hiệu quả.

Theo đó, tổ chức cơ cấu bộ máy hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, gồm: Thanh tra giao thông (Sở GTVT), Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh, Bộ CHQS tỉnh, Thanh tra Tổng cục đường bộ Việt Nam đóng trên địa bàn. Lực lượng tham gia điều hành Trạm được chia thành 3 ca, mỗi ca 6 người.

Kinh phí hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động được trích từ quỹ bảo trì đường bộ địa phương 70%, kinh phí xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực ATGT 30%.

Trong 4 ngày (3-26/7/2013), lực lượng liên ngành đã kiểm tra 128 xe ô tô vận tải, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 66 xe vi phạm quá tải cầu đường (chiếm 51%), ra quyết định xử phạt 225 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay Thanh tra GTVT đã lập 851 biên bản xử phạt 1,2 tỷ đồng, trong đó xe quá khổ, quá tải 638 biên bản với số tiền xử phạt 750 triệu đồng.

UBND tỉnh giao Sở GTVT tổ chức 5 bãi hạ tải và kho chứa hàng; trong đó, tuyến quốc lộ 1A được bố trí 2 bãi tại thị xã Hồng Lĩnh và Kỳ Anh, quốc lộ 8A bố trí 1 bãi tại Hương Sơn, đường Hồ Chí Minh 1 bãi tại Hương Khê, quốc lộ 12C bố trí 1 bãi tại Kỳ Anh. Bãi hạ tải, kho chứa hàng phải gần đường, đảm bảo các yếu tố hạ tải an toàn đối với phương tiện và hàng hóa.

Kết luận buổi làm việc Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ yêu cầu các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn và các lái xe.

Đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai đồng loạt công tác kiểm tra xe quá tải trên toàn quốc, đặc biệt là tại các điểm giao nhận hàng, tránh tình trạng tỉnh làm tỉnh không, gây khó khăn trong thực thi nhiệm vụ của các trạm. Trang bị thiết bị cân xe quá tải phải đồng bộ, đồng nhất chủng loại và phải được các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng.

Đề nghị Bộ GTVT ban hành tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương; hướng dẫn về quy trình hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, quyền hạn, kinh phí hoạt động…

Từ nay đến thời điểm các trạm chính thức đi vào hoạt động (dự kiến đầu tháng 1/2014), UBND tỉnh giao các ngành chức năng, các địa phương trên tuyến kiểm tra, khảo sát và thống nhất phương án, địa điểm thành lập các bãi, kho hàng để hạ tải và cất giữ hàng hóa đối với các xe vi phạm; chuẩn bị bố trí đủ trang thiết bị, phương tiện và con người để các Trạm hoạt động hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu đặt ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast