Chung tay đấu tranh, ngăn chặn, loại trừ hàng hóa kém chất lượng!

Nhằm mục đích giúp người tiêu dùng hiểu được bảo vệ quyền lợi của mình không phải chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng xã hội, Ngày Quyền của người tiêu dùng (15/3) được phát động nhằm thúc đẩy công tác bảo vệ người tiêu dùng, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 15/3:

Thực tế tình hình phát triển thị trường hàng hóa trong những năm gần đây cho thấy, trước nhu cầu mua sắm hàng hóa diễn ra ngày một sôi động, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, sản xuất đã cung ứng đầy đủ các mặt hàng đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng và mẫu mã, đáp ứng nhu cầu sản xuất tiêu dùng của nhân dân. Tình trạng găm hàng, đầu cơ hàng hóa cũng từng bước được loại bỏ. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy, tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giải, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thiếu trọng lương, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn xẩy ra phổ biến, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, vi phạm đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Lực lượng QLTT kiểm tra chất lượng, điều kiện an toàn các mặt hàng khí hóa lỏng
Lực lượng QLTT kiểm tra chất lượng, điều kiện an toàn các mặt hàng khí hóa lỏng

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương), năm 2012, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 1660 vụ vi phạm, trong đó có 83 vụ kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; 283 vụ vi phạm nhãn mác; 118 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; 416 trường hợp vi phạm quy định niêm yết giá... Chỉ tính riêng dịp trước, trong và sau tết Quý Tỵ, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 169 vụ vi phạm, tịch thu 36,6kg mực khô, 366 kg gà thịt, 415 kg giò các loại, 1000 gói bánh kẹo và nhiều loại hàng hóa khác.

Những con số thống kê trên cho thấy, thời gian qua mặc dù các lực lượng chức năng trên địa bàn đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thương nhân trong hoạt động kinh, nhưng tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... xẩy ra khá phổ biến. Hơn ai hết, người tiêu dùng chính là đối tượng phải gánh chịu những thiệt thòi mà các hành vi vi phạm mang lại. Những số liệu thống kê trên mới là kết quả vi phạm đã được kịp thời phát hiện, trên thực tế thực trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh buôn bán phức tạp hơn nhiều.

Thực hiện nghiêm túc quy định niêm yết giá, một trong những giải pháp bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng . Ảnh: TL
Thực hiện nghiêm túc quy định niêm yết giá, một trong những giải pháp bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng . Ảnh: TL

Ông Nguyễn Phi Việt – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết, do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế nên chúng ta chưa thể loại bỏ được các hành vi vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bà con nhân dân, nhất là người tiêu dùng ở vùng nông thôn chưa nhận thức đúng quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vì vậy còn dễ dãi trong việc tiếp cận hàng hóa. Thậm chí bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các chiêu trò cạnh tranh.

Theo thống kê, năm 2012, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tổ chức 15 cuộc tập huấn, tuyên truyền pháp luật tiêu dùng cho 2.250 người. Tiếp tục cấp kinh phí trang bị thêm 40 cân đối chứng cho các chợ trên địa bàn, nâng tổng số chợ có điểm cân đối chứng do hội hỗ trợ lên thành 67 chợ. Đồng thời tiếp nhận 50 vụ khiếu nại; tư vẫn, hỗ trợ qua điện thoại 38 ý kiến cho người tiêu dùng. Trong đó đã giải quyết đã giải quyết thành công 38 vụ khiếu nại của người tiêu dùng. Nguyên nhân của những vụ khiếu nại chưa được giải quyết là do thiếu chứng cứ pháp lý, bằng chứng thuyết phục như hóa đơn, chứng từ mua hàng, điều kiện được giao dịch không được cam kết bằng văn bản...

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương – Nguyễn Văn Dũng, để người tiêu dùng nhận thức sâu sắc hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh ý thức được trách nhiệm của họ, chúng ta cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bằng nhiều hình thức phong phú. Thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mỗi người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông thái, nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa sản xuất, tiêu thụ và tiêu dùng. Đấu tranh ngăn chặn, loại trừ hàng hóa kém chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại. Đồng thời mở rộng số lượng các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhằm tăng cường công tác tư vấn, phản biện hỗ trợ người tiêu dùng được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Căn cứ vào Luật Bảo vệ quyền của người tiêu dùng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010, người tiêu dùng được hưởng 8 quyền cơ bản sau:

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast