Chuyển biến chất lượng hoạt động tín dụng ưu đãi

(Baohatinh.vn) - Bước qua giai đoạn nhiều thách thức, 3 năm liên tục (2011-2013), Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh được Ngân hàng CSXH Việt Nam đánh giá là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua toàn hệ thống. Kênh vốn tín dụng ưu đãi đã được vận hành hiệu quả hơn, chất lượng hơn khi Ngân hàng đổi mới công tác quản lý và xây dựng được cơ chế phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cùng các tổ chức chính trị - xã hội.

Đổi mới điều hành

Đi lên từ những bài học đắt giá trong công tác quản lý 5 năm trước, Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh dày công tạo dựng mối đoàn kết bền chặt trong toàn hệ thống, tạo sự đồng thuận cho những bước đổi mới căn bản trong công tác quản lý, điều hành. Nổi bật là việc triển khai hiệu quả quy chế quản lý mới dựa trên sự bàn bạc dân chủ, công khai của toàn thể cán bộ. Trong đó, cơ chế giao khoán cho người lao động và xếp loại cán bộ, đánh giá phong trào thi đua; cơ chế quản lý nợ được triển khai một cách khoa học. Từ đó tạo điểm tựa thực hiện các mục tiêu hoạt động của Chi nhánh, đặc biệt là đối với việc nâng cao chất lượng tín dụng.

Ngân hàng CSXH giải ngân vốn HSSV tại các điểm giao dịch tạo điều kiện thuận lợi cho người vay.
Ngân hàng CSXH giải ngân vốn HSSV tại các điểm giao dịch tạo điều kiện thuận lợi cho người vay.

Những năm gần đây, bên cạnh hoàn thành các chỉ tiêu tín dụng, tăng cường các giải pháp đầu tư vốn đúng đối tượng, Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thị, thành phố thường xuyên rà soát nợ quá hạn của từng xã, thị trấn và lập đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng cho những địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn cao trên 1%. Các giải pháp phối hợp thu hồi nợ quá hạn đã được các phòng giao dịch thực hiện quyết liệt, dứt điểm hàng tháng, nhờ đó không phát sinh nợ tồn đọng, góp phần đưa tỷ lệ nợ quá hạn của toàn Chi nhánh xuống còn 0,2% vào cuối năm 2013, giảm hơn 5 tỷ đồng so với năm 2011.

Một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đó là các điểm giao dịch xã hoạt động ngày càng hiệu quả. Với việc tăng cường cơ sở vật chất, công khai rộng rãi các chính sách tín dụng ưu đãi, tổ chức tốt các giao dịch ngân hàng, các điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận vốn ưu đãi. Tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch đạt 98%, tỷ lệ thu nợ đạt 82%, thu lãi đạt 99%.

Tăng cường phối hợp

Thông qua việc làm tốt vai trò tham mưu, những năm gần đây, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tranh thủ tốt sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT Ngân hàng. Nhiều cuộc họp trực tuyến đã được UBND tỉnh tổ chức với nội dung chủ yếu là chỉ rõ những tồn tại trong công tác thu hồi nợ quá hạn, bàn giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền cơ sở và các tổ chức chính trị xã hội phối hợp tích cực với Ngân hàng để thực hiện. Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đã phát huy tốt vai trò chỉ đạo và kiểm tra giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, sai sót.

Nguồn vốn chính sách xã hội đã giúp nhân dân vùng thượng Kỳ Anh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nguồn vốn chính sách xã hội đã giúp nhân dân vùng thượng Kỳ Anh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Theo ông Lưu Văn Minh - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, nguồn lực quan trọng nhất đó là phần lớn cấp ủy, chính quyền các địa phương đã xác định thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó trực tiếp chỉ đạo và phối hợp tích cực trong suốt quá trình đầu tư nguồn vốn đến việc thực hiện các giải pháp thu hồi nợ quá hạn.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, sự phối hợp giữa cán bộ ngân hàng với các tổ chức chính trị xã hội tham gia nhận ủy thác chặt chẽ hơn với việc thẩm định đối tượng vay một cách chính xác, giám sát các chỉ số tín dụng thường xuyên và tập trung thu hồi nợ quá hạn kịp thời. Đây là cơ sở để Ngân hàng CSXH tiếp tục tăng tỷ lệ dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội lên 99,4% đến thời điểm này.

Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hàng tháng, hội phụ nữ cấp huyện phối hợp với phòng giao dịch ngân hàng CSXH huyện tổ chức giao ban đánh giá kết quả và soát xét, chấn chỉnh sai sót, đồng thời cùng tổ chức kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Đặc biệt, hội phụ nữ chỉ đạo các chi hội trực tiếp tham gia việc thẩm định để nguồn vốn đến đúng đối tượng và tránh được các nguy cơ thất thoát ngay từ đầu. Ở những nơi xảy ra rủi ro nguồn vốn, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh trực tiếp xuống cùng ngân hàng chia sẻ trách nhiệm và xử lý. Nhờ đó, mặc dù dư nợ cho vay ủy thác qua Hội Nông dân chiếm trên 44% tổng dư nợ cho vay ủy thác của Ngân hàng CSXH nhưng tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,12%.

Đối với tổ tiết kiệm và vay vốn - mắt xích quan trọng nhất trong mối quan hệ phối hợp chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Ngân hàng CSXH tỉnh đã liên tục tổ chức đánh giá, xếp loại và thay thế các BQL tổ yếu kém. Đồng thời tăng cường tập huấn nghiệp vụ và trực tiếp theo sát kiểm tra, chấn chỉnh các sai sót một cách kịp thời. Nhờ đó, đến cuối năm 2013, theo kết quả phân loại, đánh giá của Ngân hàng CSXH và các tổ chức nhận ủy thác, toàn tỉnh có 94,3% tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt và khá, 5,7% tổ xếp loại trung bình, không có đơn vị yếu kém.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast