Chuyện mới từ làng lũ Sơn Tân

(Baohatinh.vn) - Người dân Sơn Tân (Hương Sơn) đã quen sống chung với lũ tự bao đời nay nên có kinh nghiệm trong việc né tránh thiên tai. Đặc biệt, họ đã biết vượt lên chính mình để mưu sinh, tồn tại và phát triển. Về Sơn Tân lần này, tôi được nghe thêm nhiều điều thú vị xung quanh làng lũ.

“Dũng sỹ” diệt chuột

Năm nay, Sơn Tân chưa thấy lũ về, nhưng tính “tự vệ” trước lũ thì người dân xứ sở này luôn thường trực. Chủ tịch UBND xã Trần Kim Chi bảo tôi: “Sống giữa “rốn nước” lâu đời, nên gia đình mô cũng biết lo thân phận của mình cả. Ngày trước, dân quá nghèo, nên nhiều người không có tiền sắm nôốc (thuyền lá tre), bây giờ, nôốc phủ khắp làng. Nhưng nôốc mới chỉ là phương tiện để di chuyển người và tài sản thôi, trong phương án né tránh lũ, con người đã khôn ngoan hơn nhiều”.

- Cái khôn của họ là gì anh?

- Là biết làm nhà chòi tránh lũ cho cả người và gia súc.

Anh Chi cùng tôi dạo quanh làng lũ và chia sẻ thêm: Phương án phòng tránh lũ và phòng tránh siêu bão được triển khai ngay từ đầu tháng 5. Chuyện sinh mạng người dân được cấp ủy, chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu. Cùng một lúc, xã phải lo cả việc bảo vệ đê Tân Long, bảo vệ các công trình thủy lợi. Nhưng nỗi lo này đã nhẹ gánh gấp 10 lần nỗi lo của người xưa, bởi đê Tân Long giờ chỉ còn một khúc đê đất ngắn nữa thôi, gần 90% đã xi măng hóa...

Chuyện mới từ làng lũ Sơn Tân ảnh 1

Núi Thiên Nhẫn trầm mặc in bóng trên dòng Ngàn Phố (đoạn qua Sơn Tân). Ảnh: Thanh Hoài

Trong ánh nắng dịu vàng, tôi đi ra lối xóm nằm cận kề sông Ngàn Phố thấy mướt mát màu xanh. Sông xanh, đồng xanh, lũy tre xanh. Thấp thoáng dưới bóng tre làng mát rượi là những ngôi nhà cao tầng còn tươi màu ngói. Không ít gia đình đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, thuê xe, thuê thợ đổ cát, đổ gạch, tu sửa hoàn chỉnh công trình. Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Đặng Bá Giáp đi cùng tôi bảo: “Cách đây 10 năm, Sơn Tân chỉ có khoảng 10 gia đình có nhà tránh lũ cho người và gia súc, nhưng đến năm 2015, số nhà theo kiểu này đã lên tới 300 cái. Đại đa số họ tự bỏ vốn làm, cả xã chỉ có 2 hộ quá khó khăn phải hỗ trợ”.

Cánh đồng đậu vụ hè thu đã thu hoạch vãn, qua làn khói xanh lơ và ánh lửa đỏ với những tiếng nổ lép bép của đống cây cỏ khô, tôi vẫn nhìn rõ 2 cha con đang lúi húi đào. Không phải họ đào đất mà đào sâu vào hang ổ chuột. Tôi lại gần, người đàn ông mặc chiếc áo tô châu bạc phếch và chiếc quần cộc màu hạt nhãn, nở nụ cười hiền lành: “Chuột ở đây nhiều vô kể bác ơi, nhưng hắn không thể thoát. Hắn chui vô mô, chúng em đều biết cả, phát hiện được là nện luôn, không cần bẫy sắt, bẫy thép gì hết”. Cầm trên tay một xâu chuột dài, sau vài phút trao đổi, người đàn ông tự giới thiệu tên là Đinh Tiến ở xóm Tân Tiến.

- Ồ, anh có phải “dũng sĩ diệt chuột” đạt kỷ lục 252 con trong chiến dịch ra quân ngày 17/10 vừa rồi của xã phải không?

- Ai nói với bác rứa?

- Thì cán bộ xã báo cáo chứ còn ai, họ liệt kê danh sách từng hộ, từng thôn đây này.

Đinh Tiến nhíu lông mày, thả cây cuốc trên tay xuống bờ ruộng rồi nhoẻn miệng cười khi tôi lấy trong cặp ra một trang in sẵn: “Xã Sơn Tân đề nghị huyện Hương Sơn khen thưởng cho địa phương với thành tích từ ngày 17/10 - 19/10/2015 đã diệt được 7.000 con chuột. Đề nghị khen thưởng cho 2 cá nhân ông Đinh Tiến (thôn Tân Tiến) diệt được 252 con, ông Trần Dương thôn Tân Hồ diệt được 250 con”.

Bất giác, tôi nhớ đến câu chuyện “thưởng đuôi chuột” do ông chủ tịch huyện Hương Sơn khởi xướng cách đây hơn 10 năm. Cứ “mỗi đuôi chuột” được thưởng 1.000 đồng. Với phát kiến này, chỉ sau 2 tháng phát động, xã Sơn Tân dẫn đầu huyện với gần 1,2 triệu “đuôi chuột”.

Đương nhiên, chuột “đi” thì mùa màng mới tốt tươi.

Làng nhiều trâu đen, bò vàng

“Dân ở đây hươu, dê nuôi không nhiều, thỏ cũng chưa mấy ai nuôi. Riêng khoản trâu, bò, nhà không có tiền cũng cố vay vốn ngân hàng để nuôi. Dân Sơn Tân vay, trả nghiêm túc, sòng phẳng nên được các ngân hàng tin tưởng. Cả xã hiện có hàng trăm hộ nuôi với tổng đàn hơn 600 con. Họ thích nhất nuôi bò lai sind, vì giống bò này vừa to khỏe, vừa mắn đẻ”.

Ông Nguyễn Văn Cầm - Bí thư Đảng ủy xã say sưa kể về chuyện nuôi bò rầm rộ của nhân dân trong xã thời gian gần đây. Riêng ông làm công tác ở xã, bận bịu suốt ngày nhưng gia đình cũng tận dụng đất, vườn, thời gian để chăm sóc con bò lai trong chuồng. Bởi một con bò lai đẻ ra một chú bê con, sau 3 tháng chăm sóc, gia chủ có thể “ẵm” hơn chục triệu đồng. Những người nông dân ngàn đời sống chung với lũ ở đất Sơn Tân nghiệm ra rằng, không có vật nuôi nào có độ an toàn cao hơn bò. Bởi sau mỗi mùa lũ, nơi đây phù sa bồi lắng, vạn vật tiếp tục hồi sinh, đất mát không chỉ có bờ soi, bờ ruộng cỏ lên xanh rứng rức mà cây trong vườn cũng thỏa sức đâm cành, sai quả. Trâu, bò ăn cỏ bên bãi bờ sông Ngàn Phố, trên bờ ruộng, rồi cứ thế mà phổng phao, phát triển.

Chuyện mới từ làng lũ Sơn Tân ảnh 2

Người dân Sơn Tân phát quang hành lang giao thông nông thôn. Ảnh: Thanh Hoài

Người dân Sơn Tân phát quang hành lang giao thông nông thôn. Ảnh: Thanh Hoài

Anh Trần Hữu Linh (thôn Tân Thắng) hiện nuôi 2 con bò nái lai cho biết: Một trong những người chăn nuôi bò lai có kinh nghiệm nhất trong xã là ông Lê Chí Thành. Nhiều năm nay đeo đuổi nghiệp nuôi bò lai, đời sống gia đình ông Thành sung túc hẳn. Hiện tại, gia đình ông nuôi 3 con bò nái lai, mỗi năm ít nhất cũng thu lãi 30-40 triệu đồng.

Xế chiều, tôi rời trụ sở xã Sơn Tân. Dọc con đường liên thôn, tôi phải dừng xe máy mất hàng chục phút, bởi hết nhóm trâu này đến nhóm bò khác đủng đỉnh về chuồng… Bất giác, tôi lại nhớ tới câu nói của vị Chủ tịch UBND xã Trần Kim Chi: “Đất đai canh tác rộng, đất tự nhiên dồi dào, cả xã mới có hơn 600 con trâu, bò thì chưa giàu được. Phải có sự hỗ trợ thật mạnh từ ngân hàng cùng nhiều chính sách đồng bộ khác thì dân “rốn lũ” mới phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình, giống như cánh diều khi bay lên nhờ ngọn gió... “.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast