Công trình … “ném tiền qua cửa sổ” !

Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là những công trình chủ yếu được xây dựng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia NSVSMT nông thôn và người dân đóng góp với số tiền hàng tỷ đồng. Song có những công trình xây xong rồi … “vứt” đấy, khiến hàng tỷ đồng của nhà nước và của dân bị … “ném qua cửa sổ.. Chuyện xẩy ra ở Cương Gián (Nghi Xuân) và Tân Lộc (Lộc Hà)…

Xây xong để...ngắm !

Công trình cấp nước sinh hoạt ở xã Cương Gián (Nghi Xuân) được bàn giao vào năm 2006, với tổng mức đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn do dân đóng góp là 900 triệu đồng). Theo thiết kế, công trình xây xong sẽ cấp nước sinh hoạt cho 773 hộ dân của 4 thôn ở Cương Gián. Các hạng mục, khối lượng chủ yếu của công trình gồm: giếng khoan khai thác nước ngầm (6 giếng = công suất 350m3/ngđ), trạm bơm cấp II (công suất 350m3/ngđ) cấp nước vào mạng lưới phân phối, bể chứa nước 100m3 bằng bê tông, cốt thép, nhà điều hành, tuyến ống chính, máy bơm….

Sau 6 năm "đắp chiếu", Công trình cấp nước sinh hoạt ở Cương Gián giờ đã xuống cấp nghiêm trọng; bể chứa nước thành nơi phơi củi, hệ thống xử lý nước hoen rỉ ...
Sau 6 năm "đắp chiếu", Công trình cấp nước sinh hoạt ở Cương Gián giờ đã xuống cấp nghiêm trọng; bể chứa nước thành nơi phơi củi, hệ thống xử lý nước hoen rỉ ...

Năm 2006, công trình được hoàn thành, bàn giao cho chủ đầu tư là HTX điện Cương Gián. Tuy nhiên, sau một tháng vận hành chạy thử, nước bơm lên không sử dụng được vì có màu vàng khệt, hơi mặn, người dân đem nấu nước chè thì nước chè chuyển sang màu đỏ sẫm. UBND xã, Chủ đầu tư đã làm văn bản kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm. Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó chủ tịch UBND xã Cương Gián cho rằng: sở dĩ nước vàng như vậy là do phèn nhiều, hệ thống nước ngầm ở đây đã bị nhiễm phèn nặng. Còn theo ông Nguyễn Viết Nhất – Giám đốc Trung tâm NSVSMT Hà Tĩnh thì nguồn nước ngầm phục vụ hệ thống cấp nước sinh hoạt ở Cương Gián có khả năng chứa nhiều axít sắt nên nước bơm lên mới ngả màu vàng, trong khi đó với công nghệ hiện tại của công trình thì chưa thể xử lý triệt để được.

Như vậy là ngoài thời gian chạy thử, kể từ khi hoàn thành, bàn giao công trình đến nay, Công trình cấp nước sinh hoạt của xã Cương Gián không sử dụng được. Sau 6 năm “đắp chiếu”, giờ đây bể chứa nước thành nơi phơi củi, hệ thống xử lý, trạm bơm hoen rỉ, hàng đống thiết bị đắp chiếu nằm lỏng chỏng mốc meo, xuống cấp nghiêm trọng… Hơn 2,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng đã không hề phát huy được tác dụng. Điều xót xa là trong số 773 hộ dân đóng góp xây dựng công trình, có đến 125 hộ thuộc diện khó khăn phải nhờ Hội phụ nữ xã đứng ra tín chấp vay gần 119 triệu từ dự án của Hội LHPN tỉnh. Do nhà máy nước không vận hành sử dụng được nên số tiền này trở thành “cục nợ” bất đắc dĩ của Hội phụ nữ xã. “Không còn cách nào khác, chúng tôi phải làm đơn đề nghị tỉnh xóa nợ cho hội viên” - Bà Hoàng Thị Hoa, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cương Gián ngao ngán.

Danh sách các hộ dân nộp tiền xây dựng công trình ....và đơn xin ... xóa nợ của UBND xã Cương Gián Danh sách các hộ dân nộp tiền xây dựng công trình ....và đơn xin ... xóa nợ của UBND xã Cương Gián
Danh sách các hộ dân nộp tiền xây dựng công trình ....và đơn xin ... xóa nợ của UBND xã Cương Gián

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân hết sức bức xúc trước sự lãng phí; tai hại từ việc đầu tư xây dựng công trình này. Ông Trần Đức Long, thôn trưởng thôn Ngư Tịnh (một trong 4 thôn theo dự kiến sẽ được hưởng lợi từ công trình) bức bối: Cưong Gián chúng tôi đất chật người đông, môi trường ngày càng bị ô nhiễm nên nghe nói được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch là mừng hết chổ nói, chưa có tiền cũng phải đi vay, mượn tiền để nộp cho xã xây công trình, ai ngờ nước sạch thì không thấy, chỉ thấy nước “bẩn”… Rứa là “toi” mất cả đống tiền của bà con chúng tôi rồi !”. Không chỉ ngao ngán với chất lượng nước sạch của công trình, mà còn ngao ngán với cách lựa chọn địa điểm xây dựng, khoan lấy nước ngầm. “Đặt chỗ sạch sẽ, thơm tho thì không đặt, ai đời lại chọn địa điểm gần trạm xá (trước đây) và gần chợ. Nói thật với các chú, nước khoan lên bị nhiễm phèn không sử dụng được, chứ giả sử có sử dụng được thì mấy ai mà dám dùng ?!” – ông H, thôn Đông Tây bức bối.

Sự xuống cấp ở công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Lộc
Sự xuống cấp ở công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Lộc

Tương tự như ở Cương Gián, công trình cấp nước sinh hoạt ở xã Tân Lộc (Lộc Hà) được hoàn tất vào năm 2008 với số vốn gần 3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia NSVSMT là gần 1,9 tỷ đồng, vốn do dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng). Song cũng từ đó đến nay công trình này không đưa vào sử dụng được bởi lý do là chưa thể nghiệm thu, quyết toán được. Nguyên nhân được chủ đầu tư viện giải là do không thể liên hệ được với tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát A nên không nghiệm thu được (hiện tại chủ đầu tư còn nợ tiền 2 đơn vị này), do công tác quản lý điều hành nghiệm thu, quyết toán, huy động nguồn lực, phân khai nguồn vốn của người đứng đầu chưa tập trung cao độ để giải quyết, xử lý. Vì không sử dụng nên nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Bể chứa, bể lọc hoang mốc, hôi hám, nhà quản lý nhiều chỗ bể hết ngói, dột nát, ống hút của công trình bị vùi lấp, hệ thống ống chính nhiều nơi bị vỡ, hư hỏng…

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó chủ tịch UBND xã Cương Gián cho rằng: chủ đầu tư đã thuê các đơn vị tư vấn, khảo sát thiết kế đàng hoàng. Mẫu nước ngầm cũng đã được đưa đi xét nghiệm trước khi đặt công trình. Nói chung là các thủ tục, hồ sơ đều cho phép đủ điều kiện để thi công công trình. Còn ông Hoàng Mạnh Trung - Chủ tịch UBND xã Tân Lộc thì thừa nhận: để xẩy ra tình trạng “dở sống, dở chết” tại công trình cấp nước sinh hoạt là do công tác quản lý điều hành nghiệm thu, quyết toán, huy động nguồn lực, phân khai nguồn vốn của người đứng đầu chưa tập trung cao độ để giải quyết, xử lý. “Người đứng đầu” ở đây chính là ông Phan Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã tại thời điểm đầu tư, xây dựng công trình. Ông Sơn hiện là Chủ tịch MTTQ xã Tân Lộc.

Ông Hoàng Mạnh Trung (trái) - Chủ tịch UBND xã Tân Lộc: "Để xẩy ra tình trạng “dở sống, dở chết” tại công trình cấp nước sinh hoạt là do công tác quản lý điều hành nghiệm thu, quyết toán, huy động nguồn lực, phân khai nguồn vốn của người đứng đầu chưa tập trung cao độ để giải quyết, xử lý.

Ông Hoàng Mạnh Trung (trái) - Chủ tịch UBND xã Tân Lộc: "Để xẩy ra tình trạng “dở sống, dở chết” tại công trình cấp nước sinh hoạt là do công tác quản lý điều hành nghiệm thu, quyết toán, huy động nguồn lực, phân khai nguồn vốn của người đứng đầu chưa tập trung cao độ để giải quyết, xử lý.

Ông Nguyễn Viết Nhất – Giám đốc Trung tâm NSVSMT Hà Tĩnh cho rằng: việc để xẩy ra tình trạng người dân không tin dùng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước ở Cương Gián trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Ban quản lý dự án của tỉnh giao cho địa phương lựa chọn địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng và việc lựa chọn khảo sát, thiết kế cũng do chủ đầu tư chịu trách nhiệm.

Đúng là trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư, song theo chúng tôi, không thể không đề cập đến trách nhiệm của cơ quan chủ quản đầu tư. Nếu cơ quan chủ quản đầu tư có sự giám sát hiệu quả các khâu trong quá trình lựa chọn địa điểm đầu tư, việc sử dụng, triển khai nguồn vốn thì các công trình trên liệu có rơi vào tình trạng “ném tiền qua cửa sổ” ?!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast