Cửa Sót cạn luồng, ngư dân khốn khó!

Thời gian qua, bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh hết sức lo lắng trước thực trạng lạch Cửa Sót, xã Thạch Kim (Lộc Hà) bị bồi lắng, khô cạn khi triều xuống. Hệ lụy là hoạt động khai thác, thu mua, chế biến hải sản bị đình trệ, các dịch vụ kinh doanh trong và ngoài khu vực cảng cá kém hiệu quả. Nguy hiểm hơn, Cửa Sót sẽ không còn là nơi trú ẩn an toàn những khi biển động…

Vã mồ hôi đưa tàu ra, vào cảng

Nhiều tàu thuyền mắc cạn, nằm phơi mình trên cát ngay lạch chính vào cảng

Nhiều tàu thuyền mắc cạn, nằm phơi mình trên cát ngay lạch chính vào cảng

Một sáng thượng tuần tháng 4, chúng tôi có mặt tại cảng cá Thạch Kim. Thay vì chứng kiến hàng trăm tàu thuyền lớn, nhỏ tấp nập đưa những mẻ cá lớn lên bờ sau mỗi chuyến biển là quang cảnh hết sức vắng vẻ, ảm đạm. Ngay từ lạch chính Cửa Sót, hàng chục tàu cá công suất từ 48-90 CV đang mắc cạn, nằm phơi mình trên cát. Trên bến cảng không một bóng người, còn dưới thuyền, từng tốp ngư dân tụm năm, tụm ba đánh bài hoặc uể oải vá lưới.

Chỉ vào tàu cá 48 CV đang phơi mình giữa lạch, ngư dân Phạm Văn Phú (xã Thạch Kim) than thở: “Sau nhiều ngày vất vả trên biển khai thác hải sản, chúng tôi chỉ mong sao vào bờ thật nhanh, an toàn để bán sản phẩm. Thế nhưng, khi vào đến cửa lạch lại bị mắc cạn. Để có thể bán được sản phẩm, chúng tôi buộc phải thuê các thuyền nhỏ tăng-bo hàng hóa. Vì vậy, chi phí cho mỗi chuyến đi biển giờ đây tăng thêm hàng triệu đồng”.

Theo ông Phú, cát bồi ngày một dày thêm, kéo dài hàng chục mét, khiến luồng vào cảng cạn và hẹp lại. Không chỉ khó khăn khi vào, mà khi ra khơi, ngư dân cũng vất vả không kém. Đã có hàng chục chiếc tàu của ngư dân bị gãy chân vịt, cong trục do luồng lạch cạn, phải nằm lại sửa chữa mất thời gian và tốn hàng triệu đồng. Bà con ngư dân đang thiệt đơn thiệt kép.

Cửa Sót là cảng cá lớn nhất của Hà Tĩnh và luôn tấp nập tàu thuyền. Nếu những năm trước, các loại tàu có công suất từ 200-300 CV đều dễ dàng ra vào cảng thì thời gian gần đây, do tình trạng bồi lắng luồng lạch, khiến tàu thuyền có công suất dưới 90 CV ra, vào cảng cũng rất khó khăn.

Nhiều tàu thuyền bị gãy chân vịt, cong cần trục do luồng lạch cạn phải vào xưởng sửa chữa.

Nhiều tàu thuyền bị gãy chân vịt, cong cần trục do luồng lạch cạn phải vào xưởng sửa chữa.

Ông Hà Minh Tân – Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Thạch Kim có 127 phương tiện tàu thuyền với 1.200 lao động đánh bắt trên biển. Tổng sản lượng khai thác năm 2012 đạt gần 2.000 tấn, doanh thu 51 tỷ đồng. Mặc dù thu nhập từ đánh bắt hải sản chỉ chiếm 25% thu nhập của toàn xã, nhưng nghề này kéo theo 75% thu nhập từ các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề biển như: chế biến hải sản, cung cấp ngư lưới cụ, vật tư, sửa chữa đóng mới tàu thuyền… Việc luồng lạch bị bồi lắng không chỉ gây khó khăn đối với những ngư dân trực tiếp đi biển mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với sự phát triển chung của địa phương”.

Theo thống kê của BQL các cảng cá Hà Tĩnh, từ cuối năm 2012 đến nay, có trên 100 tàu cá công suất từ 48-90 CV mắc cạn mỗi khi ra vào cảng Cửa Sót, gây thiệt hại rất lớn về tàu và sản phẩm đánh bắt của ngư dân.

Khu tránh bão cũng không an toàn?

Ngoài chức năng là một cảng cá, Cửa Sót còn là âu thuyền tránh, trú an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão. Thế nhưng, cả 2 chức năng này giờ đã hạn chế nhiều, thậm chí nhiều lúc còn không an toàn nữa.

Luồng lạch vào cảng Cửa Sót bị cát bồi lấp khiến tàu thuyền khó khăn ra, vào cảng, nguy cơ mất an toàn khi vào tránh, trú bão.

Luồng lạch vào cảng Cửa Sót bị cát bồi lấp khiến tàu thuyền khó khăn ra, vào cảng, nguy cơ mất an toàn khi vào tránh, trú bão.

Ông Hoàng Đình Thương, chủ tàu cá số hiệu NA 2307-TS (Nghệ An), kể: “Ngày 31/3, nhận được tin biển động, chúng tôi vội vàng quay tàu vào bờ trú ẩn theo điểm gần nhất là cảng Cửa Sót. 13h tàu vào đến lạch Cửa Sót nhưng do lạch vào cảng quá cạn lại không có triều cường nên bị mắc kẹt. Anh em trên tàu phải dùng sào tập trung đẩy và tăng hết công suất cho tàu vượt qua các bãi cát ngầm. Vật lộn đến 18h tàu mới vào được cảng. Hôm đó, mực nước chỉ sâu 0,5-1m, trong khi để tàu thuyền có thể ra vào an toàn, mực nước phải có độ sâu từ 2,5m trở lên, nếu tàu vào ban đêm thì sẽ bị lật. Chúng tôi tưởng vào trú ẩn được an toàn nhưng thật ra khu trú ẩn này cũng không an toàn chút nào”.

Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: Theo thiết kế, luồng vào cảng và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Sót đảm bảo cho tàu trên 300 CV ra vào an toàn. Hiện nay, tàu có công suất từ 48 CV trở lên muốn vào cảng phải chờ lúc triều to. Tuy nhiên, 1 ngày chỉ có vài giờ có triều cường, do đó, việc tàu thuyền ra vào cảng rất khó khăn. Đặc biệt, về mùa mưa bão rất khó khăn và nguy hiểm cho tàu thuyền vào trú ẩn.

Theo ông Sơn, luồng chính vào cảng chỉ có tàu 30 CV vào được, còn lại những tàu công suất lớn hơn phải chạy đường vòng từ lạch phụ dài hơn 3 km về cảng nhưng đợt này cũng rất khó qua. Hơn 10 năm nay không được nạo vét, đất cát từ thượng nguồn đổ về, khiến luồng lạch bị cạn và chiều rộng của lạch cũng hẹp dần, còn 20-30m.

Việc luồng lạch bị bồi lắng không chỉ gây khó khăn đối với những ngư dân trực tiếp đi biển mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với các dịch vụ hậu cần nghề cá

Việc luồng lạch bị bồi lắng không chỉ gây khó khăn đối với những ngư dân trực tiếp đi biển mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đối với các dịch vụ hậu cần nghề cá

Mỗi năm, cảng cá - âu thuyền Thạch Kim đón hàng chục nghìn lượt tàu thuyền vào nhập hàng và tránh trú bão. Với khoảng 3.000 tấn hải sản thông qua cảng Cửa Sót mỗi năm đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương. Thế nhưng, thời gian gần đây, do luồng cạn, khiến tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh và các tỉnh bạn ra vào khó khăn nên có không ít chủ tàu “quay lưng” với hải cảng đầy sôi động này.

Nếu tình trạng cạn luồng Cửa Sót không sớm được khắc phục thì không chỉ ảnh hưởng đến chủ trương “vươn khơi bám biển, làm giàu, làm chủ biển đảo Tổ quốc” của ngư dân, mà hàng ngàn lao động và các dịch vụ hậu cần trên bờ sẽ đối diện với nhiều khó khăn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast