Cước vận tải chưa tăng theo giá xăng dầu

Sau 20 ngày xăng dầu tăng giá, hầu hết các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn đang giữ nguyên cước phí, chấp nhận hạn chế lợi nhuận.

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn chưa tăng giá vé, chấp nhận hạn chế lợi nhuận

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn chưa tăng giá vé, chấp nhận hạn chế lợi nhuận

Trong tháng 8, đã có 3 đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu (ngày 1, 13 và 28). Mức chênh lệch giữa đợt 1 và đợt 3 có biên độ khá lớn. Đối với xăng A92 là 1.790 đồng/lít, xăng A95 là 1.750 đồng/lít; đối với dầu diezen là 1.050 đồng/ lít.

Mặc dù xăng dầu chiếm đến 40% – 50% giá thành vận tải nhưng hiện nay các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh vẫn đang nghe ngóng diễn biến thị trường xăng dầu và chưa có quyết định tăng giá.

Bà Nguyễn Thị An – cán bộ phòng quản lý giá, Sở Tài chính cho biết, đến thời điểm này (16/9), chưa có đơn vị vận tải nào nộp đơn kê khai đăng ký tăng giá vé.

Theo bà An, phương án giá của các doanh nghiệp vận tải phải đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 129 của liên Bộ Tài chính - Giao thông Vận tải để tránh tình trạng lợi dụng việc sự biến động của giá xăng, dầu để tăng giá cước bất hợp lý.

Ông Hồ Quốc Cường – Giám đốc điều hành taixi Mai Linh Hà Tĩnh cho biết, sau khi giá xăng tăng 1.100 đồng/lít vào chiều 13-8, để bù đắp chi phí, từ ngày 20/8, taxi Mai Linh đã có điều chỉnh cước tương ứng, tăng giá cước từ 800 - 1.000 đồng/km (tùy loại xe). Nhưng sau lần tăng giá ngày 28/8 vừa qua, cho đến nay, giá cước này vẫn giữ nguyên.

“Với 138 đầu xe, bình quân mỗi ngày doanh nghiệp chúng tôi tiêu thụ 1.000 lít xăng, đồng nghĩa phải giảm lợi nhuận, bù lỗ 6,5 triệu đồng/ngày so với trước thời điểm tăng giá xăng (28/8)”- ông Cường nói.

Mỗi lần điều chỉnh giá cước các doanh nghiệp taxi còn phải mất chi phí và thời gian cho việc kiểm định đồng hồ

Mỗi lần điều chỉnh giá cước các doanh nghiệp taxi còn phải mất chi phí và thời gian cho việc kiểm định đồng hồ

Ông Trần Văn Sỹ – Giám đốc công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh cho biết: “Mặc dù giá xăng dầu tăng nhưng chúng tôi vẫn chưa tăng cước phí cho các tuyến vận tải hành khách trong và ngoài tỉnh. Với 40 đầu xe buyt chạy tuyến Hà Tĩnh – Vinh và Hà Tĩnh - Vũng Áng mỗi ngày chúng tôi phải bù lỗ 5 triệu đồng. Hiện tại, cước phí tuyến Hà Tĩnh – Vinh, Hà Tĩnh - Vũng Áng vẫn giữ mức giá 27.000 - 28.000 đồng/người.

“Mặc dù doanh nghiệp chúng tôi đã rất cố gắng trong tiết giảm các chi phí khác, song đến một lúc nào đó không thể tiết giảm nổi nữa thì cũng phải đệ trình với các cơ quan quản lý cho phép điều chỉnh giá” - ông Sỹ chia sẻ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Tĩnh, hiện tại, trên địa bàn có khoảng gần 1.000 đầu xe vận tải hành khách, trong đó taxi chiếm hơn 50% số xe. Ông Trần Quôc Toản – Chủ tịch Hiệp hội cho biết, đến thời điểm này chưa có đơn vị nào báo cáo đề nghị tăng giá vé. Theo nhận định của ông Toản, giá cước sẽ không có sự điều chỉnh bởi giá xăng dầu tăng giảm liên tục nên doanh nghiệp vận tải cũng phải tính toán hợp lý, tránh tác động đến giá cước. Một lý do khác nữa là hầu hết các đơn vị vận tải đều đã tăng cước sau khi giá xăng dầu tăng vào thời điểm ngày 13/8.

Khi xăng dầu điều chỉnh giá, dù tăng hay giảm các DN vận tải đều phải đau đầu trong việc chỉnh giá sao cho phù hợp với đầu vào và cạnh tranh được trên thị trường với các DN cùng lĩnh vực. Đối với DN vận tải hành khách tuyến cố định, phải mất thời gian làm thủ tục đăng ký, kê khai lại giá cước và tốn một phần không nhỏ chi phí in lại vé theo giá mới và điều chỉnh đồng hồ (đối với taxi).

Theo ông Trần Văn Sỹ – Giám đốc công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh, mỗi lần in vé tốn hàng trăm triệu đồng, và để sử dụng hết số lượng vé đã in phải mất ít nhất 2 tháng, đó là chưa kể mất thời gian đăng ký, kê khai lại giá cước.

Dù doanh nghiệp rất cố gắng trong tiết giảm các chi phí khác, song đến một lúc nào đó cũng phải đệ trình với các cơ quan quản lý cho phép điều chỉnh giá

Dù doanh nghiệp rất cố gắng trong tiết giảm các chi phí khác, song đến một lúc nào đó cũng phải đệ trình với các cơ quan quản lý cho phép điều chỉnh giá

Đồng cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp taxi còn phải thêm chi phí và thời gian cho việc kiểm định đồng hồ. Ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc công ty CP Taxi Hà Tĩnh cho biết, doanh nghiệp ông có 50 đầu xe, mỗi lần điều chỉnh đồng hồ phải ra tận chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Nghệ An để làm (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Hà Tĩnh mới thực hiện công tác kiểm định tháng 8 – P.V). Và, mỗi lần điều chỉnh đó, doanh nghiệp phải mất 10 triệu đồng, chưa kể mất thời gian chờ đợi và quảng đường ra Nghệ An.

Trước những khó khăn mà ngành vận tải đang phải đối mặt, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp thiết thực để đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast