Đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trong mùa mưa bão

(Baohatinh.vn) - Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn tàu cá loại nhỏ; nhiều cửa lạch bị bồi lắng là những khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn hoạt động mùa mưa bão. Trước thực trạng trên, Tiểu ban An toàn nghề cá cùng các địa phương triển khai phương án chủ động ứng phó kịp thời khi xẩy ra sự cố.

Theo ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, toàn tỉnh có 3.717 tàu cá, với hơn 14.054 lao động trực tiếp khai thác hải sản; trong đó, tàu có công suất dưới 20 CV chiếm 2/3. Đây là những tàu có nguy cơ xẩy ra tai nạn cao, đặc biệt lúc có gió to, lốc xoáy khi đang đánh bắt hải sản trên biển. Lo lắng hơn, khu neo đậu tránh trú bão Kỳ Hà và Xuân Hội đang triển khai xây dựng, trong khi đó, hầu hết các cửa lạch bị bồi lắng, gây khó khăn cho tàu cá ra vào hoạt động, đặc biệt không có chỗ neo đậu trú ẩn khi mưa bão. Ngoài ra, việc mua sắm các trang thiết bị đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hết sức khó khăn; đội ngũ, phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác đảm bảo an toàn từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế.

Tàu thuyền neo đậu vào âu trú bão tại xã Thạch Kim (LộcHà)

Tàu thuyền neo đậu vào âu trú bão tại xã Thạch Kim (LộcHà)

Với thực trạng trên, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển cùng với các địa phương đã chủ động xây dựng phương án nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân do thiên tai, bão lụt gây ra. Trước mùa mưa bão, 5 huyện ven biển tiến hành kiểm tra công tác phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tại các xã để khắc phục kịp thời các hạn chế; rà soát, nắm chắc số lượng tàu cá, lao động trên tàu, chủ động triển khai các phương án kêu gọi tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão khi có tình huống xảy ra.

Ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: Nghi Xuân hiện có 850 tàu thuyền các loại với 1.950 lao động trực tiếp khai thác trên biển và trên sông; 2 cửa lạch: cửa Hội (Xuân Hội) và Đồng Kèn (Cương Gián). Trong đó, lạch Đồng Kèn vừa hẹp lại vừa lắng cạn nên khó khăn cho tàu thuyền trú ẩn khi có bão, lụt xẩy ra. Hầu hết tàu thuyền các xã ven biển khi có bão đều tập trung neo đậu ở các bến khác. Để đảm bảo an toàn, huyện chủ động xây dựng phương án: đối với các loại tàu có công suất trên 90 CV, khi xẩy ra bão cấp 8 đến cấp 12, trú ẩn từ cảng cá Xuân Phổ đến neo đậu tại bến Hồng Nhất (Xuân Giang) và có thể ở xã Đức Vĩnh

(Đức Thọ); tàu từ 20-90 CV trú ẩn tại các cảng Xuân Hội, Xuân Phổ và bến Giang Đình, Xuân Liên, Cương Gián... Riêng loại tàu công suất dưới 20 CV, huy động lực lượng kéo sâu vào bến bãi ở các vùng biển theo quy định và neo đậu chắc chắn.

Cũng theo ông Trần Xuân Hoàng, việc chủ động phương án cứu nạn, cứu hộ là hết sức quan trọng nhằm ứng phó kịp thời khi có bất trắc xẩy ra. Theo đó, các huyện ven biển tổ chức ký hợp đồng trách nhiệm với các đội tàu cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương; chủ động tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có tai nạn tàu cá xẩy ra trên địa bàn. Trong trường hợp vượt quá khả năng, các địa phương ven biển đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - TKCN tỉnh tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Huyện Nghi Xuân chủ động bố trí 20 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên làm phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, mỗi huyện sử dụng 20 tàu cá có công suất trên 50 CV thuộc các xã Thạch Kim, Thạch Bằng và tàu kiểm ngư của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản làm phương tiện TKCN. Riêng tàu cá loại nhỏ tại 30 xã ven biển, mỗi xã thành lập một đội từ 25-30 người để tổ chức kéo tàu lên bờ khi có bão, áp thấp xẩy ra.

Mạng lưới thông tin liên lạc (điện thoại, fax) đảm bảo hiệu quả trong quá trình chỉ đạo, ứng phó với các tình huống, đặc biệt là 6 máy Icom tại các địa phương, đơn vị và 5 thiết bị kết nối vệ tinh trên các tàu đánh bắt xa bờ. Tiểu ban An toàn nghề cá phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, hỗ trợ, trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cho người và tàu cá như: phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, đèn, còi, trang thiết bị chống cháy, chống chìm... theo tiêu chuẩn; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển. Trong những ngày có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, Tiểu ban tổ chức thường trực 24/24h, tiếp nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, các ngành có thẩm quyền để phối hợp chỉ đạo cơ sở, ngư dân triển khai phương án phòng tránh bão một cách hiệu quả nhất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast