Đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão

(Baohatinh.vn) - Hàng trăm hồ đập, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp chưa đáp ứng yêu cầu. Trước thực trạng trên, các đơn vị, địa phương đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn công trình hồ đập trong mùa mưa lũ năm nay.

Nguy cơ mất an toàn

Theo khảo sát mới nhất của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có 345 đập của hồ chứa thì 129 đập bị thấm, trong đó, có nhiều đập thấm lớn, nước chảy thành dòng. Đối với những hồ chứa có hệ thống tràn xả lũ, mặc dù đã được gia cố bằng đá xây và bê tông nhưng hiện nay, nhiều tràn đã hư hỏng, đặc biệt, có 55 tràn xả lũ hư hỏng thân tràn, xói lở tiêu năng; 141 hồ chứa là tràn đất tự nhiên bị xói lở và không đảm bảo khả năng tiêu thoát.

Hệ thống vận hành, điều tiết nước cũng rất đáng lo ngại. Trong tổng số các hồ chứa hiện nay, chỉ 4 hồ chứa có cống vận hành bằng điện, còn lại bằng thủ công. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cống đã bị hư hỏng phần bê tông, khớp nối không đảm bảo an toàn. Hệ thống điều tiết (cửa cống) một số hồ chứa đã hư hỏng không còn khả năng giữ nước, chảy liên tục quanh năm như: hồ Sao Nha, đập Áng (Vũ Quang); Khe Dẻ, Cao Thắng, Vực Rồng (Hương Sơn); đập Làng (Phú Gia - Hương Khê)... Ngoài ra, 170 cống dưới đập không có cầu công tác để quản lý, vận hành, mỗi lần điều tiết phải dùng thuyền, thậm chí, bơi ra đóng mở.

Đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão ảnh 1

Các địa phương, đơn vị cần kiểm tra, khảo sát các hạng mục công trình để tập trung xử lý hư hỏng, đảm bảo an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du. (Trong ảnh: Thủy điện Hố Hô xả lũ)

Ông Trần Duy Chiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Phần lớn các hồ chứa xuống cấp đều được xây dựng cách đây 40-50 năm (đặc biệt là các hồ chứa nhỏ). Thời điểm đó, do điều kiện, phương tiện thi công còn thiếu và yếu, đặc biệt là về thủy văn, tài liệu đo đạc chưa đầy đủ, quá trình lập hồ sơ dự án và thiết kế kỹ thuật chưa đề cập hết các trường hợp bất lợi của thiên tai. Bên cạnh đó, các đập xây dựng đã lâu, chịu tác động thiên tai lại không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên đến nay đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các tổ chức quốc tế, từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh đã nâng cấp, sửa chữa 90 hồ chứa, với tổng kinh phí trên 1.702 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí “nhỏ giọt“ này, công tác đảm bảo an toàn các hồ đập còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết người dân sống xung quanh luôn cảm thấy bất an, nhất là khi mùa mưa lũ đến.

Cần giải pháp đồng bộ

Trong điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi cực đoan, những trận mưa lũ vượt tần suất thiết kế xẩy ra ngày càng nhiều, nguy cơ xẩy ra sự cố đối với các công trình thủy lợi rất lớn.

Theo ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa mưa bão năm 2015, cần kết hợp đồng bộ từ giải pháp phi công trình đến giải pháp công trình. Thời điểm hiện nay, mực nước các hồ chứa xuống thấp, hầu hết hồ chứa nhỏ đã cạn... nên các địa phương, đơn vị quản lý cần tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể tất cả các hạng mục công trình để tập trung xử lý hư hỏng, đảm bảo an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du. Đặc biệt là phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa cơ quan các cấp từ tỉnh, huyện, xã đối với công tác đảm bảo an toàn đập.

Đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa bão ảnh 2

Đập Khe Chẹt ở thị trấn Vũ Quang được nâng cấp, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Vũ Quang có 60 hồ, đập lớn nhỏ, phần lớn xây dựng đã lâu, hầu hết là đập đất. Hàng năm, huyện thường phải gánh chịu 2-3 trận lũ lụt, làm cho một số công trình xuống cấp, hệ thống cống đóng mở, tràn xả lũ, thân đập bị sạt lở. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Huyện đang tiến hành đánh giá đầy đủ, có hệ thống hiện trạng các hồ, đập trên địa bàn để xây dựng dự toán kinh phí hàng năm, từng giai đoạn nhằm nâng cấp, sửa chữa các công trình có nguy cơ cao trong mùa mưa lũ cũng như các công trình thiết yếu để cấp nước, nâng cao diện tích tưới cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để quản lý điều hành, điều tiết hồ chứa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật.

Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn hồ, đập thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác quản lý và bảo vệ hồ đập trên địa bàn. Đặc biệt, rà soát, điều chỉnh, phân cấp quản lý, vận hành khai thác và bảo vệ các hồ chứa theo đúng năng lực quản lý của từng tổ chức, cá nhân và đặc điểm công trình. Theo đó, đối với 28 hồ chứa xung yếu, có nguy cơ mất an toàn cao, có giải pháp mở rộng hoặc hạ thấp tràn xả lũ; chuẩn bị các điều kiện vật tư chống nước tràn đỉnh đập. Đối với vùng hạ du, xây dựng phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân và công trình trong mọi trường hợp khi có sự cố xẩy ra. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết, khí tượng thủy văn để kịp thời điều chỉnh lưu lượng xả lũ (xả đón, xả muộn) nhằm giảm thiểu ngập lụt vùng hạ du và đảm bảo an toàn cho công trình...

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast