Đảm bảo cho nhân dân vùng ngoài đê Đức Thọ sống chung với lũ

Nếu không có gì thay đổi, ngày 10 - 4 tới đây, hàng ngàn hộ dân các xã vùng ngoài đê La Giang của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) sẽ có dịp để mở hội mừng khi Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống công trình hạ tầng sống chung với lũ (viết gọn lại là Dự án sống chung với lũ) có tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng chính thức khởi công, sau nhiều năm ước hẹn. Dự án hoàn thành không những đảm bảo năng lực cho nhân dân vùng ngoài đê Đức Thọ sống chung với lũ mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển trên các lĩnh vực.

Vùng ngoài đê La Giang thuộc huyện Đức Thọ trong trận lũ lịch sử cuối tháng 10 năm 2008
Vùng ngoài đê La Giang thuộc huyện Đức Thọ trong trận lũ lịch sử cuối tháng 10 năm 2008

Vùng ngoài đê La Giang của huyện Đức Thọ gồm 10 xã, trong đó, 7 xã hoàn toàn nằm ngoài đê và 3 xã có một phần diện tích ngoài đê. Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão là hàng ngàn hộ dân lại sống trong tâm thế lo âu, thấp thỏm nhìn nước lớn, nước ròng để “chạy” lũ. Bởi thế, hầu như nhà nào cũng sắm cho mình cái chạn để di dời đồ đạc khi nước lũ lên và tổ chức trú ngụ cho người trong chuỗi ngày chờ nước rút. Tuy nhiên, tùy từng vị trí đất đai khác nhau, điều kiện kinh tế không giống nhau của các hộ dân nên không phải hầu hết trong số đó đã có đủ điều kiện để tạm thời sống chung với lũ.

Đòi hỏi của thực tiễn sinh động đó đã thôi thúc Đảng bộ, chính quyền huyện Đức Thọ tìm giải pháp khả dĩ từ nhiều năm qua nhưng phải đến tháng Tư này, nguyện vọng chính đáng của nhân dân mới được cụ thể hóa bằng Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống công trình hạ tầng sống chung với lũ cho các xã ngoài đê La Giang.

Với mục tiêu: “Nâng cao năng lực phòng chống lũ và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ nhân dân vùng ngập lũ; nâng cao năng lực điều hành công tác PCLB, góp phần cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển KT – XH, từng bước ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng dự án”, Dự án sống chung với lũ sẽ tập trung xây dựng 27 hạng mục công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, hạ tầng xã hội và các trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ - cứu nạn.

Trong đó, nhóm công trình thuộc lĩnh vực giao thông có giá trị đầu tư nhiều nhất với 601,7 tỷ đồng sẽ xây dựng: tuyến đường từ cầu Thọ Tường - cầu Yên Xuân, tuyến đường QL15A – Thọ Tường, tuyến đường Chợ Thượng – Đức Vĩnh, tuyến đường La Giang – Đức Vĩnh, tuyến đường Tỉnh lộ 8 – Thọ Tường, cầu Trường Khánh, tuyến đường sắt – trục chính Liên Minh – Đức Tùng – Đức Châu; các tuyến đường giao thông liên vùng các xã: Yên Hồ, Đức Quang, Đức La, Đức Châu, Đức Tùng, Trường Sơn, Liên Minh.

Nhóm công trình thuộc lĩnh vực thủy lợi có giá trị đầu tư 47,27 tỷ đồng, tập trung xây dựng: kè chống sạt lở bờ tả sông Ngàn Phố đoạn qua xã Trường Sơn, kè chống sạt lở bờ hữu sông La đoạn qua xã Đức La, kè chống sạt lở bờ tả sông Trổ đoạn qua xã Đức La, kênh tưới xã Đức La, kênh tưới xã Đức Tùng.

Nhóm các hạng mục công trình thuộc lĩnh vực xây dựng dân dụng có giá trị đầu tư 108,78 tỷ đồng tập trung xây mới 10 trụ sở 2 tầng cho UBND các xã vùng ngoài đê, 59 nhà hội quán 2 tầng cho các xóm thuộc các xã vùng ngoài đê, 6 trường mầm non 2 tầng, Trường THCS xã Liên Minh, 6 trạm y tế 2 tầng và san nền (ụ đất) cho các xã Đức Quang, Trường Sơn, Đức La, Đức Tùng. Ngoài ra, dự án còn đầu tư cho mỗi xã ngoài đê 2 xuồng máy phục vụ công tác cứu hộ - cứu nạn…

Theo ông Đặng Giang Trung - Trưởng ban quản lý các dự án XDCB huyện Đức Thọ, mỗi một nhóm công trình sẽ đảm nhận những vai trò khác nhau như: giao thông phục vụ công tác cứu hộ, thủy lợi phục vụ việc tiêu thoát lũ, trụ sở phục vụ công tác chỉ huy điều hành PCLB, trạm y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, các bãi nền đất (ụ đất) phục vụ việc lánh nạn cho gia súc..., nhưng tựu trung là nhằm nâng cao năng lực phòng chống lũ lụt, thúc đẩy phát triển KT – XH trong vùng, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng lũ của huyện.

“Để phục vụ dự án này, chúng tôi dự kiến diện tích đất sử dụng là 1,1 triệu m2 nên công tác đền bù – GPMB phải được tập trung chỉ đạo quyết liệt và rất cần sự chia sẻ, hợp tác của nhân dân vùng hưởng lợi” – Trưởng BQL các dự án XDCB huyện nhấn mạnh.

Do kinh phí cũng như khối lượng xây dựng các hạng mục công trình rất lớn nên dự án sẽ phân kỳ đầu tư trong nhiều năm, song, trước mắt, sẽ tập trung vào các công trình trọng tâm như: tuyến đường Thọ Tường – Yên Xuân, tuyến đường QL15A – Thọ Tường và cầu Trường Khánh.

Để đảm bảo các điều kiện cần thiết cho lễ khởi công, thời gian qua, BQL các dự án XDCB huyện đã tập trung trí tuệ để hoàn thành thiết kế kỹ thuật – thi công – tổng dự toán, trình chỉ định thầu thi công, quy hoạch bãi vật liệu, xác định tuyến phạm vi bị ảnh hưởng bởi các công trình, cắm mốc các tuyến đường chuẩn bị thi công…

Còn quá sớm để đánh giá tác động của Dự án sống chung với lũ nhưng dựa trên quy mô cùng các giải pháp kỹ thuật đã được huyện nhà dày công nghiên cứu, mỗi người dân vùng ngoài đê Đức Thọ đều có quyền tin tưởng vào những thay đổi mang tính bước ngoặt trong tương lai, đó là: đảm bảo năng lực sống chung với lũ theo hướng an toàn, bền vững, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển trên các lĩnh vực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast