Để thu hút vốn ODA…

Các dự án từ nguồn vốn ODA đầu tư vào Hà Tĩnh được xem là “cứu cánh” trong giai đoạn kinh tế tỉnh nhà đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nguồn đầu tư không lớn nhưng các công trình đã và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn này không phải là dễ...

ISDP (dự án phát triển hệ thống thủy lợi quy mô nhỏ cho các xã nghèo) được triển khai từ đầu năm 2009 và kết thúc vào tháng 6/2013 với tổng số vốn đầu tư 13.150.340 USD, trong đó vốn ODA do Quỹ OPEC tài trợ 10.500.000 USD và vốn đối ứng 2.653.340 USD. Đến nay, dự án đã giải ngân 100% nguồn vốn. Công tác tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án sẽ được triển khai từ nay đến cuối năm. Nhưng hiệu quả các công trình mang lại đã làm hài lòng nhà đầu tư và người dân hưởng lợi.

Hệ thống sông Cụt (TP.Hà Tĩnh) - công trình được đầu tư từ nguồn vốn ODA.
Hệ thống sông Cụt (TP.Hà Tĩnh) - công trình được đầu tư từ nguồn vốn ODA.

Đơn giản vì dự án được đầu tư xây dựng từ những nhu cầu cấp bách của người dân vùng nông thôn. Chính họ là những chủ thể lựa chọn các hạng mục đầu tư, còn móc “hầu bao” là việc của nhà đầu tư thông qua vai trò trung gian là BQL các dự án ODA. Đơn cử, hồ Cỏ Lăn (Kỳ Bắc - Kỳ Anh), hồ Khe Sa (Cẩm Minh - Cẩm Xuyên)… và hệ thống kênh mương thủy lợi hàng trăm km rải khắp 64 xã trên địa bàn toàn tỉnh cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho hàng trăm ha đất sản xuất đã nói lên tính cấp thiết và hiệu quả của dự án.

Điều đáng mừng nữa là gần đây dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã vùng bãi ngang ven biển nhằm đối phó với biến đổi khí hậu tại Hà Tĩnh cũng đã được Quỹ OPEC đồng ý tài trợ với tổng mức đầu tư 14,6 triệu USD. Hiện tại, BQL dự án đã hoàn tất việc thiết kế, chuẩn bị mời các nhà thầu tham gia thi công tại 39 xã. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017…

Để thuyết phục các nhà đầu tư vào Hà Tĩnh là một quá trình theo đuổi quyết liệt của cán bộ BQL dự án ODA. Nếu nói Hà Tĩnh trở thành địa phương “hút” ODA xếp thứ hạng cao trong cả nước bởi thiên nhiên quá khắc nghiệt và đời sống của người dân khó khăn cũng đúng nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn là Hà Tĩnh đã chứng minh được những việc làm thông qua các dự án đã triển khai, đưa vào sử dụng. Và tất nhiên không thể không nhắc đến vai trò làm việc khoa học và bài bản của đội ngũ cán bộ BQL dự án ODA.

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, HIRDP (dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng nông thôn) đến nay vẫn chậm tiến độ. Dự án có tổng số vốn đầu tư 18,6 triệu USD, trong đó có 14,6 triệu USD do Quỹ Cô-oét về phát triển kinh tế Ả Rập tài trợ, phần còn lại do ngân sách tỉnh và những địa phương hưởng lợi đối ứng. Dự án đã được 2 chính phủ ký kết vào tháng 5/2011 và kết thúc vào ngày 30/6/2016. Với 82 công trình gồm: đường giao thông nông thôn và hệ thống kênh mương, lẽ ra, việc đấu thầu phải hoàn tất trong năm 2012. Nhưng đến nay mới chỉ 1 nửa trong số đó chờ kết quả phê duyệt.

Ngoài trắc trở từ khâu hồ sơ, thì nhà đầu tư cũng thiếu mặn mà. “Sau khi gửi đi được 3-4 tháng, hồ sơ lại được trả về địa chỉ cũ và “điệp khúc” gửi đi - nhận lại cứ thế xoay quanh một thời gian khá dài. Mãi đến khi chúng tôi nhờ Đại sứ Việt Nam tại Cô–oét can thiệp, mọi việc mới khởi động lại” - ông Trần Việt Hà - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT kiêm Giám đốc các dự án: HIRDP, ICDP, ISDP cho biết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast