Đến năm 2020, Hà Tĩnh sẽ có 5 tuyến thuỷ nội địa quốc gia

Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT đường thuỷ nội địa Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành là bước cụ thể hoá Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT Hà Tĩnh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt trước đó.

Quy hoạch phát triển GTVT đường thủy nội địa là cơ sở để quản lý nhà nước chuyên ngành về đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh và đầu tư phát triển mạng lưới giao thông thuỷ nội địa góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch GTVT đường thủy nội địa theo phương thức xã hội hoá là chính
Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch GTVT đường thủy nội địa theo phương thức xã hội hoá là chính

Theo quy hoạch được duyệt, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 5 tuyến thuỷ nội địa quốc gia với tổng chiều dài 141,50km, đạt tiêu chuẩn sông cấp III đến cấp V, đủ điều kiện cho phương tiện có trọng tải từ 50-600 tấn qua lại an toàn; có 5 tuyến thuỷ nội địa địa phương với tổng chiều dài 214,50km đạt tiêu chuẩn sông cấp V, đủ điều kiện cho phương tiện có trọng tải 10 - 100 tấn qua lại.

Các luồng tuyến còn lại chưa vào cấp sẽ được giao cho chính quyền các địa phương quản lý hành chính. Hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa được đầu tư xây dựng phân bố hợp lý, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng vùng miền.

Về công nghiệp giao thông thuỷ nội địa, quy hoạch phát triển các cơ sở tại 2 khu vực sông La và sông Nghèn để phục vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thuỷ các loại có trọng tải từ 50-300 tấn...

Về quản lý quy hoạch, việc đầu tư, nâng cấp cải tạo xây dựng các tuyến thuỷ nội địa phải phù hợp với quy hoạch được duyệt; việc xây dựng các công trình vượt sông, công trình thuỷ lợi trên các tuyến thuỷ nội địa nhất thiết phải có ý kiến của Sở GTVT để đảm bảo phù hợp của kích thước các công trình với cấp kỹ thuật đường thuỷ nội địa theo quy hoạch.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện quy hoạch là hơn 1.816 tỷ đồng, trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng hơn 1.731 tỷ đồng và công nghiệp đóng mới, sửa chữa phương tiện thuỷ nội địa là 85 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư thực hiện theo phương thức xã hội hoá là chính, ngân sách nhà nước chỉ đầu tư xây dựng các công trình cấp thiết như nạo vét luồng lạch, xây dựng bến hành khách..., còn lại sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo quy hoạch được duyệt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast