“Địa chỉ đỏ” cho các nhà đầu tư

Với những gì đang diễn ra hiện nay, Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng hiện là “địa chỉ đỏ” của các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Mục tiêu tạo việc làm cho trên 60 ngàn lao động và thu ngân sách tại KKT đạt 2.500 tỷ đồng vào năm 2015 có thể nói đã trong tầm với...

Lung linh Vũng Áng. Ảnh: Lê Dung

Lung linh Vũng Áng. Ảnh: Lê Dung

Đến thời điểm này (tháng 10/2013), KKT Vũng Áng có trên 80 doanh nghiệp trong nước và quốc tế được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký lên 16 tỷ USD. Trong đó có 44 dự án trong nước và 35 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tổng số lao động hiện đang làm việc tại KKT Vũng Áng trên 12 ngàn người, trong đó có 1.100 lao động ngoài nước. Dự tính, đến năm 2015, KKT Vũng Áng tiếp tục tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 63.000 công nhân, kỹ sư trong và ngoài nước với thu nhập bình quân từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.

Có thể nói, với số lượng nhà đầu tư, tổng số vốn đăng ký, hiện tại, Vũng Áng đã trở thành một trong những KKT dẫn đầu cả nước về số vốn đầu tư, tỷ lệ lấp đầy. Đặc biệt, sự có mặt của những “đại gia” quốc tế và trong nước như: Tập đoàn Formosa (Đài Loan), Tập đoàn Hu Man Citi (Hàn Quốc), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… đã và đang “biến” KKT Vũng Áng trở thành thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư. Điều phấn khởi nữa là, vừa qua, KKT Vũng Áng được Chính phủ chọn là một trong 5 KKT trọng điểm quốc gia ưu tiên đầu tư vốn ngân sách nhà nước, nhằm định hướng nơi đây trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, với các ngành chủ lực như nhiệt điện, luyện cán thép, lọc hóa dầu… Đặc biệt, KKT Vũng Áng sẽ là một trung tâm công nghiệp của khu vực Bắc Trung bộ và Đông bắc Thái Lan, Lào trong tương lai gần.

Nhiều hạng mục của dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương Formosa được chủ đầu tư (Tập đoàn Formosa) và các nhà thầu thi công đúng tiến độ. Ảnh: Bá Tân
Nhiều hạng mục của dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương Formosa được chủ đầu tư (Tập đoàn Formosa) và các nhà thầu thi công đúng tiến độ. Ảnh: Bá Tân

KKT Vũng Áng những ngày này như một đại công trường. Từ “siêu” dự án cảng biển, luyện cán thép lọc hóa dầu của Tập đoàn Formosa (2 giai đoạn trên 27 tỷ USD), Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 của Tập đoàn Dầu khí (1,9 tỷ USD), dự án cấp nước của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn trên 4.400 tỷ đồng... Thời tiết mưa nắng thất thường, song tất cả đang hối hả chạy đua với thời gian. Hàng ngàn xe, máy chuyên dụng, hàng vạn công nhân tất bật với các công việc của mình. Trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, kỹ sư Thân Văn Lập cho biết: “Những ngày gần đây, tuy phải làm việc trong điều kiện thời tiết thất thường, song không vì thế mà cường độ làm việc của các công nhân, kỹ sư nơi đây giảm sút. Chỉ còn vài ngày nữa, tổ chúng tôi phải bàn giao hệ thống điều khiển tự động của lò đốt để đưa vào vận hành thử”.

Cách đại công trường Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng không xa, những đội quân của các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Hà Lan, Bỉ… đang khẩn trương thi công hạ tầng kỹ thuật dự án cảng Sơn Dương. Kỹ Sư Trần Văn Khởi - thông dịch viên kiêm chỉ huy công trường của đơn vị Sam Sum (Hàn Quốc) cho biết: “Hiện nhà thầu chúng tôi đã thi công trên 70% khối lượng công việc. Phấn đấu đến cuối tháng 11/2013 sẽ hoàn tất việc xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật cùng một số công trình phụ trợ khác để bàn giao cho bộ phận xây dựng nhà xưởng”.

Nhà thầu Sam Sung (Hàn Quốc) tham gia xây dựng cảng Sơn Dương ở KKT Vũng Áng. Ảnh: ĐT

Nhà thầu Sam Sung (Hàn Quốc) tham gia xây dựng cảng Sơn Dương ở KKT Vũng Áng. Ảnh: ĐT

Ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng ban Quản lý KKT Vũng Áng chia sẻ: “Trong thời gian tới, để trở thành trung tâm công nghiệp nặng của cả khu vực và đầu tàu xâu chuỗi các hoạt động kinh tế của Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng, phát triển KKT theo hướng đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực (công nghiệp, đô thị, dịch vụ ...) Trong đó, hạt nhân là trung tâm luyện cán thép, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện Vũng Áng gắn với cụm cảng nước sâu Vũng Áng, Sơn Dương”.

“Để những chiến lược đó nhanh chóng trở thành hiện thực, trước hết, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương, địa phương tập trung hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong KKT Vũng Áng, đồng thời đa dạng hóa huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng như hệ thống cầu, cảng, giao thông nội bộ... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tính toán nhằm có chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực đủ cung cấp cho các dự án lớn, quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng xã hội (cơ sở đào tạo, văn hóa, sinh hoạt, chữa bệnh v.v…); đẩy mạnh việc xúc tiến, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Cuối cùng là tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm giảm thiểu các thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư” - ông Tuấn cho biết thêm.

Sự phát triển của KKT Vũng Áng những năm gần đây đã góp phần làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của Hà Tĩnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và từng bước đưa Hà Tĩnh trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 2010 đến nay trên 14%; giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn này tăng bình quân trên 50%/năm. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trong KKT Vũng Áng đã đóng góp cho ngân sách tỉnh nhà hơn 1 ngàn tỷ đồng, một con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế đang có những biến động thất thường như hiện nay…

Từ những con số, thực tế trên công trường, có thể khẳng định, KKT Vũng Áng hiện đang là “địa chỉ đỏ” cho các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast