Điện lực Hương Khê: Nhiều giải pháp chủ động ứng phó với lũ lụt

Hoạt động trên địa bàn có địa hình phức tạp, nhiều sông ngòi, rừng núi hiểm trở, Điện lực Hương Khê gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp điện trong mùa mưa bão. Với phương châm "Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục khẩn trương và có hiệu quả" trong đó lấy phòng, tránh là chính, trong ứng phó phải chuẩn bị tốt 4 tại chỗ: đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn , thông suốt.

Công nhân Điện bảo dưỡng đường dây
Công nhân Điện bảo dưỡng đường dây

Trao đổi với chúng tôi, Ông Phạm Lương Trung - Giám đốc Điện lực Hương Khê cho biết: "Hiện nay, đơn vị đang quản lý 279,43 km đường dây 35kV và 10kV, 341,35 km đường dây hạ thế 0,4kV và 0,2kV, hơn 17000 công tơ các loại của khu vực thị trấn và các xã mới tiếp nhận; 1 trạm biến áp trung gian với 2 máy biến áp 2.500 MVA - 35/10kV và 1.800 MVA - 35/10 kV; 85 máy/85 trạm biến áp 10/0,4kV và 74 máy/74 trạm biến áp 35/0,4kV . Hầu hết các tuyến đường dây trung thế đều đi qua địa bàn đồi núi hiểm trở phức tạp, nên việc khắc phục sự cố về điện trong mùa mưa lũ gặp rất nhiều khó khăn."

Để chủ động ứng phó với bão lụt, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt bão năm 2011, ngay từ những ngày đầu năm, đơn vị đã ra Quyết định số 08 QĐ/PCHT-ĐLHK ngày 10/4 về việc thành lập Tiểu ban chỉ huy PCLB năm 2012. Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch hành động của tỉnh và trung ương, ngành đã kiện toàn bộ máy tổ chức và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Tiểu ban Chỉ huy PCLB và TKCN của ngành; rà soát, bổ sung, xây dựng hoàn thiện và phê duyệt phương án PCLB và TKCN năm 2012 sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Trước hết, Điện lực Hương Khê đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng đến bà con nhân dân trên địa bàn đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện thường xuyên biết sự nguy hiểm của điện đối với tính mạng con người, những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi đến gần các đường dây đang mang điện đặc biệt là khi có mưa lũ.

Ban chỉ đạo cũng thường xuyên đôn đốc các tổ kiểm tra lại toàn bộ đường dây, các trạm biến áp phân phối, lập kế hoạch nhận vật tư cho công tác PCLB cũng như thúc đẩy việc duy tu, bảo dưỡng hoàn chỉnh các đường dây tải điện trên địa bàn do đơn vị quản lý nhằm đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn trong mùa mưa lũ. Kết hợp với Ban PCLB huyện, Phòng Công thương để lập phương án đến tận các hộ sử dụng điện. Cùng với đó, theo dự phân công của Ban chỉ đạo, Đội sản xuất - Điện lực Hương Khê đã ra quân giải phóng hành lang của tất cả các đường dây cao áp trên địa bàn. Tại những nơi gặp khó khăn không phát quang được như: Đường dây 35kV trên địa bàn Công ty Cao su Hà Tĩnh, đường dây 10kV Minh Sơn đi Trại nại thuộc xã Lộc Yên, đường dây 10kV đi Hồng Hà xã Hương Đô... Đội đã báo cáo lên lãnh đạo của ngành, huyện để có phương án kịp thời xử lý trước khi mưa bão xảy ra.

Nhằm làm tốt công tác đảm bảo an toàn cho con người khi mưa lũ xảy ra, Điện lực Hương Khê đã tổ chức tập huấn diễn tập cho tất cả các CBCNV về phương án PCLB, sau khi tập huấn xong thì đưa ra các tình huống thực tế cụ thể để cho các tổ nhóm thực hiện tại hiện trường. Ngoài ra, đơn vị tiến hành khảo sát và nắm vững các đường dây có thể bị ngập lụt và vi phạm khoảng cách an toàn. Khi xảy ra lũ lớn sẽ cử người có kinh nghiệm canh gác, nghe ngóng, thông tin kịp thời với Tiểu ban PCLB để có phương án xử lý sa thải phụ tải. Đặc biệt chú trọng đến các vùng có khả năng bị lũ quét, các xã có nguy cơ ngập sâu như Hương Đô, Hương Điền, Hương Giang... để làm tiền đề cho các phương án cắt điện trước nhằm tránh được những vụ tai nạn có nguy cơ xảy ra.

Nhờ chuẩn bị tốt các phương án PCLB mà trong trận lũ đầu tháng 9 và những trận mưa lớn trong cơn bão số 8 vừa qua, thiệt hại về tài sản cũng như con người liên quan đến ngành điện đã được hạn chế ở mức tối thiểu. Ngay từ khi trời vẫn chưa tạnh ráo, Ban chỉ huy đã điều động tất cả các CBNV đi đến các địa bàn xảy ra lũ lớn để thống kê, rà soát lại các thiết bị điện bị hư hỏng. Qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện nhiều cột điện bị gãy, công tơ và máy biến áp bị hư hỏng do ngập nước. Ngay sau khi có thống kê về thiệt hại, Tiểu ban chỉ đạo đã họp bàn để lên kế hoạch, phương án sửa chữa kịp thời, nhờ vậy mà việc mất điện kéo dài đã không diễn ra trên địa bàn huyện trong trong các đợt mưa lũ này.

Cũng theo ông Phạm Lương Trung: "Diễn biến bão lũ vẫn đang rất phức tạp nên thời gian tới, chúng tôi sẽ nêu cao tinh thần chủ động khắc phục mọi khó khăn, thường xuyên cập nhật thông tin, phối hợp chặt chẽ với các Ban chỉ đạo PCLB&TKCN trong và ngoài huyện để thông báo kịp thời về tình hình thiên tai cho các bộ phận biết. Để khi có lũ lụt xảy ra sẽ huy động tất cả nhân lực, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả một cách nhanh nhất nhằm đảm bảo cung cấp điện kịp thời phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân."

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast