DN Nhật Bản đua nhau giành giật “chiếc bánh” thị trường bán lẻ Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Với cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang ngày càng mở rộng và sức bật của một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các “ông lớn” ngành bán lẻ Nhật Bản như Aeon, Takashimaya Co. và Seven & i Holdings Co.

dn nhat ban dua nhau gianh giat chiec banh thi truong ban le viet nam

Trung tâm thương mại AEON Mall ở Hà Nội, Việt Nam. (Ảnh: Bloomberg)

“Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, bên cạnh đó là sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu. Thị trường bán lẻ cũng đang phát triển rất nhanh do nhu cầu tiêu dùng lớn đến từ phân khúc các khách hàng trẻ tuổi” - ông Nagahisa Oyama, Tổng đại điện tập đoàn Aeon Việt Nam, cho biết.

Dân số trẻ

Dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dân số khoảng 93 triệu dân của Việt Nam. Gần 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi và đang ngày càng được giáo dục tốt hơn, công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết.

Bốn ngày sau khi một trung tâm mua sắm thuộc tập đoàn Aeon được khai trương ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/7, doanh nghiệp Nhật Bản này ghi nhận mức tăng trong doanh số bán hàng vượt ước tính ban đầu đến 18%.

Aeon là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản xét theo doanh số bán hàng. Tập đoàn này hiện có 4 trung tâm mua sắm và 54 siêu thị ở khắp Việt Nam. Số lượng siêu thị của Aeon ở Việt Nam đang nhiều hơn gấp đôi so với số lượng siêu thị mà tập đoàn này đầu tư vào Trung Quốc và chiếm 1/3 số lượng siêu thị mà Aeon đang có bên ngoài thị trường nội địa.

Aeon không phải là doanh nghiệp Nhật duy nhất đang tìm cách “gieo lợi nhuận” từ thị trường Việt Nam. Khoảng 20 công ty sản xuất hàng tiêu dùng Nhật Bản hiện đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực như sản xuất sô-cô-la, mỳ đến trà xanh, vừa có một cuộc gặp gỡ với các đối tác tiềm năng Việt Nam trong một hội nghị liên quan đến đầu tư được tổ chức bởi tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group Inc (MUFG) phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) vào hôm thứ Tư (20/7) tại Hà Nội.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn tìm kiếm cơ hội tăng trưởng ở nước ngoài. Aeon vừa ghi nhận khoản lỗ ròng từ tháng 3 đến tháng 5/2016, đây cũng là quý lỗ ròng thứ ba liên tiếp trong vòng một năm qua của Aeon do các ảnh hưởng từ việc suy giảm dân số Nhật Bản và xu hướng tiết kiệm nhiều hơn trong tiêu dùng của người dân nước này.

“Chúng tôi nghĩ rằng sự cạnh tranh trong thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng lên trong thời gian tới do có sự góp mặt của các nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan”, ông Oyama nói. Việc Aeon hợp tác với các chuỗi cửa hàng bán lẻ nội địa như Citimart và Fivimart sẽ giúp doanh nghiệp này mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới đã phải chứng kiến tốc độ sụt giảm dân số cao ở mức kỷ lục trong năm nay, đây cũng là mức suy giảm lần thứ bảy liên tiếp kể từ năm 2015. Trong khi đó, nhân khẩu học trẻ của Việt Nam đang được hỗ trợ bởi thu nhập trung bình ngày càng tăng, từ 433 USD năm 2000 lên 2.111 USD năm ngoái, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Ngành bán lẻ phát triển

Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng đòi hỏi được cung cấp các trải nghiệm mua sắm với chất lượng tốt hơn, điều này đang thúc đẩy mô hình bán lẻ trong nước đi lên từ chỗ chủ yếu bị chi phối bởi các khu chợ truyền thống, theo Nielsen Việt Nam.

Việt Nam có gần 9.000 chợ truyền thống, 800 siêu thị và hơn 1 triệu các cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh theo kiểu hộ gia đình, theo một báo cáo của chính phủ được công bố hồi tháng Sáu. Xu hướng tiêu dùng tại các cửa hàng bán lẻ chính thức và các trung tâm thương mại thay vì các cửa hàng truyền thống ở địa phương được dự kiến sẽ tăng lên đến 40% trong tổng chi tiêu tiêu dùng vào năm 2020, từ mức 25% hiện nay, báo cáo cho biết.

Sự thay đổi trong ngành bán lẻ Việt Nam được bắt đầu từ cách đây hai năm bởi sự tham gia của “cả doanh nghiệp lớn ở địa phương và các công ty đa quốc gia - những doanh nghiệp muốn đẩy nhanh sự phát triển để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”, Roberto Butragueno, Phó Giám đốc về dịch vụ bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho biết.

Người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng trở nên khắt khe hơn. Theo khảo sát của Nielsen, 6 trên 10 người Việt Nam được hỏi kỳ vọng các cửa hàng sẽ ở gần nhà của họ hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng muốn các cửa hàng được tổ chức sao để làm gia tăng trải nghiệm mua sắm của họ.

“Ông lớn” ngành bán lẻ Nhật Bản Takashimaya sẽ mở cửa một trung tâm thương mại rộng đến 15.000 m2 tại Saigon Center ở TP.HCM ngay trong tháng này. Đây cũng là chi nhánh đầu tiên của tập đoàn Takashimaya ở Việt Nam, và cũng là động thái thể hiện sự tiếp cận của Takashimaya đối với các thị trường nước ngoài đang tăng trưởng nhanh hơn, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, Hironobu Hanai - người phát ngôn của tập đoàn Takashimaya có trụ sở tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản cho hay.

Dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam là yếu tố thu hút, thúc đẩy Takashimaya đầu tư khoảng 5 tỷ yên (tương đương 47 triệu USD) vào Việt Nam kể từ năm 2012. Nguồn vốn đầu tư của Takashimaya ở Việt Nam chủ yếu được sử dụng vào việc mở các cửa hàng và các dự án bất động sản khác.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi khổng lồ Nhật Bản 7-Eleven năm ngoái cũng vừa ký một thỏa thuận nhượng quyền thương mại với Seven System Vietnam như là một phần trong kế hoạch mở rộng kinh doanh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Sự quan tâm đặc biệt dành cho thị trường bán lẻ Việt Nam không chỉ giới hạn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, tập đoàn bán lẻ Lotte Group của Hàn Quốc đặt mục tiêu mở 60 siêu thị ở Việt Nam đến năm 2020, trong khi công ty TCC Holding Co. của Thái Lan vừa thâu tóm mảng kinh doanh bán buôn của Metro AG’s Cash & Carry tại Việt Nam với bản hợp đồng trị giá 655 triệu euro (tương đương 720 triệu USD).

Doanh nghiệp nội địa Việt Nam cũng không chịu ngồi yên

Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đặt mục tiêu mở 500 siêu thị và 8.000 cửa hàng tiện lợi dưới thương hiệu VinMart và VinMart+ trong vòng 5 năm tới, ngay cả trong bối cảnh khi các hãng bán lẻ lớn của nước ngoài đang “gây khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa”, Vingroup cho biết.

Công ty Cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động - nhà bán lẻ điện thoại di động lớn nhất Việt Nam, đã lên kế hoạch mở các cửa hàng bán thực phẩm trong năm tới. Trả lời phỏng vấn với Bloomberg qua điện thoại, Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết, phân khúc mới này của công ty được dự kiến sẽ tăng nhanh hơn nhiều so với mảng bán lẻ điện thoại di động, điện tử tiêu dùng.

(Theo Bloomberg)

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast