Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước 'càng ít càng tốt'

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh vừa yêu cầu cần thu hẹp diện doanh nghiệp (DN) nắm giữ 100% vốn Nhà nước.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Phải đẩy mạnh việc thu hẹp DN nhà nước (DNNN), để DN nắm giữ 100% vốn Nhà nước càng ít càng tốt”.

Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước 'càng ít càng tốt' ảnh 1

Tính đến hết năm 2015, cả nước đã hoàn thành 93% kế hoạch cổ phần hóa DNNN của cả giai đoạn 2011 - 2015, với 478 DN cổ phần hóa.

Thêm 20 DNNN hoàn thành cổ phần hóa

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, tính đến hết tháng 2/2016, cả nước đã cổ phần hóa được 20 DN thuộc 3 bộ, 5 địa phương và 1 tập đoàn, trong đó có Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty 36.

Các bộ có DN cổ phần hóa trong 2 tháng đầu năm gồm Bộ: Xây dựng, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các địa phương: TP.Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Kon Tum, Bến Tre và Tập đoàn Công nghiệp Cao su.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương hiện đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa của 66 DN, đang xác định giá trị DN của 79 DN, đã công bố giá trị DN của 31 DN.

Cũng trong 2 tháng đầu năm 2016, Tập đoàn Viễn thông Quân đội và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác với giá trị sổ sách là 141,9 tỷ đồng, thu về 460,6 tỷ đồng.

Trước đó, tính đến hết năm 2015, cả nước đã hoàn thành 93% kế hoạch cổ phần hóa DNNN của cả giai đoạn 2011 – 2015, với 478 DN cổ phần hóa. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN nhìn nhận, việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2015 cơ bản đã hoàn thành kế hoạch. Cùng thời điểm, các bộ, ngành, địa phương, DN đã thực hiện thoái vốn nhà nước khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm được 9.924 tỷ đồng, thu về 15.004 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách.

Tiếp tục thu hẹp các DN 100% vốn nhà nước

Cũng theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, trong tháng 2 vừa qua, thường trực Ban Chỉ đạo đã thẩm tra và trình Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020.

Phương án cụ thể sẽ sớm được Chính phủ quyết định trong thời gian tới, nhưng theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020 có 378 DN sẽ thực hiện cổ phần hóa với các hình thức sắp xếp dự kiến là: 184 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, chiếm khoảng 48,7% và 194 DN thuộc diện cổ phần hóa, chiếm 51,3%.

Còn theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi sở hữu các DNNN còn lại sẽ là nhiệm vụ chính của giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu số lượng DNNN đến năm 2020 còn gần 200, giảm 50% số lượng tại thời điểm năm 2015; cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư của khu vực DN nhà nước.

Đi đôi với đó là giải phóng nguồn lực xã hội, thúc đẩy các DN tư nhân, nhất là các DN nhỏ và vừa phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, công khai, minh bạch và gia tăng khả năng cạnh tranh của DNNN còn lại thích ứng với cơ chế thị trường, yêu cầu hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Cụ thể, DNNN hoạt động kinh doanh phải có lợi nhuận, cạnh tranh được với các DN trong và ngoài nước; DNNN phục vụ xã hội dân sinh phải tạo ra sản phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng…

Gần đây nhất, tại buổi họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho ý kiến về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã yêu cầu cần thu hẹp diện DN nắm giữ 100% vốn Nhà nước.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Phải đẩy mạnh việc thu hẹp DNNN, để DN nắm giữ 100% vốn nhà nước càng ít càng tốt”, nên giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các bộ chuyên ngành để tiếp tục phân loại, rà soát kỹ các lĩnh vực trong mỗi ngành để cổ phần hóa, thoái vốn, tăng cường hơn nữa sự tham gia của khối tư nhân vào sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến đề xuất ban hành danh mục các DNNN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, Phó Thủ tướng cho rằng do thực tiễn cổ phần hóa của mỗi bộ, ngành, lĩnh vực là khác nhau nên việc thực hiện sẽ rất phức tạp. Do đó, ngành nào thấy cần giữ cổ phần chi phối ở một lĩnh vực nào thì phải có báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm sự linh hoạt trong cổ phần hóa, thoái vốn.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị “trước hết có thể giảm tỷ lệ Nhà nước nắm vốn xuống các mức quy định một thời gian nếu thấy ổn sẽ cho hạ tiếp” đối với việc giảm tỷ lệ cổ phần chi phối tại các DN hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh chứ không cần thiết phải giảm nhanh vốn nhà nước.

Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho biết, dự kiến Hội nghị tổng kết công tác sắp xếp, tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2016 - 2020, sẽ được tổ chức trong tháng 3/2016, qua đó tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa cả về lượng và chất./.

Theo Thời báo Tài chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast