Doanh nghiệp Hà Tĩnh: Chớp thời cơ, vượt “ao làng”!

(Baohatinh.vn) - Với 4.500 doanh nghiệp (DN) ở thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh được coi là tỉnh có tốc độ tăng trưởng vượt bậc về số lượng. Thành quả này, bên cạnh nỗ lực của từng DN còn có nhiều yếu tố khách quan tác động. Đặc biệt là môi trường đầu tư và các chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía tỉnh, sự “chung tay góp sức” của các sở, ban, ngành. Cũng từ đó, nhiều DN đã chớp cơ hội để vượt “ao làng” vươn ra… “biển lớn”.

Dấu ấn nhiệm kỳ 2015 - 2020 (bài 34)

Nhà máy Cọc sợi Hồng Lĩnh sử dụng trên 300 lao động tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Nhà máy Cọc sợi Hồng Lĩnh sử dụng trên 300 lao động tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Chính sách tạo “cú hích”

Doanh nghiệp Hà Tĩnh đã có một môi trường phát triển thuận lợi khi tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc “vì sự phát triển của DN” đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách đúng “địa chỉ”, đúng thời điểm giúp DN tháo gỡ khó khăn và vươn lên mạnh mẽ. Mỗi năm, tỉnh dành hẳn 1 tháng “hành động vì DN”, hàng tháng tổ chức giao ban 1 lần xoay quanh các nội dung liên quan đến DN; tôn vinh DN, doanh nhân tiêu biểu vào ngày 13/10 hàng năm.

Đồng thời, tỉnh cũng đã đề ra hàng chục văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư trên địa bàn như: Quyết định 07/2012/QĐ-UBND ngày 21/3/2012 về một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 777/QĐ-UBND ngày 26/3/2012 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư vào Hà Tĩnh năm 2012 và những năm tiếp theo cùng rất nhiều chính sách hỗ trợ khác.

“Cú hích” của các chính sách được ban hành kịp thời đã giúp nhiều DN không bị ngưng hoạt động hoặc bị giải thể khi “cơn lốc” lạm phát tràn qua và kéo dài từ năm 2012 lại nay. “So với mặt bằng chung cả nước, tỷ lệ phá sản của DN Hà Tĩnh không đáng kể” - Phó trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Viết Sao cho biết. Cũng vì lẽ đó, số lượng DN Hà Tĩnh có bước tăng trưởng nhanh, bất chấp tác động xấu từ yếu tố khách quan mang lại.

Trưởng phòng Quản lý DN Sở Tài chính Nguyễn Tân Mỹ nói rằng: “Mỗi năm có khoảng 150 DN thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản, xuất khẩu được hỗ trợ số tiền trên 60 tỷ đồng và hàng ngàn đối tượng được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng”.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài việc hàng năm tổ chức các lớp tập huấn công tác khởi sự DN, quản trị kinh doanh cho các đối tượng, còn rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký kinh doanh từ 15 ngày xuống 7 ngày và hiện tại là 3 ngày. Trong nỗ lực đồng hành cùng DN, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài việc lắng nghe ý kiến người nộp thuế (NNT) để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách thuế cũng như quản lý nguồn thu, ngành Thuế còn đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho NNT. Từ đầu năm 2009, Hải quan Hà Tĩnh cũng thực hiện thủ tục khai báo từ xa làm bước đệm và từ tháng 9/2009 - 4/2014 thực hiện khai báo hải quan điện tử tại 5 chi cục. Từ tháng 5/2014 lại nay, tiếp tục thực hiện VNACCS/VCIS (hệ thống thông quan tự động).

“Đây là những cải cách đáng kể của ngành Hải quan và Hà Tĩnh là 1 trong những tỉnh thành triển khai sớm nhất” - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Hà Tĩnh Lê Văn Hạnh nhấn mạnh.

Từ ngày 23/5/2014 lại nay, đã có 442 DN thực hiện với số lượng 12.100 tờ khai thông quan tự động đạt tỷ lệ 99%.

Doanh nghiệp Hà Tĩnh: Chớp thời cơ, vượt “ao làng”! ảnh 2
Công nhân Công ty CP Dược Hà Tĩnh tại dây chuyền hàn ống phalatop.

Bước chuyển mới về lượng và chất

Những chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, cùng với môi trường phát triển thuận lợi, đặc biệt là điểm nhấn KKT Vũng Áng đã giúp các DN nhỏ và vừa của tỉnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành nghề kinh doanh. Từ đầu năm lại nay, toàn tỉnh thành lập mới 367 DN, nâng tổng số DN lên gần 4.500. So với thời điểm 10 năm trước, số DN tăng gấp 3,4 lần.

“Những năm trước, các DN chỉ tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ bản, nay nhờ các chính sách, cơ chế hỗ trợ “trong và ngoài hàng rào” nên số DN sản xuất vật chất xuất hiện ngày càng nhiều. Đây chính là điểm đột phá táo bạo và là niềm mong đợi của nhiều người” - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hà Tĩnh - Hoàng Trung Thông khẳng định.

Mitraco Hà Tĩnh mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, củ, quả trên đất cát bạc màu cho hiệu quả kinh tế cao
Mitraco Hà Tĩnh mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, củ, quả trên đất cát bạc màu cho hiệu quả kinh tế cao

Quy mô hoạt động của các DN cũng dần được nâng lên, số DN sản xuất vật chất tăng 5,6 lần; số vốn bình quân hàng năm tăng nhanh. Năm 2010, đạt 3,5 tỷ đồng/DN, đến nay, bình quân đạt 5,5 tỷ đồng/DN. Hiện tại, 20 DN có số vốn điều lệ đăng ký từ 300 tỷ đồng trở lên, trong đó, 4 DN có số vốn từ 500 tỷ đến dưới 1.000 tỷ đồng và 5 DN có vốn trên 1.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, nhiều DN ở Hà Tĩnh, nhờ có sự đồng hành quyết liệt của tỉnh đã có được bước chuyển hướng phù hợp trong SXKD. Như Mitraco, từ lĩnh vực truyền thống là khai khoáng đã vững vàng với vai trò DN đầu tàu trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với các dự án lớn: Nhà máy Chế biến súc sản Kỳ Anh, trang trại chăn nuôi lợn giống 1.200 con tại xã Kỳ Phong - Kỳ Anh, Trung tâm hươu giống và Nhà máy Chế biến nhung hươu... Tổng Giám đốc Mitraco Dương Tất Thắng khẳng định: “Với việc “lấn sân” sang lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn,

Mitraco đạt được rất nhiều mục tiêu, đặc biệt là đã tích cực thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời, tăng doanh thu, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm ổn định”.

Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Viết Hải từ khi thành lập đến nay được coi là thương hiệu mạnh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Nhưng khi “cơn lốc” lạm phát tràn qua và kéo dài, Viết Hải không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Đã qua cơn “bĩ cực”, Giám đốc Trần Văn Viết khẳng định, đây là kết quả của sự giúp đỡ có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho DN. Từ kinh doanh thương mại thuần túy, Viết Hải đã đầu tư số vốn rất lớn sản xuất cọc gia cố nền móng công nghệ cao (Nhật Bản) duy nhất tại khu vực miền Trung cung cấp cho dự án FORMOSA. Viết Hải đang dự định năm 2015 sẽ triển khai xây dựng nhà máy gạch không nung trên địa bàn, dự kiến tạo khoảng 200 việc làm cho người lao động.

Sự phát triển mạnh mẽ của DN Hà Tĩnh cả về lượng và chất trong những năm qua đã tạo nguồn lực mới cho nền kinh tế tỉnh nhà tăng trưởng vững chắc. Nếu như năm 2010, thu ngân sách từ DN chỉ chiếm 47,6% tổng nguồn thu, thì đến năm 2014, nguồn thu này đạt 10.290 tỷ đồng, chiếm 89,5% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. DN phát triển còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng xét về mặt xã hội với việc tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Tính đến nay, tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế khoảng 687.000 người, trong đó, lao động làm việc ở các DN, HTX khoảng 80.000 người, chiếm 11,58% tổng số lao động toàn xã hội.

Lực lượng DN đã góp phần quan trọng đổi thay diện mạo đô thị Hà Tĩnh, tiếp nguồn lực cho các vùng nông thôn mới, góp phần cùng toàn tỉnh xây nền móng vững chắc để bắt tay thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 sắp tới đề ra.

Chủ đề ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast