Doanh nghiệp Nhà nước bị cấm đầu tư địa ốc, ngân hàng, chứng khoán

Từ 1/12, doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Kể từ 1/12/2015, khu vực quốc doanh chính thức bị cấm góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và quỹ đầu tư, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Chính phủ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực trên mà không được Thủ tướng cho phép, phải tiến hành cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư theo quy định.

Cách đây 4 năm, Chính phủ cũng từng ban ngành Nghị quyết yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không được đầu tư ngoài các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Nếu "trót" tham gia, doanh nghiệp phải thoái xong vốn trước năm 2015. Với Nghị định 91 được ban hành, một lần nữa quan điểm này được củng cố và yêu cầu thực hiện nghiêm. Nếu không thực hiện theo yêu cầu, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Văn bản cũng nêu rõ doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đã đầu tư, mọi biến động về tăng, giảm vốn phải được báo lại.

Trước đó, doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành thua lỗ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và hiệu quả hoạt động của khu vực quốc doanh. Cuối năm 2011, các tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư ngoài ngành gần 23.744 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là lĩnh vực ngân hàng với 11.403 tỷ đồng, tiếp đến là bất động sản với 9.286 tỷ đồng, bảo hiểm là 1.682 tỷ đồng, chứng khoán là 696 tỷ đồng và quỹ đầu tư là 677 tỷ đồng.

Đến nay, quá trình thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm trên đã được thực hiện, nhưng vẫn chưa được hoàn tất. Tổng giá trị thoái được theo giá sổ sách đến hết tháng 8/2015 đạt 13.797 tỷ đồng, còn số thực tế thu về là 17.777 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nghị định của Chính phủ cũng chỉ ra ba trường hợp Nhà nước mua lại toàn bộ doanh nghiệp, bao gồm mục tiêu thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội.

Việc mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp được thực hiện thông qua mua lại cổ phần hoặc vốn góp tại các doanh nghiệp.

Theo VnExpress

Chủ đề Khu kinh tế Vũng Áng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast