Đối phó với dịch cúm gia cầm: Trên “nóng”, dưới “lạnh” (Bài 2): Tiềm ẩn nguy cơ lây lan

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh hiện nay vẫn nằm trong vùng khả năng kiểm soát được dịch cúm gia cầm. Cơ quan thú y đã sẵn sàng các phương án ứng phó với các loại dịch cúm nguy hiểm H5N1 và H7N9, có khả năng lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, công tác này vẫn vấp phải không ít khó khăn...

Tức tốc chỉ đạo tiêm vắc-xin

Theo ông Trần Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9, ngành chuyên môn bên cạnh tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị, công văn chỉ đạo các ngành, địa phương vào cuộc phòng chống dịch, trong những ngày này, lực lượng thú y của tỉnh đã phân bổ về từng địa bàn để theo dõi và bám sát tình hình cơ sở.

Mặc dù TP Hà Tĩnh đã xây dựng chợ gia cầm nhưng người dân vẫn bán rong dọc đường

Mặc dù TP Hà Tĩnh đã xây dựng chợ gia cầm nhưng người dân vẫn bán rong dọc đường

Ông Hùng cho biết thêm: “Nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, là thời điểm nhạy cảm nhất để cúm gia cầm phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh. Để chủ động “đón đầu” công tác chống dịch, Chi cục chỉ đạo tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm đợt 1/2014 ngay trong tháng 2 thay vì tháng 4/2014 như trước đây. Hiện nay, kho dự trữ còn 200.000 liều vắc-xin cúm gia cầm. Ngoài ra, Chi cục sẽ đáp ứng đủ vắc-xin theo nhu cầu của các địa phương; đồng thời, phối hợp với các ngành thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các chốt kiểm dịch động vật”. Được biết, hiện nay, một số địa phương đã đăng ký nhận vắc-xin và Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) sẽ là xã đầu tiên thực hiện.

Cùng thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi tập trung cũng “sốt sắng” tiêu độc khử trùng bằng hóa chất và xử lý vôi bột, nhằm ngăn chặn sự phát sinh của mầm bệnh tại chỗ. Anh Trần Minh Đức (xóm Liên Vinh, Thạch Đài - Thạch Hà) cho biết: “Mới ra tết nên đàn gà chỉ còn 40 con và 650 con vịt đẻ. Kinh tế hoàn toàn phụ thuộc chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nên công tác phòng chống dịch luôn được vợ chồng tôi coi trọng. Những dịp bình thường, cứ 6-7 ngày là tôi lại phun hóa chất tiêu độc khử trùng một lần. Hiện nay, tôi đã đăng ký tiêm phòng cho 100% đàn gia cầm, thủy cầm và tiếp tục xử lý vệ sinh chuồng trại”.

“Nước đến chân mới nhảy”!

Như chúng tôi đã phản ánh ở bài trước, mặc dù dịch cúm gia cầm “ngấp nghé” nhưng hoạt động buôn bán, giết mổ trái quy định vẫn diễn ra ngang nhiên và công khai. Và tất nhiên, bệnh dịch vô hình trung sẽ đi theo những chiếc lồng nhốt vài chục con gà, vịt “nhặt góp” truyền đi khắp các ngách đường, ngõ xóm.

Gà làm thịt sẵn vẫn được bày bán không qua kiểm dịch (Ảnh chụp tại đường Xuân Diệu - TP Hà Tĩnh)

Gà làm thịt sẵn vẫn được bày bán không qua kiểm dịch (Ảnh chụp tại đường Xuân Diệu - TP Hà Tĩnh)

Khoan đổ lỗi cho thái độ thờ ơ, bất chấp lợi nhuận của nhà buôn; sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng thì không hiểu vì lý do gì, tình trạng buôn bán lộn xộn này lại vẫn tồn tại trong khi chợ buôn bán, giết mổ gia cầm tập trung chỉ cách khu vực “cấm” chưa đầy 1 km. Thế mà, cả lực lượng quản lý thị trường lẫn chính quyền sở tại đành “bó tay”, nhất là vào thời điểm dịch cúm gia cầm đang ở mức báo động trên cả nước. Không quản lý được buôn bán, việc kiểm soát giết mổ, an toàn dịch bệnh vì thế mà khó… “bằng lên trời”! Gà, vịt không có dấu kiểm dịch vẫn ra chợ đã là một chuyện, biết đâu có dấu rõ ràng đấy cũng chưa chắc đã an toàn khiến nhà quản lý đau đầu?.

Ngược về vùng sản xuất, dù số lượng gia cầm liên tục tăng nhưng vẫn chủ yếu là sản xuất phân tán, nhỏ lẻ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần như chỉ những hộ chăn nuôi quy mô lớn mới chú ý đến việc an toàn dịch bệnh trong quy trình nuôi. Thậm chí, khi được hỏi thông tin về dịch cúm gia cầm thì không ít người vô tư cho rằng, dịch chưa đến tỉnh mình nên không phải quan tâm. Đặc biệt là từ khi vắc-xin phòng cúm gia cầm không còn được hỗ trợ kinh phí thì tỷ lệ tiêm ngày càng… èo uột!

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đài Trương Quang Anh cho biết: “Bình thường các năm, tỷ lệ tiêm thủy cầm đạt gần 100% nhưng đối với đàn gà thì rất thấp, thậm chí chỉ bằng 1/5 (tổng đàn gà chiếm đến 2/3 tổng gia cầm - PV). Nguyên nhân chính là do gia cầm chỉ nuôi trong khoảng thời gian 3-4 tháng là cho xuất chuồng nên người chăn nuôi thường ngại bỏ tiền đầu tư”. Hay như ở xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên), nghe đâu khi thời điểm tiêm phòng đã cận kề thì địa phương mới “lật đật” điều tra tổng đàn, trong khi công việc này đáng lẽ phải hoàn thành trước thời điểm tiêm cả tháng. Kiểu “nước đến chân mới nhảy” đang là cách ứng phó với dịch bệnh khá phổ biến ở nhiều địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast