Dồn sức bổ cứu sản xuất vụ xuân

Lịch thời vụ bắc mạ trà lúa chủ lực đầu tiên đã kết thúc, chỉ không đầy 1 tuần nữa 70% diện tích lúa xuân sẽ đồng loạt xuống giống. Mấy ngày qua, nhiệt độ liên tục xuống thấp, rét kèm theo những cơn mưa dầm chính là báo hiệu của thời khắc khắc nghiệt nhất của mùa đông đã gõ cửa.

ĐVTN Vũ Quang ra quân làm giao thông nội đồng giúp bà con nông dân SX vụ Xuân. Ảnh: Bích Hường
ĐVTN Vũ Quang ra quân làm giao thông nội đồng giúp bà con nông dân SX vụ Xuân. Ảnh: Bích Hường

Có thể nói, thành công nhất của vụ xuân này tính đến thời điểm hiện tại đó là các địa phương đã chấp hành nghiêm túc chủ trương xóa bỏ trà xuân sớm của tỉnh. Mặc dù còn rơi rớt lại một số diện tích nhỏ lúa xuân sớm (gần 1%) nhưng ít ra nó cũng không còn là mối lo ngại chính của vụ sản xuất năm nay khi tình trạng lúa chết rét hàng loạt được chấm dứt. Kết thúc thời vụ gieo mạ xuân trung, toàn tỉnh đã bắc 667,2 ha mạ, trong đó xuân sớm 22,9 ha; xuân trung 644,3 ha; gieo thẳng 2787 ha xuân sớm và xuân trung với các loại giống chủ đạo: Xi23, NX30, P6. Thêm một chuyển biến từ đồng ruộng, hình ảnh những luống mạ được che phủ ni lông đã phổ biến từ vùng thâm canh lúa Đức Thọ, Can Lộc đến Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên. Chứng tỏ nhận thức về sản xuất thích ứng với BĐKH của người nông dân thể hiện ngày càng rõ nét, cụ thể hơn. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm xưa, thời tiết ấm áp đầu vụ sản xuất bao giờ cũng báo hiệu mùa đông đến muộn hơn trung bình nhiều năm và chắc chắn sẽ kéo dài về cuối vụ. Trong khi đó, không ít địa phương vẫn để xảy ra tình trạng tùy tiện xuống giống mà không chấp hành theo lịch thời vụ, thậm chí, có nơi còn “bỏ xa” lịch của tỉnh đến cả chục ngày như: Kỳ Anh, Can Lộc, Nghi Xuân. Khi được hỏi, chị Hoàng Thị Thiết, Kỳ Đồng (Kỳ Anh) chỉ trả lời đơn giản: “Vì năm ngoái lúa trổ muộn, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch nên năm nay tôi gieo lúa xuân trung sớm hơn 12 ngày so với lịch cho chắc ăn”. Không nắm quy luật thời tiết, nếu để lúa trổ đúng vào thời điểm rét thì cái giá phải trả thật khôn lường. Bên cạnh đó, diện tích gieo thẳng còn quá lớn, mới chỉ 30% trà lúa đầu tiên mà đã có đến 2787 ha gieo thẳng, chủ yếu là do tập quán cũ như: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh. Kỹ sư Võ Trí Hà, Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Năm nay, tiết tiểu hàn và đại hàn nằm trọn trong thời điểm quan trọng nhất của vụ sản xuất vụ xuân, cấy trà xuân trung và bắc mạ xuân muộn. Trong điều kiện thời tiết này, bên cạnh phương án dự phòng, các địa phương cần chỉ đạo bà con xuống đồng chăm sóc, cứu rét cho diện tích mạ đã bắc. Tiến hành bón tro bếp, phân chuồng hoai mục và điều tiết mực nước hợp lý vào chân ruộng để giữ ấm; tuyệt đối không bón thúc đạm cho mạ khi nhiệt độ dưới 150C. Bà con nên che phủ mạ bằng ni lông để giữ kín gió, đặc biệt với trà xuân muộn, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại. Đồng thời, tuân thủ lịch thời vụ, không để lúa trổ sớm gặp rét, gây tổn hại đến năng suất lúa”.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công điện số 01/CĐ- UBND về việc bổ cứu sản xuất vụ xuân. Khẩn trương cứu rét cho mạ xuân, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải tăng cường bám sát đồng ruộng, rà soát số diện tích mạ xuân trung bắc mạ trước lịch thời vụ để có hướng bổ cứu kịp thời, đồng thời hướng dân bà con bắc mạ đúng giống, đúng thời vụ, đúng quy trình; cân đối cụ thể nguồn giống, ni lon che phủ mạ , chủ động trích ngân sách và liên hệ với các đơn vị cung ứng, tuyệt đối không được để thiếu giống sản xuất; tập trung tập huấn, hướng dẫn quy trình bắc mạ và phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Đối với ngành chuyên môn, cần tổ chức kiểm tra vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giống, nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn cho sản xuất vụ xuân 2013.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast