Động lực để nông dân thoát nghèo bền vững

Không chỉ hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, thời gian qua, các cấp hội nông dân ở tỉnh ta đã sát cánh cùng bà con trong việc xây dựng các mô hình sản xuất liên kết. Nhờ đó, hàng nghìn hộ nông dân đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.

Từ những lớp học “trực tuyến”

Nhớ lại thời kỳ chăn nuôi đơn lẻ trước đây, chị Nguyễn Thị Nga (xóm 2, xã Hương Thủy - Hương Khê) cho biết: tận dụng nguồn thức ăn từ sản xuất nông nghiệp, năm nào gia đình cũng nuôi vài ba con lợn thịt, song hiệu quả chẳng đáng là bao. Khi thì dịch bệnh hoành hành, khi thì rớt giá, đến lứa xuất chuồng nhưng chẳng ai hỏi mua.

Sở KHCN tổ chức lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu cho bà con nông dân.
Sở KHCN tổ chức lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu cho bà con nông dân.

Tháng 6/2011, sau khi tham gia lớp học nghề kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho lợn do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức, chị Nga nhanh chóng lĩnh hội được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật, quy trình chăm sóc vật nuôi.

Lớp học được tổ chức ngay tại địa phương, với phương châm học đi đôi với hành, học đến đâu thực hành đến đó, các học viên tham gia không phân biệt trình độ, tuổi tác đều có khả năng lĩnh hội được tất cả kiến thức, kỹ năng do giáo viên đứng lớp trình bày.

Sau khi tham gia lớp học, chị Nga tiếp tục được Hội Nông dân xã Hương Thủy đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư, mở rộng mô hình chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình chị xuất chuồng khoảng 300 con lợn thịt, thu nhập trên 200 triệu đồng.

Chúng tôi được tham dự lớp dạy nghề ngắn hạn thú y cho 30 học viên là hội viên Hội Nông dân xã Trường Sơn (Đức Thọ). Lớp học được tiến hành ngay tại nhà học viên, bài giảng được áp dụng ngay trên 300 con gà giống được mua từ nguồn hỗ trợ kinh phí lớp học.

Theo thầy giáo Biện Văn Quảng, quy trình một bài giảng được phân thành 2 phần chủ yếu, 15% thời gian khóa học được dành để trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về quy trình chăm sóc vật nuôi và các bệnh thường gặp trên các đối tượng vật nuôi trong gia đình; 85% thời lượng còn lại được dành cho phần thực hành. Học viên Trần Văn Thông hào hứng: ngoài việc được tạo điều kiện để thực hành ngay trên vật nuôi, mỗi học viên còn được trang bị thêm một bộ dụng cụ thú y để có thể xử lý ngay các dịch bệnh xẩy ra tại địa phương...

Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Anh cho biết: ưu tiên công tác đào tạo nghề cũng là cách trang bị cho nông dân cái cần câu đủ lực. Với cách làm đó, thời gian qua, Trung tâm đã mở 71 lớp dạy nghề cho 2.182 lao động nông thôn.

Sau khóa học, phần lớn học viên áp dụng được các kiến thức đã học vào thực tế sản xuất của hộ gia đình, sau đó đã trở thành nòng cốt trong phong trào SXKD giỏi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm tại các địa phương và tự điều trị được các loại bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm.

Đến phong trào thi đua lao động sản xuất

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê - Võ Viết Minh Châu chia sẻ: với phương châm gắn đào tạo nghề với thành lập tổ nhóm sản xuất, xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức sản xuất hàng hóa và kết nối đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 1.200 mô hình trang trại, gia trại với diện tích bình quân gần 6 ha/mô hình. Tổng giá trị sản xuất, tính riêng trong năm 2012 của các mô hình này đạt gần 380 tỷ đồng. Trong đó, có 10 mô hình nuôi lợn liên kết với các doanh nghiệp quy mô 300 - 1.000 con/lứa đã cho thu nhập 200-500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, huyện còn triển khai có hiệu quả hơn 300 mô hình chăn nuôi lợn gia trại kết hợp làm bể biogas cùng nhiều mô hình nuôi các vật nuôi khác như gà, ong, dê... cho thu nhập khá.

Tranh thủ thời gian nông nhàn, bà con xã Sơn Thịnh (Hương Sơn) đan lát mây tre để tăng thu nhập. Ảnh: Minh Lý
Tranh thủ thời gian nông nhàn, bà con xã Sơn Thịnh (Hương Sơn) đan lát mây tre để tăng thu nhập. Ảnh: Minh Lý

Bằng nhiều cách làm khác nhau, thời gian qua, các cấp hội trên địa bàn đã động viên, khuyến khích bà con nông dân khai thác nguồn lực, tiềm năng lợi thế của vùng miền, phát huy sức mạnh của cộng đồng để phát triển kinh tế. Chẳng hạn như nông dân Thạch Hà dạy cách trồng nấm, trồng rau sạch; hỗ trợ nông dân các huyện miền núi phát triển kinh tế trang trại kết hợp nuôi lợn, bò quy mô lớn…

Ngoài ra, các cấp hội đã giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt thông tin thị trường, cung ứng vật tư nông nghiệp, vay phân bón trả chậm 132.500 tấn, hỗ trợ mua 1.275 máy cày đa chức năng, 9.000 tấn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cung ứng 1,25 triệu cây giống, 1.560 con giống...

Ông Trần Đình Gia - Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh cho biết: thông qua phong trào thi đua lao động đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu, trang trại, gia trại lớn. Khắp các vùng quê ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, có vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động, cho thu nhập từ 100 triệu - 2 tỷ đồng/năm.

Nhiều tấm gương nông dân vượt khó, không cam chịu đói nghèo (chỉ tính riêng năm 2012, toàn tỉnh có hơn 67 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp), tranh thủ các cơ chế chính sách, phát huy tiềm năng lợi thế để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê hương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast