Dự án gần ngàn tỷ ì ạch thi công do nhà thầu không tập trung!

Cuối năm 2009, Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê La Giang được khởi công xây dựng với tính chất, quy mô của một dự án trọng điểm, cấp bách nên được Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm trong việc cho phép công trình vừa thiết kế vừa thi công, đặc biệt là bố trí vốn khá kịp thời. Thuận lợi thế nhưng do Tập đoàn Xuân Thành thi công dàn trải dẫn đến tổng khối lượng sau gần 3 năm mới đạt hơn 35%, buộc nhà thầu nhiều lần xin gia hạn hợp đồng…

Có mặt trên công trường vào ngày đầu đông, chứng kiến cảnh lác đác một vài xe máy của nhà thầu đổ mỗi chuyến đất vài chục khối để san lấp cơ đê phía sông đoạn qua xã Đức Yên (Đức Thọ), người viết bài không khỏi quan ngại về tiến độ của một dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Ông Đặng Phi Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và PCLB Hà Tĩnh kiêm Trưởng Ban quản lý Dự án xây dựng Đê điều Hà Tĩnh phân trần: Do thời gian này đơn vị thi công đang chờ ngành tài nguyên môi trường và huyện Hương Sơn xác định lại mỏ vật liệu (đất) đắp đê nên nhà thầu Tập đoàn Xuân Thành đã điều chuyển, rút thiết bị, xe máy đi các công trường khác. Đơn vị thi công cũng đang khảo sát địa điểm đặt trạm trộn bê tông nên việc đổ bê tông ở những đoạn đã hoàn thành xử lý đất đắp (từ k14 - k19+144) cũng chưa được tiến hành.

Nhà thầu Tập đoàn Xuân Thành chỉ bố trí vài xe máy thi công cầm chừng phần đắp cơ phía sông đoạn qua xã Đức Yên (Đức Thọ)
Nhà thầu Tập đoàn Xuân Thành chỉ bố trí vài xe máy thi công cầm chừng phần đắp cơ phía sông đoạn qua xã Đức Yên (Đức Thọ)

Theo BQL Dự án xây dựng Đê điều Hà Tĩnh, Dự án đầu tư nâng cấp đê La Giang có tổng mức đầu tư 967,4 tỷ đồng được chia làm 3 gói thầu, trong đó có 2 gói thầu nâng cấp đê có khối lượng lớn, trị giá 697 tỷ đồng, đều do Tập đoàn Xuân Thành thi công, nhưng kết quả đến nay rất thấp.

Cụ thể, sau gần 3 năm thi công, gói thầu số 1 trị giá 209 tỷ đồng (nâng cấp đê đoạn từ k14 - k19+144; gia cố cọc cát xử lý nền đê phía sông đoạn từ k17+700 - k19+144; xử lý tầng phủ nền đê phía đồng đoạn từ k18+770 - k19+070) mới tiến hành xong việc đắp đất, gia cố cọc cát, xử lý tầng phủ nền. Theo tiến độ quy định thì gói thầu 1 phải hoàn thành trước ngày 31/12/2010, nhưng thực tế UBND tỉnh đã cho gia hạn thi công lần 1 và đến nay khối lượng chung cũng mới đạt hơn 50%.

Đối với gói thầu 2 trị giá 488 tỷ đồng (nâng cấp đê đoạn từ k0 - k14; xây lắp kè Tùng Ảnh, Bùi Xá, Đồng Dâu; 4 tuyến đường thi công kết hợp ứng cứu hộ đê; hệ thống điện chiếu sáng toàn tuyến) đã đào đắp 500 ngàn trong tổng số 750 ngàn khối đất, xử lý xong nền 4 tuyến đường thi công nhưng tính theo khối lượng chung của gói thầu này chỉ mới đạt 25%.

May thay, điều an ủi cho dự án "khủng" này lại nằm ở gói thầu 3 trị giá hơn 16 tỷ đồng (xây dựng 2 nhà quản lý đê; hệ thống mốc cọc chỉ giới và biến báo, vận chuyển thu gom vật tư dọc tuyến đê về 2 vùng kho tập trung; kênh tiêu vùng sủi Yên Hồ) do liên danh Công ty CP Tân Hải Hà với Công ty Nhật Long thi công, đã hoàn thành vào cuối tháng 9 vừa qua đảm bảo cả 3 tiêu chí: tiến độ, chất lượng, mỹ thuật.

Trưởng BQL Dự án xây dựng Đề điều Hà Tĩnh Đặng Phi Hùng thừa nhận, khác với nhiều dự án lớn thi công thời gian gần đây thì Dự án nâng cấp đê La Giang không bị ảnh hưởng nhiều về nguồn vốn. Bởi, thời gian qua, tuy thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công nhưng công trình đã được bố trí 425,5 tỷ đồng. Song, đến hết tháng 10/2012, chủ đầu tư mới giải ngân hết 350 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường GPMB và tư vấn đầu tư xây dựng lẫn thiết kế đã lên đến 75 tỷ đồng. Về nguyên nhân công trình chậm tiến độ, ngoài thời tiết trong năm 2011 mưa nhiều, năm 2012 không có bãi vật liệu để lấy đất đắp đê thì cốt lõi vẫn do nhà thầu Tập đoàn Xuân Thành chưa tập trung cao cho việc thi công 2 gói thầu chính.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư, thực hiện Thông báo kết luận số 437/TB-UBND ngày 22/10/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự tại buổi làm việc với Tập đoàn Xuân Thành, đơn vị đã phối hợp với Sở TN&MT, huyện Hương Sơn và nhà thầu xác định được vị trí cấp mỏ vật liệu từ việc hạ cốt nền trong khu công nghiệp Hà Tân (thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo). Mở được "nút thắt" khoảng 250 ngàn khối đất này, chủ đầu tư tiếp tục chỉ đạo nhà thầu Tập đoàn Xuân Thành tập trung cao độ về nhân lực, máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công vì khối lượng công việc của 2 gói thầu nâng câp đê rất lớn như: bê tông mặt đê, bê tông các cơ đê, cống qua 4 tuyến đường thi công kết hợp cứu hộ đê, các hệ kè…).

"Để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công, BQL dự án đề nghị UBND tỉnh, trước mắt cho gia hạn tiến độ thi công dự án phù hợp với kế hoạch bố trí vốn hàng năm; sau nữa là cấp phép phần đất nhà thầu đã chủ động khai thác tại khu vực Cổng B (Khu kinh tế Cầu Treo) nhằm có cơ sở điều chỉnh dự toán, đồng thời cấp mỏ vật liệu mới khu vực lân cận Cổng B phục vụ khai thác đất đắp đoạn đê còn lại (từ thị trấn Đức Thọ đến xã Đức Yên)", ông Hùng nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast