Đủ nhu cầu, tạo thuận lợi tối đa cho người vay

Khi các học sinh, sinh viên (HSSV) và gia đình tất bật chuẩn bị cho năm học mới, cũng là lúc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tập trung cao nguồn lực để giải ngân chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Giám đốc NHCSXH tỉnh Lưu Văn Minh về nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2013-2014.

Vốn tín dụng ưu đãi HSSV trong năm học mới

- Ở một số thời điểm, do áp lực về nguồn vốn lớn tập trung cùng một lúc trong cả nước nên việc phân bổ vốn của T.Ư cho các địa phương chậm dẫn đến giải ngân chương trình tín dụng HSSV không kịp thời. Năm học này, nguồn vốn liệu đã sẵn sàng, thưa ông?

Đến thời điểm đầu tháng 9 năm nay, dư nợ chương trình tín dụng HSSV do NHCSXH tỉnh cho vay đạt 1.280 tỷ đồng với hơn 76 ngàn HSSV đang được thụ hưởng chính sách. Dự kiến nhu cầu năm học 2013-2014 có trên 21 ngàn sinh viên vay vốn bao gồm sinh viên nhận tiền vay kỳ tiếp theo và sinh viên mới thi đậu trong năm nay có nhu cầu vay vốn với số tiền khoảng 220 tỷ đồng. Đây là chương trình tín dụng có dư nợ và số hộ vay lớn nhất trong số 13 chương trình tín dụng ưu đãi đang thực hiện ở tỉnh ta.

Ngân hàng CSXH giải ngân vốn HSSV tại các điểm giao dịch tạo điều kiện thuận lợi cho người vay.
Ngân hàng CSXH giải ngân vốn HSSV tại các điểm giao dịch tạo điều kiện thuận lợi cho người vay.

Để đáp ứng nhu cầu vay vốn chương trình HSSV trong năm học mới, T.Ư sẽ ưu tiên nguồn vốn để đáp ứng đủ nhu cầu cho vay chương trình HSSV; bên cạnh đó, trong năm 2013, NHCSXH đã thực hiện tốt công tác thu hồi nợ đến hạn nên có thể khẳng định nguồn vốn đáp ứng đủ nhu cầu HSSV vay vốn, không xảy ra tình trạng thiếu nguồn vốn cho vay như một số thời điểm trước đây.

- Ông có thể cho biết, Chi nhánh NHCSXH đã chuẩn bị giải ngân chương trình như thế nào để tạo thuận lợi tối đa cho người vay?

Để chuẩn bị giải ngân chương trình HSSV năm học mới, NHCSXH đã chỉ đạo các NHCSXH cấp huyện khẩn trương hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch giải ngân các chương trình tín dụng khác để tập trung ưu tiên cho công tác giải ngân chương trình HSSV đảm bảo kịp thời, chính xác, không để xảy ra tình trạng tồn đọng nguồn vốn, dự kiến hoàn thành kế hoạch giải ngân học kỳ I năm học 2013-2014 trước ngày 15/12/2013.

Bên cạnh đó, để làm tốt công tác giải ngân với áp lực về thời gian giải ngân ngắn, đòi hỏi phải kịp thời, khối lượng công việc lớn (bao gồm các HSSV đã vay năm học trước và HSSV mới thi đỗ trong năm học mới), trong điều kiện con người hạn chế, NHCSXH phát động toàn thể cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy trình, quy định, phối hợp tốt với tổ chức hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền địa phương hỗ trợ hộ vay tiếp cận vốn một cách thuận lợi. NHCSXH chỉ đạo các phòng giao dịch huyện, thị, chủ động trong việc bố trí, sắp xếp lịch giải ngân một cách khoa học, lập kế hoạch giải ngân theo địa bàn từng xã của từng tháng với phương châm tập trung tất cả cho việc giải ngân chương trình HSSV kể cả ngày nghỉ.

Việc giải ngân tiếp tục được triển khai tại điểm giao dịch xã đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người vay, tăng phiên giao dịch tại xã để giải ngân kịp thời cho các hộ vay có tiền trang trải chi phí học tập cho HSSV.

- Để chương trình tín dụng dành cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được triển khai hiệu quả trong thời gian tới, theo ông, cần phải lưu ý đến những vấn đề gì?

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và tiết kiệm - vay vốn phải thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc rà soát, điều tra, bình xét và xác nhận các hộ đúng đối tượng, đủ điều kiện vay vốn theo quy định của Chính phủ làm cơ sở để NHCSXH giải ngân thuận lợi.

Thứ hai, nhà trường nơi các HSSV theo học xác nhận đúng, đủ, kịp thời thông tin HSSV theo giấy xác nhận để NHCSXH có cơ sở giải ngân.

Thứ ba, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và NHCSXH thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ cơ chế, chính sách, đối tượng, quy trình, điều kiện vay vốn, tạo thuận lợi cho nhân dân thực hiện giám sát từ cơ sở, đảm bảo đồng vốn cho vay đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người vay trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn.

Thứ tư, NHCSXH tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, phối kết hợp với UBND các xã (phường), các tổ chức hội nhận ủy thác thực hiện tốt điểm giao dịch xã, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, trả nợ nhanh, thuận lợi và an toàn nhất.

Đối tượng rộng, thủ tục cho vay đơn giản

Đối tượng vay vốn là HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề gồm: HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật, hộ có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo theo quy định của pháp luật; HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học sẽ được vay vốn tín dụng, với điều kiện phải có xác nhận của UBND cấp xã vào đơn xin vay vốn của hộ gia đình.

Thủ tục hồ sơ xin vay theo quy định bao gồm: giấy xác nhận của nhà trường nơi HSSV theo học hoặc giấy báo nhập học (đối với HSSV mới trúng tuyển); được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay, UBND xã nơi gia đình cư trú xác nhận trên danh sách hộ đề nghị vay vốn; giấy đề nghị vay vốn, sổ vay vốn (nếu gia đình đã có sổ vay vốn do đã vay các chương trình khác thì dùng sổ vay vốn đó để vay).

Nâng mức cho vay lên 1,1 triệu đồng/tháng

Năm học 2013-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1196/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay tối đa quy định tại khoản 1, Điều 5, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, lên 1,1 triệu đồng/tháng/ HSSV. So với quy định cũ, mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 100.000 đồng/tháng/HSSV. Theo tính toán của Ngân hàng CSXH Việt Nam, với mức tăng thêm 100.000 đồng/HSSV/tháng thì nguồn vốn cho vay trong toàn quốc sẽ tăng thêm gần 700 tỷ đồng/năm.

Giải ngân vốn HSSV qua thẻ ATM

Nếu sử dụng phương thức giải ngân bằng tiền mặt thì sau khi nhận tiền tại ngân hàng, hộ gia đình phải đến các tổ chức tín dụng khác để chuyển tiền cho HSSV, có thể xảy ra rủi ro trong bảo quản tiền mặt. Từ năm 2011, Ngân hàng CSXH đã ký hợp đồng hợp tác với Ngân hàng No&PTNT Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) về việc giải ngân tiền vay chương trình HSSV thông qua thẻ ATM.

Theo đó, khi có nhu cầu vay vốn, người vay chỉ việc đến tại điểm giao dịch xã ký nhận tiền vay và đề nghị giải ngân thông qua thẻ ATM, Ngân hàng CSXH sẽ phối hợp với Ngân hàng No&PTNT và Ngân hàng Công thương thực hiện chuyển tiền vay của khách hàng vào tài khoản thẻ ATM cho HSSV. Phương thức giải ngân này hỗ trợ cho gia đình khi vay và chuyển tiền vay không phải chịu chi phí, sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả và được hưởng lãi suất theo mức lãi suất không kỳ hạn tính trên số dư của tài khoản thẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast