Đưa hoạt động vận tải đường bộ Việt Nam - Lào lên tầm cao mới

Sáng 24/7, tại Thiên Cầm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Vận tải - Bộ Công chính và Vận tải Lào đã tổ chức Hội nghị thường niên về thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Việt Nam và Lào.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền vui mừng về hợp tác GTVT giữa hai nước đã đạt được những thành tựu nhất định, thông qua Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải đường bộ qua lại biên giới giữa 2 nước Việt Nam và Lào phát triển một cách hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và giao lưu kinh tế, văn hóa của nhân dân 2 nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hai bên còn một số vấn đề cần trao đổi, rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời. Việt Nam hy vọng, hội nghị thường niên lần này sẽ giải quyết những bất cập, hạn chế, tăng cường thúc đẩy kết nối GTVT giữa hai nước.

Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa 2 nước Việt Nam và Lào được Chính phủ 2 nước ký từ năm 2009, tiếp đó Nghị định thư thực hiện Hiệp định được ký vào năm 2010. Đến 30/6/2013, Tổng cục ĐBVN đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế Việt - Lào cho 631 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải trên toàn quốc. Về cơ bản, các doanh nghiệp hoạt động vận tải đã đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân hai nước.

Tính đến nay 2 nước Việt Nam và Lào đã tổ chức được 50 tuyến vận tải hành khách do 44 doanh nghiệp thực hiện với 275 xe ô tô đang khai thác trên các tuyến. Hiện nay, việc tổ chức vận tải hàng hóa và hành khách qua lại biên giới giữa Việt Nam và Lào tương đối thuận tiện, dịch vụ vận tải giữa hai nước đã đáp ứng yêu cầu vận chuyển từ cửa đến cửa.

Theo quy định của Hiệp định và Nghị định thư, hai bên không giới hạn tuyến đường, số lượng phương tiện qua lại. Mặt khác, Hiệp định tạo thuận lợi cho hoạt động qua lại biên giới giữa hai nước đã cho phép phương tiện được hoạt động qua lại 15 cặp cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và Lào nên về cơ bản các doanh nghiệp đã tổ chức vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân hai nước.

Tuy nhiên, hoạt động vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách theo hợp đồng giữa hai nước vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại cần được tháo gỡ. Trên tất cả các tuyến vận tải hành khách cố định đều tồn tại một số lượng lớn các xe chạy hợp đồng nhưng hàng ngày chạy trên lịch trình, hành trình của tuyến cố định, tranh giành khách, giảm giá vé, chạy vòng vo gây mất trật tự ATGT tại nhiều địa phương; xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng nhưng sử dụng để vận chuyển hàng hóa; xe vận chuyển hàng hóa liên vận chở quá tải trọng, làm hư hỏng cầu đường bộ của cả Việt Nam và Lào, gây mất an toàn giao thông.

Đoàn cán bộ hai bên chụp ảnh lưu niệm
Đoàn cán bộ hai bên chụp ảnh lưu niệm

Từ năm 2010 đến nay Việt Nam đã cấp 16.801 giấy phép liên vận cho phương tiện phi thương mại, điều này chứng tỏ Hiệp định mới đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện và thúc đẩy đi lại của phương tiện phi thương giữa hai nước.

Để tăng cường quản lý hoạt động vận tải đường bộ giữa hai nước, Tổng cục ĐBVN đề nghị hai bên cùng rà soát lại hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, trao đổi và thống nhất biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp không ký hợp đồng với các bến xe, không thực hiện đúng các quy định của Hiệp định và Nghị định thư; chỉ đạo các Sở GTVT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát và thông tin về Tổng cục ĐBVN và Cục Vận tải Lào danh sách các phương tiện vi phạm để thông tin cho nhau, kiên quyết thu hồi giấy phép và không tiếp tục cấp phép cho các phương tiện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Hiệp định và Nghị định thư.

Trong năm 2013 và những năm tiếp theo, hai bên cần tiếp tục rà soát lại hoạt động vận tải theo tuyến cố định, thống kê chính xác về số lượng doanh nghiệp và phương tiện hoạt động trên tuyến, tình hình tổ chức vận tải trên tuyến để sắp xếp số lượng doanh nghiệp và phương tiện hoạt động trên các tuyến phù hợp, ổn định, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; định kỳ 6 một lần hai bên thông báo cho nhau danh sách các doanh nghiệp vận tải hành khách, biển số xe, số tuyến vận tải liên vận để theo dõi, quản lý.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ khẳng định, Hà Tĩnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để vận tải thông thương phát triển giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là với Lào
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ khẳng định, Hà Tĩnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để vận tải thông thương phát triển giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là với Lào

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Minh Kỳ khẳng định, Hà Tĩnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để vận tải thông thương phát triển giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là với Lào. Hy vọng thông qua hội nghị này, hai bên sẽ cải tiến quy trình, thủ tục xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi phát triển giao thương vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa 2 nước nói chung và Hà Tĩnh đi Lào nói riêng.

Để tiếp tục tạo điều kiện phát triển vận tải, thương mại, du lịch giữa Việt Nam và nước bạn Lào, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục vận tải Lào tiếp tục phối hợp nghiên cứu để cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục xuất nhập khẩu, cấp giấy phép cho phương tiện hàng hóa và người thông thương giữa 2 nước ngày càng thông thoáng, thuận lợi; sớm mở và khai thác tuyến vận tải hàng hóa và hành khách của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan qua 4 tỉnh: Hà Tĩnh - Khăm Muộn, Bôlykhămxay (Lào) - Nakhon Phannom (Thái Lan).

Sau hội nghị, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam với Cục vận tải Lào sẽ ký biên bản ghi nhớ.

Ngày 25/7, Đoàn đi tham quan KKT Vũng Áng và dâng hương Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast