EVN cầu viện các tập đoàn đầu tư vào điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vay hàng tỷ đôla cho các công ty con mà vẫn chưa đủ vốn, Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri kêu gọi TKV, PetroVietnam cùng tham gia.

> EVN lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ đồng

> EVN lại muốn tăng giá bán điện vì thiếu vốn

- Năm 2011 EVN lỗ lũy kế tới 38.000 tỷ đồng. Bằng cách nào tập đoàn giảm được xuống gần 20.000 tỷ đồng vào cuối năm ngoái?

- Năm 2011, EVN lỗ lũy kế 38.000 tỷ đồng, trong đó lỗ do sản xuất kinh doanh là 12.000 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ đồng. Năm 2013, sản lượng thủy điện tăng vọt do thủy điện Sơn La bắt đầu đi vào hoạt động, nước về nhiều giúp chi phí giảm, dẫn đến bù được một phần lỗ của năm trước.

Năm 2012, giá bán điện tăng 40 đồng mỗi kwh so với năm 2011. Giá bán than cho điện tăng từ 20% đến 40% tùy loại làm giá thành nhiệt điện dùng than tăng. Tuy nhiên, yếu tố giảm giá thành là giá thủy điện thấp, khoảng 503 đồng mỗi kwh. Chính điều này đã kéo giá thành bình quân xuống. Tổng thể chi phí tăng khoảng 3%.

Theo Phó tổng EVN Đinh Quang Tri, năm 2013 EVN dự kiến lãi 120 tỷ đồng.
Theo Phó tổng EVN Đinh Quang Tri, năm 2013 EVN dự kiến lãi 120 tỷ đồng.

Đến 2013, doanh thu toàn tập đoàn đạt 172.000 tỷ đồng và dự kiến lãi 120 tỷ đồng. Tính đến nay, EVN đã cân đối được tài chính, bù lỗ cho sản xuất kinh doanh khoảng 12.000 tỷ. Lỗ chênh lệch tỷ giá giải quyết gần xong và còn một phần giải quết trong năm 2014. Theo quyết định của Thủ tướng, chênh lệch tỷ giá sẽ xử lý dần đến năm 2015.

- Ông bình luận thế nào về việc vừa rồi, Thanh tra Chính phủ kết luận EVN đã tính biệt thự, hồ bơi vào giá điện?

- Thủ tướng đã có kết luận và chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét để hướng dẫn EVN thực hiện. Thực tế, Công ty nhiệt điện Cần Thơ có xây một bể bơi và một sân tennis. Khu này được đưa vào vận hành vào tháng 5/2013. Do đó, chúng tôi chưa hạch toán vào giá thành điện. Tập đoàn Điện lực đã chỉ đạo Công ty nhiệt điện Cần Thơ phải lấy từ nguồn quỹ phúc lợi và không hạch toán vào giá thành. Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính, Công Thương phối hợp Bộ Xây dựng để hướng dẫn không phải chỉ cho EVN mà còn cho các doanh nghiệp khác trong việc vận hành nhà ở của công nhân vào trong giá thành. Thực tế Bộ Tài chính cũng có hướng dẫn này trong việc thực hiện luật thuế thu nhập.

Tại khu công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài, Nhà nước cũng cấp đất, cho phép họ xây dựng các nhà ở cho công nhân và cũng được hạch toán chi phí. Vừa rồi, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Công Thương hướng dẫn mức như thế nào thì được hạch toán vào giá thành. Nếu xây nhà mà giá cao quá thì không được hạch toán và phải lấy từ nguồn khác. Hiện nay định mức chưa rõ ràng. Bộ Tài chính cùng Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và EVN sẽ thảo luận mức như thế nào thì được hạch toán vào giá thành. Thủ tướng yêu cầu trong tháng 2 tới phải báo cáo về vấn đề này.

- Trong nhiều cuộc họp, EVN thường xin cơ chế đặc biệt do khó tiếp cận vốn vay. Thực hư chuyện này thế nào thưa ông?

- Hiện nay công ty mẹ và công ty con cơ bản đáp ứng được yêu cầu vay vốn để đầu tư các dự án mới. Tuy nhiên tại một số tổng công ty, đặc biệt là 3 tổng công ty phát điện việc vay nợ khó khăn do tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần. Thậm chí có đơn vị lên tới nơi 5- 6 lần. Để giải quyết vấn đề đầu tư cho các tổng công ty phát điện này, một loạt các dự án phải thực hiện theo phương thức EVN đứng ra vay vốn sau đó cho các tổng công ty này vay lại để họ thực hiện dự án mới. Tình hình tài chính đối với sản xuất, kinh doanh, EVN cân bằng được nhưng vấn đề đầu tư rất khó khăn do nhu cầu tăng trưởng điện cao. Dự kiến năm nay, EVN phải đầu tư 123.000 tỷ đồng.

Thực tế, các bên vay luôn đặt ra điều kiện, EVN phải đảm bảo điều kiện là tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu không quá 3 lần. Trong trường hợp tỷ lệ này vượt quá thì phải trình Thủ tướng phê duyệt. Hiện tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của công ty mẹ 1,8-2 lần. Nhưng theo tôi, cơ chế EVN đi vay hàng tỷ USD cho các công ty con vay lại thì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ sẽ lên rất nhanh. Chúng tôi dự kiến trong hai ba năm nữa sẽ vượt mức trần. Lúc đó EVN sẽ rất khó vay vốn. Chúng tôi đề nghị Chính phủ kêu gọi các dự án BOT đồng thời nhiều tập đoàn khác như PetroVietnam, TKV cũng phải đầu tư nhà máy điện chứ một mình EVN không thể thu xếp đủ vốn.

- Việc thoái vốn ngoài ngành của EVN thực hiện đến đâu rồi thưa ông?

- Năm nay EVN đã thoái vốn tại ngân hàng An Bình khoảng 252 tỷ đồng, Công ty bảo hiểm toàn cầu 26 tỷ đồng. Năm 2014, EVN sẽ tiếp tục thoái vốn ở ngân hàng An Bình và các công ty bất động sản miền Trung, Sài Gòn… Tất cả các phương án này, chúng tôi đã trình Bộ Công Thương. Dự kiến quý 1/2014 sẽ tiếp tục thoái vốn ở các đơn vị này.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast