FDI bắt đầu “tăng tốc”

Trái ngược với sự “ì ạch” của những tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã bắt đầu “tăng tốc”. Riêng tháng 7/2014, Việt Nam đã thu hút gần 3 tỷ USD (gồm vốn đăng ký mới và tăng thêm).

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 656 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 4,85 tỷ USD, cùng với 219 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm 1,99 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ thu hút được 6,85 tỷ USD vốn FDI, bằng 64,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, sang tháng 7/2014, Việt Nam đã thu hút thêm được 233 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD và 181 dự án đăng ký tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 0,68 tỷ USD. Tính chung trong tháng 7, Việt Nam đã thu hút thêm 2,68 tỷ USD vốn FDI, đưa tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm trong 7 tháng đầu năm 2014 đạt 9,53 tỷ USD, bằng 80,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Vốn FDI giải ngân trong tháng 7 đạt hơn 1 tỷ USD. Tính chung, tổng vốn FDI giải ngân trong 7 tháng đầu năm đạt 6,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Kết quả 2,68 tỷ USD vốn FDI trong tháng 7 cho thấy tình hình thu hút FDI đang chuyển biến tích cực, củng cố thêm nhận định lạc quan của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi cho rằng, thu hút FDI năm 2014 sẽ không giảm so với năm 2013.

Trong các lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư nhất với 448 dự án đầu tư mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 6,66 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 7 tháng đầu năm. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 20 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,13 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 3 với 69 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 547,58 tỷ USD, chiếm 5,7% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Trong tổng số 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 3,13 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn FDI; Hồng Kông đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 1,15 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn FDI; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,11 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn FDI.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sự thay đổi lớn trong thu hút FDI 7 tháng đầu năm là nhờ vào dự án Công ty TNHH Samsung Display Bắc Ninh tại tỉnh Bắc Ninh có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD. Đây cũng là dự án “tỷ đô” duy nhất được cấp chứng nhận đầu tư vào Việt Nam trong năm 2014.

Theo Chu Huỳnh/Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast